Thứ bảy, 23/11/2024 01:02 (GMT+7)
Thứ ba, 13/09/2022 14:55 (GMT+7)

Cần cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông xăng dầu trong nước

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, câu chuyện các cây xăng đóng cửa hay các đại lý, đầu mối than lỗ đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung. Để tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường trong nước, các chuyên gia cho rằng cần có cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông xăng dầu.

Loạt cây xăng đóng cửa vì thiếu nguồn cung

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, trong đợt kiểm tra, giám sát 21 cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên dịp nghỉ lễ 2/9 cho thấy hầu hết các cửa hàng xăng dầu đều đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, song vẫn có một số nơi hết hàng nhưng chỉ là cục bộ, nhất thời.

Đơn cử, tại cửa hàng xăng dầu số 2 của Công ty Cổ phần Nam Hồng, Km6, đường Bắc Thăng Long Nội Bài-Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội, khi Đoàn kiểm tra có mặt vào ngày 3/9, nhân viên cửa hàng này cho biết “Chúng tôi mới hết xăng từ đầu giờ sáng nay. Còn dầu vẫn bán bình thường.”

Tiếp tục làm việc tại tỉnh Thái Nguyên, ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên cho biết dịp nghỉ Lễ 2/9, đơn vị đã nhận được công văn báo cáo của một số doanh nghiệp xin tạm dừng bán xăng RON95-III.

Cần cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông xăng dầu trong nước - Ảnh 1

Trước tình hình trên, ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, có tình trạng những cây xăng chỉ bán RON95 với lý do không nhập được E5 RON92 hoặc có cửa hàng chỉ bán E5RON92 mà không bán RON95 với lý do tương tự như trên.

“Những cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống của PVOil và Petrolimex đầy đủ các loại xăng. Khi trao đổi với đại diện các cửa hàng này cho biết sản lượng mấy ngày gần đây tăng lên gấp đôi do lượng khách đổ dồn về mua hàng, tuy nhiên họ vẫn có thể cung ứng được cho người tiêu dùng,” ông Hoàng Ánh Dương cho hay.

Cần cơ chế đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp

Để tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường trong nước, TS. Nguyễn Văn Hiến - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, cần có cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông xăng dầu. Thực tế hiện nay, nguồn cung xăng dầu không thiếu, nhưng vẫn có nhiều cửa hàng hết xăng. Điều này là do mức chiết khấu thấp, có những thời điểm, mức chiết khấu cho đại lý bán lẻ là 0 đồng. Điều này khiến các đại lý thua lỗ và đóng cửa. Do đó, Nhà nước cần có quy định mức chiết khấu đặc biệt để ổn định lưu thông xăng dầu trong nước.

Bộ Tài chính cần ban hành cơ chế tính toán mức chiết khấu. Sau đó, liên Bộ Tài chính - Công Thương cần ngồi lại với nhau để tính toán, đảm bảo mức chiết khẩu ổn định cho doanh nghiệp.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, bà Đồng Thị Như Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo và tư vấn thuế Việt Nam (VTAX) cho biết, để ổn định thị trường xăng dầu ngoài vấn đề giảm thuế, phí thì các doanh nghiệp nhập khẩu và các hệ thống phân phối cần có cái sự chia sẻ. Điều này cũng thể hiện cái trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cần xem xét mức chiết khấu phù hợp để đảm bảo được là cả doanh nghiệp nhập khẩu, hệ thống phân phối và cuối cùng là các đại lý bán lẻ có thể tồn tại được. Bởi về lâu dài khi chuỗi cung ứng xăng dầu duy trì ổn định thì hoạt động sản xuất kinh doanh mới ổn định được.

“Chuỗi kinh doanh xăng dầu có nhiều mắt xích khác nhau, từ đầu mối nhập khẩu, thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ. Mỗi mắt xích họ có những vấn đề, nhiệm vụ khác nhau. Bộ Tài chính là cơ quan có đầy đủ cơ sở dữ liệu về từng mắt xích, do đó đơn vị này cần rà soát và tính toán lạo mức chiết khấu phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên để duy trì sự ổn định trong cả chuỗi kinh doanh”, bà Như Anh nêu quan điểm.

Đến lúc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, thay bằng dự trữ

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Quỹ bình ổn xăng dầu chỉ có tác dụng khi biên độ biến động giá xăng dầu thế giới thấp, ở phạm vi hẹp. Còn khi giá thế giới tăng giá mạnh, quỹ bình ổn bị âm thì sẽ gây khó khăn cho công tác bình ổn giá. Ngoài ra, quỹ này là trích tiền của dân, vậy mà khi quỹ bình ổn âm, giá xăng dầu thế giới giảm thì người tiêu dùng cứ mỗi lít xăng lại phải gánh thêm vài trăm đồng nữa là hết sức vô lý”.

Do đó, chuyên gia cho rằng quỹ này cần loại bỏ và thay thế bằng công cụ khác hữu dụng hơn, vừa phát huy được tối đa vai trò bình ổn giá xăng dầu vừa ngăn chặn được lạm phát. “Bỏ cái “phao xịt” đi để thay bằng cái “phao” khác. Tôi thấy rằng, ở các nước khác người ta xây dựng cái “phao” đó bằng hiện vật, tức là bằng dự trữ xăng dầu và việc này đã phát huy hiệu quả tốt".

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: “Đối với Nhà nước quỹ này là cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu do Nhà nước quy định, trong khi giá thế giới diễn biến thất thường thì cần có một lượng tài chính dự trữ để góp phần kiểm soát lạm phát. Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì chi quỹ để bình ổn giá, còn khi giá xăng dầu thấp thì thu vào để dự phòng.

Nhưng đối với doanh nghiệp, quỹ này là không cần thiết, gây phiền hà cho hoạt động doanh nghiệp.

Đối với người tiêu dùng, họ được hưởng lợi khi giá xăng dầu tăng, được chi quỹ để giá xăng dầu trong nước không tăng hoặc không tăng mạnh so với thế giới. Nhưng họ lại không được lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm, đáng lý ra họ được hưởng giá thấp nhưng lại phải trích quỹ, làm giá trong nước không giảm sâu bằng giá thế giới”.

Theo ông Long, trong trường hợp đủ nguồn xăng dầu dự trữ hoặc giá xăng dầu có thể được thả nổi cho thị trường quyết định và có thể rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 2-3 ngày thì quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn cần thiết.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Cần cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông xăng dầu trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới