Có thể và có nên phát triển hơn nữa điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu?
Trong tương lai, các thiết bị phục vụ chuyển đổi điện, lưu giữ, nối lưới, kiểm đếm lượng điện mua, bán đối với ĐMTMN sẽ được cải tiến để thông minh hơn, tự động hơn, dễ lắp đặt hơn.
Cách đây (2024) khoảng 10 năm tôi có dịp ngồi bàn luận với một chuyên gia nước ngoài về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo. Chuyên gia này mới thăm một số tỉnh của Trung Quốc nên ca ngợi việc sản xuất điện mặt trời áp mái/mái nhà (Rooftop solar power-ĐMTMN) ở đất nước này và hỏi tôi việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà ở Việt Nam ra sao. Quả thực lúc ấy tôi không có nhiều thông tin về vấn đề này nên chỉ trả lời chung chung là loại hình phát điện này chưa phổ biến lắm ở Việt Nam. Sau đó tôi có hướng dẫn một nhóm sinh viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội tiến hành khảo sát thực trạng triển khai điện mái nhà ở Hà Nội và tìm nguyên nhân tại sao loại hình phát điện này chưa được phát triển.
Lý do mà nhóm sinh viên này thu thập được và báo cáo trong Hội nghị Khoa học Sinh viên của Khoa Môi trường là vấn đề cung cấp dịch vụ sau lắp đặt hệ thống (dịch vụ hậu mãi) chưa tốt, khi gặp trục trặc về pin, thiết bị chuyển đổi điện thì không biết hỏi ai. Có lẽ đây chỉ là một trong những nguyên nhân dễ biết nhất và còn những nguyên nhân nữa cần được xem xét.
Mới đây, một số báo và tạp chí đăng tin thông tin về việc Bộ trưởng Công Thương: 'Dứt khoát không cho bán điện mặt trời mái nhà tự dùng' [1], [2]. Liệu đây có phải là nguyên nhân khác dẫn đến ĐMTMN chưa được quan tâm lắp đặt vì điện dư không biết giải quyết như thế nào hay không. Một số vấn đề sẽ được đặt ra và phân tích dưới đây nhằm làm rõ những khó khăn, thuận lợi đối với lắp đặt ĐMTMN, góp phần thúc đẩy phát triển loại hình điện năng này ở Việt Nam.
Tiềm năng và hiện trạng phát triển điện mặt trời mái nhà
Qua kết quả nghiên cứu được đăng tải trên nhiều bài báo khoa học thì Việt Nam có nguồn bức xạ mặt trời khá dồi dào, đủ để phát triển điện ở cả quy mô lớn nối lưới và quy mô nhỏ cả nối lưới hoặc tự sản tự tiêu.
Về mặt công nghệ, cả pin mặt trời và bộ chuyển đổi điện đã được nhiều lần cải tiến nên độ bền tăng lên đáng kể trong khi giá thành luôn giảm theo thời gian. Về cung cấp thiết bị cũng được tổ chức tốt, giá cả dược công khai, có cán bộ kỹ thuật tay nghề cao đến lắp đặt tại chỗ. Giá thành loại điện này cũng thuộc loại thấp và nhiều nơi còn được hỗ trợ của các cấp chính quyền nên ĐMTMN được phát triển ở nhiều nơi trên Thế giới.
Nhà nước Việt Nam cũng có nhiều hỗ trợ để phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái được nói riêng. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số: 13/2020/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2020 quy định nhiều hỗ trợ để phát triện điện mặt trời. Thi hành Quyết định này đã giúp các doanh nghiệp vào cuộc thực hiện các dự án mặt trời nối lưới và cả điện mặt trời áp mái. Trong Điều 3. Giải thích từ ngữ đã quy định: “1. Bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủy quyền hoặc tổ chức, cá nhân khác mua điện từ Bên bán điện hoặc tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của các tổ chức nêu trên theo quy định của pháp luật.”. Điều này đồng nghĩa với việc đầu ra của các dự án đã có thị trường tiêu thụ và đó là một cơ quan nhà nước có trách nhiệm cao nhất của ngành điện.
Giá mua điện mặt trời theo quy định trong Quyết định này (giá FiT) cũng được quy định rõ và ở mức khá cao so với giá mua điện từ các nguồn điện khác (xem bảng 1), đặc biệt giá bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà ở mức cao nhất 1.943 VNĐ/kWh.
Bảng 1. Biểu giá mua điện mặt trời (Kèm theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Công nghệ điện mặt trời | Giá điện | |
VNĐ/kWh | Tương đương UScent/kWh | ||
1 | Dự án điện mặt trời nổi | 1.783 | 7,69 |
2 | Dự án điện mặt trời mặt đất | 1.644 | 7,09 |
3 | Hệ thống điện mặt trời mái nhà | 1.943 | 8,38 |
Với nhiều ưu đãi như vậy đã khuyến khích các doanh nghiệp vào cuộc và theo số liệu cập nhật của EVN, đến ngày 25/12/2020 đã có 83.000 công trình ĐMTMN được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMTMN lũy kế đã đạt hơn 1,13 tỷ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Đối với điện mặt trời mái nhà, riêng tỉnh Phú Yên dự kiến có 108 dự án ĐMTMN trên khắp các địa bàn của tỉnh với tổng công suất gần 100MWp sẽ được nghiệm thu đóng điện, phát điện vận hành thương mại từ nay đến ngày 31/12/2020 [3].
Tuy nhiên, xung quanh quyết định này đã có nhiều ý kiến và thực tiễn đã cho thấy nhiều bất cập. Mới đây, báo chí đã đăng tải các bài viết liên quan đến Vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương. Trong đó có nói về sai phạm khi soạn thảo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg: “các bị can có sai phạm trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về diện đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; sai phạm trong việc thẩm định, cấp Giấy phép hoạt động điện lực và công nhận ngày vận hành thương mại cho một số dự án Nhà máy điện mặt trời trái quy định của pháp luật, trái quy định trong Hợp đồng mua bán điện, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.
Mặc dù sai phạm cụ thể không được nêu nhưng có thể thấy những sai sót rất dễ nhận ra, đó là:
Các giá bán điện mặt trời chưa được quy định dựa trên cơ sở khoa học, đã có tính toán chi tiết cụ thể không hay chỉ dưa trên ý kiến chủ quan của những người soạn thảo. Bởi vì, giá còn là công cụ quản lý nên nếu định giá không phù hợp với thực tiễn nền kinh tế thì sẽ có nhiều hệ quả khó giải quyết. Liệu giá bán điện mặt trời có cao quá hay không mà trong thời gian ngắn có hàng loạt doanh nghiệp xin đăng ký để hưởng giá bán điện này. Thật ra, định giá phải dựa trên nhiều yếu tố mà khảo sát cung cầu là điều bắt buộc, phải chăng giá này có ưu đãi quá cho bên cung?.
Thời gian áp dụng giá mua/bán điện cũng xác định trong Điều 8 của quyết định này, trong đó có mục 4 nêu rõ
“4. Giá mua điện tại khoản 2 Điều này được áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện. Chi phí mua điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà quy định tại khoản 2 Điều này được hạch toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá điện bán buôn và bán lẻ hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Hóa đơn thanh toán được lập trên cơ sở sản lượng điện giao và sản lượng điện nhận riêng biệt”.
Đây có lẽ cũng là điều bất cập vì chỉ trong 18 tháng các doanh nghiệp điện mặt trời muốn ký được hợp đồng bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải gấp rút hoàn thành dự án điện mặt trời của mình trước thời hạn nêu trên. Như vậy, sau thời điểm 31/12/2020 nếu không có quy định về giá bán mới thì nhiều dự án đăng ký nhưng không hoàn thành đúng thời điểm và dự án xây dựng mới sẽ không có thị trường tiêu thụ. Quả thật, sau thời điểm nêu trên có nhiều doanh nghiệp điện mặt trời chưa kịp hoàn thành đã “kêu cứu” trên các phương tiện thông tin đại chúng và thảo luận cả trong các cơ quan công quyền để có phương án tháo gỡ.
Đến ngày 07/01/2023 Bộ Công thương có ban hành Khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp theo Quyết định số 21/QĐ-BCT. Theo đó giá trần (giá cao nhất) của khung giá phát điện mặt trời mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh. Không biết giá này có phải giá mua điện của EVN hay không nhưng rõ ràng thấp hơn rất nhiều so với giá ở bảng 1.
Riêng với ĐMTMN thì mới đây nhất, ngày 4/5/2024 báo VnExpres trích lời Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên: “Dứt khoát không cho bán điện mặt trời mái nhà tự dùng” [1]. Và môt số bài báo khác cũng đăng các tin có nội dung tương tự, riêng báo Lao Động còn đăng tin về “Bộ Công Thương lý giải tại sao mua điện mặt trời mái nhà dư thừa giá 0 đồng”, [2] ngày 01/5/2024.
Khả năng hòa lưới và bán điện dư thừa của loại hình điện mặt trời mái nhà
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao EVN lại không mua điện mái nhà dư thừa mà người dân muốn bán. Có mấy lý do sau cần xem xét:
- Việt Nam đã sản xuất đủ điện và hệ thống điều độ đã ổn định trong thời kỳ dài không cần thay đổi.
- Do bên mua điện ngại thay đổi hoặc thay đổi sẽ bị thua lỗ khi mua điện áp mái với giá cao.
- Thiếu tính cạnh tranh vì chỉ có một cơ quan mua điện
Những ngày nắng nóng cuối tháng 4 đầu tháng 5/2024, nhiệt độ nhiều tỉnh của Việt Nam, đặc biệt là ở miền Trung và miền Nam ở mức rất cao nhưng điện vẫn có đủ để cung cấp cho sản xuất và tiêu dùng của người dân. Đây là quyết tâm rất cao của Chính phủ trong chỉ đạo và cố gắng rất lớn của EVN trong vận hành hệ thống điện. Điều đó cũng chứng minh phần nào là Việt Nam đủ điên trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, nguồn điện vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhiệt điện than, là nguồn điên gây nhiều tác động xấu tới chất lượng không khí và phát thải nhiều khí nhà kính (KNK) gây biến đổi khí hâu.
Nhiệt điện than là nguồn điện cần phải hạn chế và có thể dừng hoạt động trong tương lai nếu như Việt Nam muốn đạt phát thải ròng KNK bằng không (Net Zero) vào năm 2050. Vì vậy, trong tương lai gần vẫn phải xây dựng thêm nhiều nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời để bù vào việc hạn chế nhiệt điện than. Đối với ĐMTMN hiện có 2 dạng chính là điện mái nhà của hộ gia đình và điện mái nhà của các công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp,… Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng cũng đang có kế hoạch lắp đặt ĐMTMN ở các trụ sở, cơ sở công quyền.
Xin trích ở đây cố gắng của Thành phố Hồ Chí Minh trong thực hiện Quyết định số 2856/QĐ_UBND ngày 11/7/2023 về ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 và một số văn bản khác của Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Trong Kế hoạch này có Mục II quy định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. trong đó có phần 3 về tài chính, ngân sách nhà nước ghi rõ:
“- Triển khai tốt việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; việc sử dụng các mái nhà đảm bảo điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở”.
Nếu tất cả các trụ sở cơ quan Nhà nước cùng làm như vậy thì chúng ta sẽ gia tăng đáng kể nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Chúng ta còn có tiềm năng phát triển ĐNLMT ở nhiều cơ sở khác như các trường học, doanh nghiệp, các KCN,… nữa nên trong tương lai phải có kế hoạch đưa vào thực hiện. Thật ra đã có mô hình dự án thực hiện đâu đó nhưng chưa có tổng kết, đánh giá hết những gì mà chúng mang lại cho kinh tế, xã hội và môi trường.
Vì vậy, theo chúng tôi, không nên nói “không” với việc mua ĐMTMN mà nói rõ là hiện nay, do nguồn cung điện hiện có đủ đáp ứng nhu cầu và hệ thống điều độ đang ổn định nên chưa có chủ trương mua ĐMTMN. Tuy nhiên, phải có nghiên cứu, dự báo về hạn chế, giảm nguồn nhiệt điện than trong tương lai, về khả năng biến động của hệ thống giá điện để tính toán, quy hoạch, lập kế hoạch phát triển ĐMTMN và xác định mức mua điện hợp lý.
Chính phủ cũng rất quan tâm vấn đề này nên trong Thông báo số 205/TB-VPCP ngày 8/5/2024 đã có nhận định:
“1. Việc xây dựng các Nghị định: quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện sạch và bền vững; huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện, góp phần giảm áp lực phát triển nguồn điện lên Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đồng thời, các cơ chế này góp phần làm cho thị trường điện lực trở lên công khai, minh bạch, cạnh tranh và lành mạnh hơn”.
Và, trong Thông báo này thì Chính phủ không nói “không“ với việc bán điện không tiêu dùng hết mà khuyến khích bán nhưng có điều kiện:
“- Đối với Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu: Đề nghị làm rõ nội hàm “tự sản, tự tiêu”; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ (Xây dựng, Công an, Công Thương...) trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật... để có thể thực hiện ngay khi Nghị định được ban hành, không phải chờ Thông tư hướng dẫn. Nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? giá bán trên nguyên tắc nào? nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện...”
Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời cũng như các nguồn ĐMTMN vẫn còn phải đợi chính sách quy định chi tiết để điện MTMN dư thừa có thị trường tiêu thụ, tránh lãng phí.
