Thứ bảy, 23/11/2024 03:46 (GMT+7)
Thứ bảy, 31/10/2020 09:07 (GMT+7)

Cần cơ chế đặc thù để bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai

Theo dõi KTMT trên

Địa bàn lưu vực trải rộng trên 11 tỉnh, thành phố nên việc phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường một cách tổng thể, đồng bộ gặp nhiều khó khăn.

Cần cơ chế đặc thù để bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai - Ảnh 1
Hội nghị bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai với sự tham dự của 11 tỉnh thành có liên quan. 

Ngày 30/10, tại tỉnh Long An, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai và UBND tỉnh Long An phối hợp tổ chức hội nghị Tổng kết đánh giá kết quả Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Đại diện chính quyền và ngành chức năng của 11 tỉnh, thành trong lưu vực sông này tham gia hội nghị.

Hiện nay, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là khu vực phát triển kinh tế sôi động bậc nhất cả nước, tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh, dẫn đến tình trạng môi trường diễn biến nhanh và phức tạp. Trong khi đó, địa bàn lưu vực trải rộng trên 11 tỉnh, thành phố nên việc phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường một cách tổng thể, đồng bộ gặp nhiều khó khăn.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu nhận định, Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai 2008- 2020 được phê duyệt với các mục tiêu và giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai trên thực tế cho thấy chưa hiệu quả, chưa tạo ra cơ chế đột phá để các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường lưu vực sông. Mặt khác, các địa phương khó tách nhiệm vụ, dự án thuộc đề án này với các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường nói chung nên tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá cũng rất khó khăn, đôi khi chồng chéo.

Thực tế, qua quá trình quan trắc, đánh giá lưu vực sông Đồng Nai đến thời điểm này đã có dấu hiệu ô nhiễm nặng về chất hữu cơ, lượng oxy hoà tan giảm mạnh, lượng sắt hoà tan cũng có dấu hiệu cao lên ở một số khu vực. Đây là vấn đề đáng lo ngại đối với việc bảo vệ môi trường trên lưu vực sông trong thời gian tới.

Cần cơ chế đặc thù để bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai - Ảnh 2
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An.

Để tiếp tục thực hiện bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, mà trước mắt là giải quyết tình trạng ô nhiễm đã xuất hiện ở một số nơi, cần có sự phối hợp giữa các địa phương trong lưu vực. Trước mắt, các tỉnh thành có liên quan phải kịp thời xử lý những vấn đề bức xúc tại địa phương mình và gắn vào xử lý liên vùng, như: đầu tư hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị, nạo vét khơi thông dòng chảy, chống khai thác cát, thuỷ hải sản trái phép. Về lâu dài, Chính phủ và bộ ngành chức năng cần có cơ chế đặc thù cho lưu vực sông này, cả về trách nhiệm thực hiện và trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm.

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho rằng: "Hiện việc phối hợp giữa các địa phương cũng chưa chặt chẽ, nhưng cũng đã cuối của giai đoạn, sắp tới quy chế phối hợp giai đoạn 2021 – 2025 sẽ có thay đổi. Hoạt động của Uỷ ban bảo vệ môi trường sông Đồng Nai cũng có thay đổi nhiều. Cơ chế lãnh đạo ở cấp nào sẽ là chủ tịch, sau đó chủ tịch hoặc phó chủ tịch cấp tỉnh sẽ là thành viên, thì tôi hi vọng uỷ ban trong thời gian tới sẽ có những hoạt động mạnh hơn".

Vinh Quang

Bạn đang đọc bài viết Cần cơ chế đặc thù để bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới