Cách phòng tránh mất nước cho trẻ ngày hè
Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiệt độ tăng cao, làm cho trẻ nhỏ dễ bị mất nước kèm theo mất điện giải. Do cơ thể trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên nắng nóng sẽ gây nên nhiều bệnh nguy hiểm mà phụ huynh cần đặc biệt lưu ý.
Đối với cơ thể người, nhiệt độ môi trường để thích nghi tốt nhất là khoảng 25°C. Sở dĩ cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt với thay đổi của nhiệt độ là do có trung tâm điều nhiệt nằm trên não. Tuy nhiên khi đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hoặc nóng quá, cơ thể không thể điều chỉnh kịp dẫn đến bệnh.
BS Trần Thu Thủy - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Để có thể hoạt động bình thường, cơ thể phải liên tục duy trì nhiệt độ ở mức 37 độ C. Khi thân nhiệt tăng cao do thời tiết nóng, dễ dẫn đến một loạt thay đổi trong cơ thể như thở nhanh và nông hơn, lượng máu di chuyển tới da tăng lên, mồ hôi toát ra...".
Do hoạt động liên tục nên cơ thể trẻ dễ mất nước, thậm chí say nắng - Ảnh minh họa |
Nguyên nhân gây mất nước ở trẻ
Vào mùa nắng nóng, trẻ em cũng bước vào kỳ nghỉ hè, trẻ thường dành nhiều thời gian hoạt động ở ngoài trời. Vì trẻ em có diện tích bề mặt da lớn hơn so với khối lượng cơ thể nên cơ thể trẻ thường tăng nhiệt nhanh hơn so với người lớn khi nhiệt độ không khí bên ngoài cao hơn nhiệt độ cơ thể.
Do hoạt động liên tục nên trẻ ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ cũng có thể dẫn tới mất nước, suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý phát hiện các dấu hiệu mất nước ở trẻ để xử trí kịp thời.
Đặc biệt, nếu trẻ tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời thì việc thải nhiệt sẽ gặp nhiều khó khăn, mồ hôi không thể bốc hơi nhanh, cơ thể không giải phóng đủ nhiệt khiến thân nhiệt tăng lên nhanh chóng. Khi thân nhiệt quá cao có thể gây tổn thương cho não và các cơ quan quan trọng khác.
Dấu hiệu trẻ mất nước
Trẻ bị mất nước thường có các biểu hiện như: Môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không đi tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu. Trẻ có thể khóc không có nước mắt, khó chịu, lờ đờ, mệt mỏi. Thậm chí, trường hợp nặng sẽ có các biểu hiện như: mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê...
Trẻ dễ bị kiệt sức, mất nước trong những ngày nắng nóng - Ảnh minh họa |
Nếu nghi ngờ trẻ có các dấu hiệu bị thiếu nước, cha mẹ cần đưa trẻ vào nơi thoáng mát, cho uống nước, nếu các dấu hiệu không đỡ, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám.
Chăm sóc trẻ đúng cách để tránh mất nước ngày hè
Bác sĩ khuyến cáo cần bảo vệ cơ thể trẻ khi hoạt động ngoài trời như: đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, sáng màu; tránh những nơi nắng gắt, không đứng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay đứng ở nơi đông người.
Các loại nước ép trái cây giúp cơ thể trẻ luôn mát mẻ và có sức đề kháng tốt - Ảnh minh họa |
Vào ngày nóng, cha mẹ cần cho trẻ uống đủ nước, tránh uống các loại nước gây lợi tiểu, các loại nước có cồn vì có thể làm gia tăng tình trạng mất nước. Cho trẻ tắm nước mát, làm mát môi trường bằng điều hòa giúp trẻ hạ thân nhiệt hiệu quả. Đặc biệt, cho trẻ ở trong phòng có điều hòa vài giờ mỗi ngày cũng giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh do nắng nóng.
Để bồi hoàn lượng nước cần thiết, nhất là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước rau má, nước mía…giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và có sức đề kháng tốt.
Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày để trẻ luôn khỏe mạnh, tránh mất nước - Ảnh minh họa |
Cho trẻ uống đủ lượng nước cần thiết khi ở nhà và cả khi ở trường. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lượng nước thiết yếu cho trẻ trong ngày vào khoảng 50 - 60ml tính trên mỗi kilogram thể trọng trong 24 giờ.
Diệu Nguyên (T/h)