Bản thân tôi cho rằng chỉ khoảng chục năm nữa thì nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) sẽ có cơ hội phát triển nhưng có thể không quá “nóng” như vừa qua khi mà có mức giá mua điện được xây dựng trên cơ sở khoa học có tính đến lợi ích cả bên mua, bên bán theo quy luật cung, cầu.
Theo những gì các phương tiện thông tin đại chúng nêu và theo các văn bản pháp luật thì bên mua điện hiện nay chỉ là EVN, một cơ quan nhà nước có cơ sở hạ tầng tốt trong việc mua, lưu giữ, chuyển đổi và phân phối/bán điện trên phạm vi toàn quốc. Hiện tại, mọi công việc đấu nối vào lưới điện của các nhà máy điện công suất đủ lớn vào lưới điện chung quốc gia được giao cho Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) thuộc EVN. Trung tâm này có tầm nhìn: “Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) là đơn vị hàng đầu khu vưc trong lĩnh vực vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, đóng vai trò đảm bảo an ninh hệ thống điện và vận hành giao dịch thị trường điện trên cơ sở dự phát triển hài hòa về tinh thần và vật chất của toàn thể cán bộ nhân viên”. Và, sứ mệnh là: “Chỉ huy điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia đảm bảo an toàn, liên tục, ổn định, chất lượng và kinh tế; Đảm bảo công bằng, minh bạch cho các bên tham gia thị trường điện”. Như vậy có thể thấy EVNNLDC đã và đang làm tốt công việc để đảm bảo tầm nhìn, sứ mệnh và phục vụ tốt yêu cầu sử dụng điện của nhiều đối tượng.
Vấn đề đặt ra là liệu đưa thêm điện dư của các nguồn ĐMTMN có gây khó khăn gì cho công việc của EVNNLDC nói riêng và EVN nói chung hay không?. Liệu các đầu nối của các nguồn nhỏ, phân tán có làm “hỏng”, làm phức tạp hơn hệ thống hiện có không?, và nếu có thì có thể đầu tư, thay đổi để đấu nối với ĐMTMN được không?. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì có thể thay đổi hệ thống được để ĐMTMN có thể phục vụ người dùng thay điện lưới còn khi thiếu thì lấy điện lưới để dùng và khi dư thừa có thể phát/bán lên lưới. Ở một số quốc gia, hệ thống này được tự động hóa ở mức cao nên có thể đáp ứng tốt yêu cầu thực tế và cũng dễ sử dụng. Tất nhiên khi lắp đặt hệ thống hiện đại phải tốn thêm nhiều kinh phí.
Do hiện nay Việt Nam chưa có các công ty doanh nghiệp chuyên về kinh doanh điện giống như EVN nên không có sự cạnh tranh và EVN cũng cảm thấy không cần thay đổi. Nhưng nếu như Nhà nước cho phép và kêu gọi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân vào hoạt động trong lĩnh vực này thì rất có thể có doanh nghiệp tham gia. Có thể họ sẽ chọn thực hiện ở một số vùng có tiềm năng phát triển ĐMTMN cao như vùng Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Nam bộ để xây dựng cơ sở hạ tầng đủ để thu mua, lưu giữ và phân phối điện dư đến tay người tiêu dùng. Vấn đề giá (mua, bán) sẽ được xác định thông qua cơ chế thị trường dựa vào khảo sát cung cầu để đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán. Nếu có thể, giá này sẽ có sự thay đổi theo cơ chế thị trường và phụ thuộc vào tình trạng cung cấp điện cũng như khả năng điều tiết chung nhưng nếu như được xác định minh bạch thì chắc chắn các bên đều chấp nhận.
Vai trò của cơ quan quản lý đối với việc mua điện dư từ điện mặt trời mái nhà (tự sản tự tiêu).
Những phân tích ở trên cũng đã phần nào cho thấy vai trò của cơ quan quản lý trong sản xuất, điều tiết, phân phối điện nói chung trên phạm vi cả nước. Điện luôn là sản phẩm được Nhà nước quản lý chặt chẽ vì đây là mặt hàng chiến lược trong hệ thống kinh tế của đất nước. Những năm vừa qua, nhờ sự quản lý tốt mà nguồn điện Việt Nam khá ổn định, cung cấp đủ cho mọi hoạt động của nền kinh tế và cho hoạt động sống của nhân dân.
Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ nhiều thay đổi trong chính sách phát triển để đưa đất nước tiến xa và bền vững cùng với việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải KNK, thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050. Chúng ta đã có Quy hoạch điện VIII với mục tiêu tăng phát triển điện từ năng lượng tái tạo cả năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, rất cần đánh giá đúng tiềm năng phát triển từng loại để đảm bảo đủ điện với hiệu quả kinh tế-xã hội cao nhất.
Điện mặt trời mái nhà có lợi thế là không cần thêm nhiều mặt bằng nhưng lại phân tán, khó đấu nối, chịu ảnh hưởng của thời tiết, … Tuy nhiên, khi giảm công suất nhiệt điện than thì có thể phải tăng cường phát triển ĐMTMN ở cả quy mô hộ gia đình, công sở, trường học để đảm bảo đủ công suất điện chung toàn quốc gia.
Nhìn ra nước ngoài sẽ thấy cách phát triển điện mặt trời của Trung Quốc rất có hiệu quả [4] và hiện nay họ cũng đang “chuyển trọng tâm từ các trang trại năng lượng mặt trời tập trung sang các dự án năng lượng mặt trời phân tán quy mô nhỏ hơn, khi nghiên cứu quang điện tiếp tục cải tiến công nghệ và giảm chi phí”. Việt Nam nên tìm hiểu kỹ hơn kinh nghiệm của Trung Quốc và nhiều nước khác để có thể áp dụng.
Và, như vậy phải giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển ĐMTMN cần tập trung vào các bước như:
- Tìm hiểu, áp dụng công nghệ mới nhất để có thể tăng hiệu quả phát điện, tăng khả năng đấu nối lưới, tăng độ thông minh của thiết bị kiểm đếm điện để chính xác hơn và xác định và áp dụng giá mua điện dư của ĐMTMN một cách hợp lý.
- Có chính sách hỗ trợ phát triển ĐMTMN như chương trình khuyến mãi và thuế suất ưu đãi giúp giảm chi phí cài đặt ban đầu và kích thích việc sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái cho hộ gia đình. Việc mua điện dư của ĐMTMN cũng là vấn đề cần xem xét để áp dụng, có thể yêu cầu EVN mua hoặc cho phép các doanh nghiệp khác tiến hành đầu tư thực hiện.
Kết luận
Nói “không” với việc mua hay mua ĐMTMN dư thừa với giá hợp lý cần có nghiên cứu kỹ hơn, xét đến thay đổi tỷ lệ các nguồn điện trong tương lai theo hướng tăng điện từ nguồn năng lượng tái tạo/sạch và giảm dần nguồn nhiệt điện than.
Nhìn chung, việc không mua hoặc mua ĐMTMN với giá 0 đồng sẽ không khuyến khích được phát triển ĐMTMN, do đó, cần phải nghiên cứu áp dụng những kinh nghiệm và tiến hành áp dụng để có được thành công giống như nhiều quốc gia đã thực hiện.
Trong tương lai, các thiết bị phục vụ chuyển đổi điện, lưu giữ, nối lưới, kiểm đếm lượng điện mua, bán đối với ĐMTMN sẽ được cải tiến để thông minh hơn, tự động hơn, dễ lắp đặt và vận hành hơn nên phải liên tục cập nhật để có thể lắp đặt được hệ thống điều độ tốt nhất giúp kết nối được với ĐMTMN, giúp bán điện khi dư thừa với giá chấp nhận được.
Chắc chắn Chính phủ sẽ có văn bản quy định, quản lý tốt hơn đối với ĐMTMN để hỗ trợ phát triển, tránh những sai sót không đáng có. Những phản ánh, bàn luận của các phương tiện thông tin đại chúng, các kết quả nghiên cứu KH-CN sẽ được xem xét trong quá trình ban hành các văn bản giúp cho ĐMTMN phát triển thuận lợi hơn, đóng góp phần quan trọng với tỷ lệ cao trong tổng công suất phát điện quốc gia.
GS.Hoàng Xuân Cơ
Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam
Tài liệu tham khảo
[1]. VnExpress ngày 4/5/2024, Bộ trưởng Công Thương: 'Dứt khoát không cho bán điện mặt trời mái nhà tự dùng'
https://vnexpress.net/dut-khoat-khong-co-buon-ban-dien-mat-troi-mai-nha-tu-dung-4742111.html
[2]. Báo Lao Động ngày 01/05/2024, Bộ Công Thương lý giải tại sao mua điện mặt trời mái nhà dư thừa giá 0 đồng
[3]. Tổng công ty Điện lực Miền Trung, ngày 27/12/2020, “Nóng” điện mặt trời mái nhà thời điểm cuối năm 2020
https://m.cpc.vn/vi-vn/m/Tin-tuc-su-kien/Tin-tuc-chi-tiet/articleId/40142
[4]. Nature, 21 November 2023. Are rooftop solar panels the answer to meeting China’s challenging climate targets?