Các tỉnh miền Trung cấm biển, sơ tán dân trước khi bão số 13 đổ bộ
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 13, các tỉnh miền Trung đã triển khai phương án, kế hoạch đối phó với bão.
Nghệ An cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 17h ngày 13/11
Chiều 13/11, UBND tỉnh Nghệ An có công điện hỏa tốc số 44/CĐ-UBND về việc cấm tàu thuyền ra khơi trong bão số 13.
Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu thuyền, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã ven biển trong tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, các đơn vị có liên quan cấm các loại tàu thuyền, phương tiện vận tải ra khơi kể từ 17h ngày 13/11.
Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để đảm bảo an toàn trước 10h ngày 14/11.
Thực hiện chỉ đạo trên, từ chiều tối 13/11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, các đơn vị liên quan trong tỉnh tiếp tục thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú bão đúng quy định.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết, toàn tỉnh hiện có 3.485 phương tiện với 17.473 lao động đang trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Trước thời điểm cấm biển, có 232 phương tiện với 654 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển trong tỉnh; 205 phương tiện với 1.631 lao động hoạt động ngoài khơi vịnh Bắc Bộ; 3.030 phương tiện với 15.081 lao động đã neo đậu tại các bến ở các địa phương ven biển trong tỉnh. Số phương tiện còn lại của tỉnh đã neo đậu, trú tránh bão tại các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Vũng Tàu.
Tại Nghệ An, 11 phương tiện với 70 lao động đang neo đậu, trú tránh bão tại các bến trong tỉnh.
Hà Tĩnh huy động 100% quân số ứng phó bão số 13
Để ứng phó với bão số 13, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển, tổ chức kêu gọi các phương tiện tàu thuyền vào trú bão an toàn trước 15h chiều 13/11; huy động 100% quân số, cử lực lượng xuống các địa bàn xung yếu để giúp dân chằng néo nhà cửa.
Thượng tá Ngô Văn Dũng, Chủ nhiệm Chính trị, BĐBP Hà Tĩnh cho biết, hiện tại đã kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, phân công tổ công tác đến các địa bàn tuyên truyền, hỗ trợ giúp dân chẳng chống nhà cửa; đối với tuyến rừng thì kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở, tuyên truyền sẵn sàng hỗ trợ nhân dân khu vực có nguy cơ sạt lở
“Đối với khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, BĐBP Hà Tĩnh đã phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị đầy đủ các phương án di dân khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra đơn vị cũng phân công lực lượng túc trực 24/24 tại các khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở, ngập lụt để kịp thời có phương án, hỗ trợ, sơ tán người dân đến nơi an toàn”, Thượng tá Ngô Văn Dũng cho biết.
Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 12h ngày 14/11
Chiều 13/11, UBND TP.Đà Nẵng quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 13 và các sự cố tìm kiếm cứu nạn xảy ra trong bão do ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban. Ban Chỉ huy bắt đầu làm việc từ 9h ngày 14/11.
Nhằm chủ động ứng phó với bão số 13, chiều 13/11, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục ban hành công điện yêu cầu UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn, bắt đầu từ chiều ngày 13/11 và chậm nhất đến 11h ngày 14/11 phải hoàn thành.
Có biện pháp bảo đảm an toàn cho những nơi tránh trú và có phương án bảo đảm hậu cần tại chỗ trong trường hợp người dân phải ở lại dài ngày. Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng, hoàn thành trước 15h ngày 13/11.
Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ làm việc trong ngày 14/11 (trừ lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).
Nghiêm cấm tàu thuyền xuất bến, ra khơi. Tổ chức đưa toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú tránh bão, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn, hoàn thành trước 15h ngày 13/11. Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công ngừng thi công, hạ tất cả các cần trục, tháp cẩu và các phương tiện thiết bị thi công trên cao trước 17h ngày 13/11.
Quảng Nam kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền
Ngày 13/11, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công điện tập trung ứng phó với bão số 13 và tình hình mưa lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp khẩn trương hoàn thành các phương án phòng, chống bão số 13.
Các địa phương phối hợp với các lực lượng, ban, ngành liên quan tiếp tục rà soát, kiểm tra, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện, tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, đối với bão, triển khai sơ tán theo phương án ứng phó bão mạnh; đối với ngập lụt triển khai phương án sơ tán theo mức ngập báo động ba +1m tại các trạm thủy văn.
Các địa phương đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm và nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu tại nơi sơ tán tập trung. Các địa phương ven biển kiểm tra, hướng dẫn; đảm bảo các phương án an toàn cho nhân dân và du khách ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè và phải hoàn thành trước 12h ngày 14/11.
