Thứ bảy, 27/04/2024 02:53 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/10/2022 09:55 (GMT+7)

Cải tiến cách tính giá điện mới, người tiêu dùng có bị thiệt?

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo thay thế Quyết định 24, cho phép EVN được quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân đến mức dưới 5%.

Lý giải về việc ban hành cách tính giá điện mới

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các Bộ ngành, địa phương, lấy ý kiến cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới. Bộ này cho biết biểu giá điện cũ 6 bậc thang, được xây dựng từ năm 2014 hiện nay đã không còn phù hợp. Bộ đề xuất 2 phương biểu giá điện mới, gồm 4 và 5 bậc.

Cải tiến cách tính giá điện mới, người tiêu dùng có bị thiệt? - Ảnh 1

Giá điện sắp tới sẽ có sự thay đổi nhất định. (Ảnh minh họa. Nguồn: NLĐ)

Với phương án 5 bậc thang đang được bộ Công Thương đề xuất, Những hộ gia đình sử dụng điện dưới 400 kWh/tháng sẽ được trả thấp hơn so với mức giá điện hiện nay. Ngược lại, những hộ gia đình dùng trên 400 kWh và trên 700 kWh/tháng sẽ phải trả giá cao hơn. Còn với phương án 4 bậc thang, những hộ gia đình dùng dưới 300 kWh/tháng sẽ được trả giá điện thấp hơn và ngược lại.

"Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới sẽ được giữ ổn định không thay đổi cho phần lớn khách hàng sử dụng điện. Đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, những người thu nhập thấp sẽ cố gắng làm sao để giá điện không đổi. Và chỉ điều chỉnh giá điện với những khách hàng sử dụng điện lớn. Với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới sẽ góp phần cho mục tiêu kêu gọi khách hàng sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả hơn", ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết.

Cải tiến cách tính giá điện mới, người tiêu dùng có bị thiệt? - Ảnh 2
Nguồn: Vtv

Theo Hội điện lực Việt Nam, việc nâng giá điện với đối tượng khách hàng sử dụng trên 400 kWh /tháng không chỉ để kêu gọi tiết kiệm điện, mà còn để hỗ trợ cho những hộ gia đình khó khăn, với mức sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng.

"Với xu thế sử dụng năng lượng ngày càng nhiều hiện nay thì số hộ dùng dưới 100 kWh/tháng không quá nhiều, mà đa số khoảng 100-400 kWh/tháng. Trên 400 kWh thì được hiểu là dùng như vậy hơi nhiều nên cần hạn chế lại. Phần phải trả thêm thì dùng trợ giá bù cho đối tượng khó khăn", Giáo sư Trần Đình Long - Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, Hội điện lực Việt Nam cho biết.

Như vậy với cả 2 phương án 5 bậc và 4 bậc đang được đề xuất, mức giá điện được giữ ổn định ở phân khúc 100-400 kWh - phân khúc đang được đại đa số các hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng. Giá điện chỉ cao hơn hẳn với phân khúc trên 700 kwh, chiếm tỷ lệ khoảng 2% trên tổng số hơn 20 triệu hộ gia đình đang sử dụng điện sinh hoạt hiện nay.

Trường hợp nào giá bán lẻ điện bình quân sẽ giảm?

Trong dự thảo quy định mới đề nghị khi có biến động thông số đầu vào dẫn tới giá điện tính toán tăng từ 1% trở lên thì giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh.

Dự thảo cũng đề xuất cho phép Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) được quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân đến mức dưới 5%. Khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 5% trở lên thì EVN phải lập hồ sơ báo cáo. Sau khi Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến thì EVN được điều chỉnh tăng giá điện.

Với trường hợp chi phí đầu tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến cuối cùng về việc điều chỉnh giá điện để EVN thực hiện.

Đặc biệt, tại Dự thảo lần này kế thừa và làm rõ quy định điều chỉnh giảm giá điện, khi thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm. "Nếu kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào, EVN phải điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng, thời gian thực hiện điều chỉnh giảm giá điện từ ngày 1/10 của năm đó", Dự thảo của Bộ Công Thương nêu rõ.

Dự thảo của Bộ Công Thương cũng quy định cụ thể về các mốc thời gian, trình tự, thủ tục, trách nhiệm và thẩm quyền trong việc lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hằng năm. Cụ thể chu kỳ tính toán và điều chỉnh giá điện được quy định thực hiện 1 lần/năm. "Trước ngày 1/8 hàng năm, EVN có trách nhiệm tính toán giá bán lẻ điện bình quân của năm và quy định thời điểm điều chỉnh giá điện cố định vào ngày 1/10 hàng năm", Dự thảo quy định.

Dự thảo quy định rõ hồ sơ xây dựng phương án giá điện hằng năm căn cứ theo báo cáo tài chính, báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN được kiểm toán do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện; Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm trước liền kề năm tính giá do Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện. Các thông số đầu vào tính toán giá điện được cập nhật thực tế thực hiện của 6 tháng đầu năm và dự kiến cho 6 tháng còn lại của năm tính giá; Sửa đổi, bổ sung phương pháp và công thức lập giá bán điện bình quân phù hợp với thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Bộ Công Thương hiện đã đăng tải công khai Dự thảo trên trang thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Công Thương để lấy ý kiến người dân và khách hàng sử dụng điện, đồng thời gửi văn bản tới các Bộ, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan đề nghị tham gia góp ý. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện Dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý IV/2022.

Theo EVN và đơn vị tư vấn, biểu giá bán lẻ điện cần có sự công khai, minh bạch hoặc có giải thích rõ ràng về cơ chế trong việc tính toán giá điện. Biểu giá 6 bậc thang được cho là quá nhiều, phức tạp, đặc biệt thể hiện trong quá trình đo đếm, tính toán hóa đơn tiền điện của các hộ sinh hoạt.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Cải tiến cách tính giá điện mới, người tiêu dùng có bị thiệt?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới