Thứ bảy, 21/09/2024 00:51 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/08/2024 06:45 (GMT+7)

Cách tính giá mua điện mặt trời tự dùng dư thừa sẽ không cố định, có thể cao hơn 671 đồng một kWh

Theo dõi KTMT trên

Bộ Công Thương đưa ra cách tính giá mua điện mặt trời tự dùng dư thừa mới, không cố định và có thể cao hơn mức 671 đồng một kWh như đề xuất trước đó do chính bộ này đưa ra.

Cách tính giá mua điện mặt trời tự dùng dư thừa sẽ không cố định, có thể cao hơn 671 đồng một kWh - Ảnh 1
Trước đó, giá mua điện mặt trời mái nhà dư phát lên lưới được Bộ Công Thương xác định là 671 đồng/kWh.

Bộ Công Thương đề xuất giá mua bán điện dư phát lên lưới của năm hiện tại được áp dụng không vượt quá giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề, do các bên mua bán thỏa thuận. Theo quy định này, EVN cho biết giá điện năng thị trường bình quân năm 2023 là 1.091,9 đồng một kWh. Nếu phương án này được áp dụng, mức giá cho điện mặt trời mái nhà có thể thay đổi so với đề xuất trước đó, không cố định ở 671 đồng một kWh (theo EVN tính toán chi phí tránh được bình quân năm 2023).

Liên quan tới tỷ lệ lượng điện dư được bán lên lưới, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra hai phương án:

Phương án 1, giữ nguyên như đề xuất trước đó. Tức là, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nối lưới, nếu không dùng hết sẽ được bán nhưng không quá 20% công suất tại miền Bắc và 10% tại các khu vực còn lại (gồm cả khu vực Tây Nguyên).

Phương án 2, người dân được bán không quá 10% công suất lắp đặt thực tế, không chia theo vùng miền.

Với cả 2 phương án, EVN sẽ thanh toán cho phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia theo đúng tỉ lệ công suất được quy định. Bộ Công Thương cho biết họ đề xuất phương án 1. Lý do là phương án này khuyến khích lắp đặt tại miền Bắc, nơi có năng lượng bức xạ thấp nhất trong cả nước. Song, phương án này cũng tạo sự phân biệt giữa các vùng miền nên họ cho rằng phương án 2 sẽ phù hợp với thực tế hơn.

Trước đó, tại báo cáo ngày 11/7, Bộ Công Thương đưa ra các phương án giá mua bán. Phương án 1, giá mua điện dư thừa tính theo mức bình quân biểu chi phí tránh được hàng năm do Bộ Công Thương ban hành. Biểu phí tránh được là chi phí sản xuất 1 kWh tính theo thời gian sử dụng trong ngày và các vùng, mùa trong năm, áp dụng cho các nhà máy điện nhỏ dùng năng lượng tái tạo chưa có giá riêng, như thủy điện nhỏ. Phương án 2, lấy bằng giá biên thị trường điện (SMP) từng giờ (không gồm giá công suất thị trường - CAN) và trừ đi chi phí phân phối trên 1 kWh. Đây là giá của tổ máy hay nhà máy cuối cùng tham gia phát điện vào hệ thống.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng hiện không có phương pháp nào phù hợp để xây dựng giá mua điện dư thừa, nên không có đủ lý luận để lấy giá mua điện dư phát lên lưới quốc gia theo phương án 1 hay 2.

Vì thế, cơ quan này đề xuất trước mắt tạm áp dụng giá mua điện dư phát lên lưới từ 600-700 đồng một kWh, cụ thể ở 671 đồng một kWh (tính theo chi phí tránh được bình quân năm 2023). Mức này thấp hơn 58-63% giá mua các dự án điện tái tạo chuyển tiếp đang áp theo khung giá của Bộ Công Thương (1.587-1.816 đồng một kWh). 

Bộ Công Thương cho hay giá này có thể điều chỉnh hàng năm để phù hợp từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện. Phương án này đơn giản, dễ thực hiện và tiết kiệm chi phí đầu tư của EVN.

Cả nước hiện đang có khoảng 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Theo tính toán của EVN, giá biên thị trường điện (SMP) bình quân năm 2023 là 1.091,9 đồng/kWh. Trong khi chi phí khâu phân phối năm 2023 là 263,87 đồng/kWh (theo báo cáo của EVN gửi Bộ Công Thương tại Văn bản số 2766/EVN-TCKT ngày 20/5/2024). Cùng với đó, giá điện năng theo chi phí tránh được năm 2023 cũng được ban hành tại Quyết định 1028QĐ-BCT ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương. Theo đó, giá điện năng theo chi phí tránh được bình quân năm 2023 là 671 đồng/kWh.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Cách tính giá mua điện mặt trời tự dùng dư thừa sẽ không cố định, có thể cao hơn 671 đồng một kWh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

DNP Water khánh thành Nhà máy xử lý nước sạch Sơn Thạnh
Ngày 20/09/2024, Nhà máy xử lý nước sạch Sơn Thạnh - một trong những dự án trọng điểm của DNP Water - đã chính thức đi vào vận hành sau 12 tháng thi công, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng cấp nước của tỉnh Khánh Hòa.
SeABank chú trọng đẩy mạnh tín dụng xanh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, tín dụng xanh chính là một trong những giải pháp mà rất nhiều các tổ chức tài chính hướng đến.

Tin mới

Phát triển xu hướng du lịch thuận thiên tại Trà Vinh
Với mục tiêu hướng đến bảo vệ môi trường tự nhiên và phát triển du lịch bền vững, Trà Vinh định hướng du lịch thuận thiên sẽ là chiến lược dài hạn, thúc đẩy kinh tế địa phương theo hướng bền vững và bảo tồn các giá trị văn hóa và môi trường sinh thái.
Miền Bắc chuẩn bị đón không khí lạnh
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 21-22/9, dự báo nhiều nơi ở miền Bắc, bao gồm cả Hà Nội, sẽ có mưa, một số nơi mưa to. Kèm với đó là nhiệt độ giảm khá rõ, đặc biệt từ 22/9.