Quảng Ngãi sơ tán dân trước bão số 13
Chiều 13/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên ký gửi công điện hỏa tốc yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với cơn bão số 13.
Theo ông Phiên, đây là cơn bão rất mạnh, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Quảng Ngãi nghiêm cấm tất cả tàu thuyền ra biển hoạt động (bao gồm phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) khi vùng biển ở địa phương có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Các địa phương hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền, lồng bè an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.
Tỉnh khuyến cáo người dân hạn chế ra đường khi bão bắt đầu ảnh hưởng. Các huyện, thành phố huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà ở, công trình, trụ sở làm việc, nhà xưởng, cột tháp an ten viễn thông, chặt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn; chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.
Các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời dân ở các vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ chia cắt đến nơi an toàn.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở núi tại các huyện: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà; vùng trũng thấp tại các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.
Quảng Trị cần thiết sẽ cưỡng chế người dân di dời
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã lên phương án sơ tán người dân nhằm tránh bão số 13 và tình trạng ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn. Theo đó, trong trường hợp bão số 13 chỉ ảnh hưởng, không trực tiếp đổ bộ tỉnh Quảng Trị thì sẽ tiến hành sơ tán hơn 6.300 hộ với gần 18.000 người. Trường hợp bão trực tiếp đổ bộ thì sẽ sơ tán gần 25.000 hộ với trên 94.000 người dân để bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, tỉnh cũng dự kiến di dời hơn 1.900 hộ với gần 7.800 người ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, tập trung ở các xã, huyện miền núi. Trước bão số 13, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết di dời người dân ở các vùng nguy hiểm đến các địa điểm an toàn, trong trường hợp cần thiết sẽ tổ chức cưỡng chế.
Tính đến ngày 13/11, tỉnh Quảng Trị đã sơ tán 570 hộ với gần 2.000 người để tránh lũ, sạt lở đất ở 2 huyện Hải Lăng và Hướng Hóa. Toàn bộ hơn 2.300 tàu thuyền với trên 7.000 ngư dân đã biết thông tin về bão số 13 để phòng tránh và vào khu vực an toàn neo đậu. Bắt đầu từ chiều 13/11, tỉnh Quảng Trị có lệnh cấm biển.
Thừa Thiên Huế cấm người ra đường từ 12h trưa ngày 14/11
Sáng 14/11, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế phát đi thông báo khẩn về bão 13 đã mạnh lên cấp 13-14, giật cấp 17 và di chuyển nhanh hơn dự kiến.
Do đó, thời gian tổ chức di dân và cấm người dân ra đường cũng được thay đổi.
Theo đó, các địa phương khẩn trương sơ tán dân ở các khu vực ven biển, ven sông có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng... và hoàn thành trước 9h sáng nay; Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 12h cùng ngày ngoại trừ lực lượng chức năng, cứu hộ, cứu nạn... cho đến khi có thông báo mới.
Thông báo này thay cho thông báo hôm 13/11 về việc yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 18h ngày 14/11 và hoàn thành sơ tán dân trước 10h cùng ngày.
Dự kiến, tỉnh Thừa Thiên Huế di dời tập trung và tại chỗ 19.671 hộ dân với 65.890 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn.
Bình Định chuẩn bị sơ tán người ở các vùng có nguy cơ sạt lở
Chiều 13/11, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, có công điện yêu cầu các sở ban ngành, các đơn vị, địa phương của tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 13.
Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão số 13 để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Các đơn vị liên quan cũng cần tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng, khu neo đậu, bảo đảm an toàn về người, tài sản.
"Chính quyền các địa phương tiếp tục rà soát phương án sơ tán dân ở các vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, nhất là tại khu vực miền núi, kiên quyết sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; Dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ sạt lở gây chia chia cắt" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu.
Cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai -tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định họp triển khai công tác ứng phó bão số 13.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu các địa phương, đơn vị rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác ứng phó với bão, mưa lũ lớn, nhất là đối với việc xử lý tình trạng sạt lở, sơ tán các hộ dân sinh sống ở vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Chính quyền các địa phương cử lực lượng kiểm tra, kiên quyết không cho thuyền viên ở lại trên tàu, trên các lồng bè, chòi canh.
Ông Thanh cũng yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tàu vận tải, tàu vãng lai di chuyển ra ngoài vùng ảnh hưởng bão, sắp xếp neo đậu tàu an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương rà soát lại các điểm có nguy cơ bị ngập lũ, triều cường, các điểm có nguy cơ sạt lở, xác định số hộ sinh sống ở những vùng có nguy cơ thiên tai để sơ tán đến nơi an toàn.
Nhật Hạ