Cần làm gì để phát triển tiềm năng kinh tế, đô thị hóa dọc sông Sài Gòn?
Ngoài vấn đề về quỹ đất, nhiều chuyên gia cho rằng, để phát huy hết tiềm năng kinh tế, đô thị hóa dọc sông Sài Gòn thì cần phát triển hạ tầng giao thông cả đường bộ và đường thủy; đặt biệt là việc kiểm soát các nguồn thải, có phương án bảo vệ môi trường.
Cần tìm phương án linh hoạt
Vừa qua, UBND TP.HCM đã thông qua phụ lục Quy chế quản lý kiến trúc thành phố, trong đó đồ án quy hoạch sông Sài Gòn được rất nhiều người dân ủng hộ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa đề án này, TP.HCM cũng cần giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, kết nối giao thông, xử lý và bảo vệ môi trường...
Thực tế cho thấy, hiện sông Sài Gòn đang là nguồn cung cấp nước sạch chủ yếu cho TP.HCM. Tuy nhiên trên nhiều đoạn sông lại đang phải gánh chịu những nguồn thải từ các nhà máy, cụm dân cư chưa qua xử lý được thải ra sông. Ngoài ra, ven bờ sông Sài Gòn nhiều đoạn người dân cũng tự ý xả rác thải, xà bần, rác thải rắn... ra bờ sông gây nên tình trạng ô nhiễm.
Do đó, các chuyên gia môi trường cho rằng, để hiện thực hóa đồ án quy hoạch sông Sài Gòn, TP.HCM cần kiểm soát nguồn thải dọc bờ sông. Xây dựng hệ thống quan trắc để theo dõi, kịp phát hiện những thay đổi chất lượng nguồn nước, nguồn ô nhiễm. Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang sông, xây dựng trái phép dọc bờ sông.
Bên cạnh vấn đề môi trường, việc giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng của đề án cũng là một vấn đề rất nan giải cần TP.HCM có hướng giải quyết hợp lý. Bởi tại nhiều vị trí dân cư đã ổn định từ lâu, thậm chí đã hình thành những khu biệt thự giá trị rất cao, ổn định về cả mặt kiến trúc cảnh quan và sử dụng đất.
Được biết, theo Kế hoạch chỉnh trang đô thị ven các kênh rạch từ nay đến năm 2025 mà TP.HCM ban hành hồi cuối năm 2021 ước tính, ngân sách TP cần hơn 28.400 tỉ đồng (tương đương gần 1,3 tỉ USD) để di dời gần 14.000 hộ dân ven các kênh rạch.
Theo ông, Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, để hoàn thành mục tiêu đề ra, TP cần phải có khoảng 30.000 căn hộ để tái định cư và cần khoảng 15.000 - 20.000 căn hộ để chủ đầu tư bán thu hồi vốn. Trong khi đó, việc chỉnh trang chủ yếu là ở các quận nội thành cũ bây giờ hệ số sử dụng đất, dân số đã hết, tầng cao cũng bị hạn chế.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, dọc sông Sài Gòn hiện có các đồ án quy hoạch phân khu từ đề án quy hoạch chung TP.HCM duyệt từ năm 2010. Tuy nhiên, để đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045”, cần rà soát lại tất cả các đồ án phân khu. Đồ án nào phù hợp thì giữ nguyên, quy hoạch nào chưa phù hợp mà có khả năng điều chỉnh, thì phải điều chỉnh lại.
“Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông” là đề án dài hạn của TP.HCM, có lộ trình lâu dài. TP sẽ phân kỳ, trước mắt là cải tạo, chỉnh trang những khu vực trung tâm trong điều kiện nguồn lực của thành phố. Sau đó tiến hành điều chỉnh quy hoạch, xây dựng cơ sở pháp lý, các hệ thống khung để từng bước đầu tư khai thác hành lang sông trở nên hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, tạo ra nguồn vốn để tái đầu tư lại cho hạ tầng”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Xây dựng hạ tầng giao thông để hiện thực hóa đề án
Thực tế cho thấy, dọc bờ sông Sài Gòn đoạn qua Quận 1, Quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức đều đã hình thành các khu dân cư cao cấp, có giá trị cao và cơ bản đã được duyệt đồ án quy hoạch. Do đó, để phát triển đô thị ven sông Sài Gòn khả dĩ nhất chỉ còn từ đoạn huyện Củ Chi đến cầu Bình Phước thuộc địa bàn quận 12 (chiều dài khoảng 54km) và đoạn từ cầu Bình Phước đến cầu Bình Triệu đi qua quận 12, TP. Thủ Đức.
Tuy nhiên, để phát triển đô thị tại các vị trí này thì cần xây dựng được hạ tầng giao thông thuận lợi, thông thoáng, nhất là giao thông đường thủy nhằm giảm tải giao thông đường bộ hiện đang là vấn đề nan giải của TP.HCM.
Hiện tại, một số tuyến buýt đường sông đã được vận hành nhưng chưa đạt nhiều hiệu quả do vấn đề kết nối hạ tầng, trung chuyển. Nếu tận dụng tốt tuyết buýt đường sông không chỉ giúp hành khách thưởng thức không gian thoáng mát, cảnh quan sông nước mà còn giải quyết nhu cầu đi lại.
Xa hơn, nếu các phương tiện giao thông thủy vào ra các kênh Đôi, Tàu Hủ, Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và xa hơn là sông Đồng Nai, Soài Rạp cùng với hệ thống kết nối đường thủy từ Đồng bằng sông Cửu Long lên TP.HCM và ngược lại. Lồng ghép phát triển kinh tế du lịch như tổ chức các lễ hội trên sông, chợ nổi.
Vào năm 2017, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất với UBND TP.HCM về việc thực hiện tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn. Tập đoàn Tuần Châu cũng đã tiến hành khảo sát, đề xuất xây dựng tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn dài khoảng 64 km nối từ cầu Bến Súc (Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đến điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (Quận 1).
Được biết, Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM đã có thông báo kết luận về việc chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Tuần Châu hoàn thiện dự án đại lộ ven sông Sài Gòn. Dự án cũng đã được trình bày trực tiếp với Thủ tướng và nhận được lời khen ngợi về tính đột phá tư duy quy hoạch giao thông.
An Hòa