Cần hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu triển khai các dự án BT
Không thể phủ nhận lợi ích mà các dự án xây dựng theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) mang lại, bởi cả Nhà nước, nhà đầu tư và người dân đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, thì vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc cần phải khắc phục.
Hình thức đầu tư BT được huy động nguồn lực từ tài sản công (trong đó có đất đai) để phát triển hạ tầng. Trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) còn hạn hẹp; ngân sách chi cho đầu tư hạ tầng còn hạn chế, thu hút nguồn lực từ nước ngoài còn nhiều khó khăn, thì việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là các mô hình hợp tác công tư được xem là giải pháp vô cùng hiệu quả.
Lỗ hổng thất thoát tài sản…
Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 gửi các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố kết quả kiểm toán 7 dự án BT cho thấy, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực NSNN thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền, nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành; hầu hết các dự án đều chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh.
Cụ thể, dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh do Công ty Trung Nam BT 1547 làm chủ đầu tư, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) nhưng không hề đề xuất thông qua HĐND. Tại Hà Nội, dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (điểm cuối giao với đường 70) đã lựa chọn nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tasco thiếu năng lực tài chính.
Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương lựa chọn Công ty cổ phần Tasco làm nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính. Ảnh: Lê Đoàn. |
Tại dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương, kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỉ đồng. Năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỉ đồng tại 30 dự án.
Do đó, việc thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân chính gây thất thoát ngân sách lớn. Có thể nói, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật đất đai. Việc không quy định cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến việc, có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT, có dự án được giao đất trong khi thực hiện dự BT như dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương. Và còn có dự án BT đã hoàn thành nhưng chưa giao đất như dự án nút giao thông trung tâm quận Long Biên do Công ty CP Him Lam thực hiện.
Bên cạnh đó, việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện, dễ dẫn đến thất thoát NSNN. Điển hình, tại dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương, giá trị hợp đồng BT tạm xác định theo tổng mức đầu tư được duyệt thường cao hơn thực tế thực hiện. Do thời gian thi công các dự án BT thường dài và tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát thực tế, giá trị tiền sử dụng đất phải nộp NSNN khi được giao đất đối ứng tại thời điểm thực hiện dự án thường thấp hơn giá trị khi quyết toán công trình BT.
Ngoài ra, xác định giá đất theo phương pháp thặng dư tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính và số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ TN&MT, cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, NSNN.
Giải pháp của chuyên gia
Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law Firm) cho rằng, chủ trương về BT là đúng đắn. Tuy nhiên, đang tồn tại một hiện tượng rất phổ biến trong BT là giá trị công trình thực tế bị đội lên rất nhiều. Tiền sử dụng đất phải nộp cho nhà nước thường bị định giá thấp, do thời điểm ký hợp đồng BT giao đất có giá trị đất tương đối thấp. Nhưng, khi các công ty xây dựng xong và chuyển giao công trình cho nhà nước thì sau nhiều năm, giá trị tiền sử dụng đất tăng lên rất nhiều.
Luật sư Trương Anh Tú. |
"Cơ quan có thẩm quyền không hề tính đến biến động của giá đất. Đến khi công trình hoàn thành, không tính đến yếu tố địa tô tăng lên khi nhiều con đường, cơ sở hạ tầng được làm lại nằm sát khu đất giao cho nhà đầu tư" - ông Tú nhấn mạnh.
Thời điểm thanh toán và giao đất là một vấn đề rất quan trọng. Điều này cho thấy kẽ hở của pháp luật. Các công đoạn thực hiện đều phụ thuộc vào quan điểm của người trực tiếp triển khai, việc thực hiện không có gì sai khi các quy định không cụ thể, rõ ràng.
Luật sư Trương Anh Tú cho biết thêm, hiện tượng BT đang là thách thức cho cơ chế của nhà nước khi rất nhiều doanh nghiệp đã và đang nhắm đến việc thâu tóm “đất vàng” bằng nhiều cách khác nhau. “Thực tế, tôi được biết, có nhiều doanh nghiệp thích một mảnh đất nào đó để làm dự án bất động sản. Nhưng vì dự án này chưa có đầy đủ kết cấu hạ tầng, nếu họ vào xây dựng thì tốn thêm chi phí về hạ tầng và nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước rất nhiều. Thế nên họ đã vẽ ra một con đường” - ông Tú nói.
Đáng ngạc nhiên, chính quyền địa phương lại “đón đầu” để chấp nhận ngay phương án BT này. Họ sẽ xây dựng cho địa phương một con đường để đổi lấy “đất vàng” xung quanh. Về bản chất, con đường này tương lai sẽ phục vụ cho dự án của doanh nghiệp đó. Họ đã thành công khi “mượn đầu heo nấu cháo”, được cả đất, được cả đường.
"Việc thực hiện dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ, minh bạch; chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng. Cơ chế lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện dự án BT theo hình thức chỉ định nhà đầu tư là trái với Luật đấu thầu. Những điều này tạo lỗ hổng để thất thoát ngân sách và tài sản công" - Luật sư Tú khẳng định.
Việc cần làm hiện nay là phải sớm khắc phục cơ chế nhằm sử dụng hiệu quả công sản khi triển khai BT, tránh những trường hợp lợi dụng “mượn đầu heo nấu cháo” như đã nêu trên. Muốn như vậy, chúng ta cần xác định đúng giá trị của cả công trình hạ tầng và tài sản công. Khi các quy định về xác định giá trị không cụ thể, thiếu minh bạch, nhất là tồn tại nhiều khoảng trống thì nguy cơ tham nhũng lớn luôn gắn với các dự án BT.
Khi quyết định một dự án BT mà không thực hiện phân tích chi phí - lợi ích, để làm rõ việc thực hiện dự án hay thực hiện cơ chế Nhà nước bán tài sản công lấy tiền đầu tư hạ tầng, việc nào có lợi hơn thì sẽ dẫn tới hậu quả xấu về quản lý, sử dụng tài sản công.
"Chúng ta không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng và định giá. Để công khai và minh bạch, khi triển khai các dự án BT cần thực hiện phương thức đấu thầu, kết hợp đấu giá các lô đất vừa đủ để thực hiện dự án. Cần hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu" - Ông Tú nhấn mạnh.
Xuân Đoàn