Thứ sáu, 22/11/2024 08:31 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/07/2020 15:30 (GMT+7)

Các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2020

Theo dõi KTMT trên

Ngày 18/7/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành công văn số 4793/BNN-PCTT về việc triển khai công tác phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020.

Công văn nêu rõ, trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường và trái quy luật, gay gắt và nhanh hơn kịch bản do các chuyên gia quốc tế và Việt Nam công bố; bão mạnh, siêu bão, mưa cường suất lớn, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại, cháy rừng, dông, lốc, sét, mưa đá liên tiếp xảy ra.

Khu vực miền núi phía Bắc, nơi sinh sống của hơn 10 triệu dân với trên 30 dân tộc thiểu số thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất.

Các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2020 - Ảnh 1
Khu vực miền núi phía Bắc xảy ra nhiều thiên tai cực đoan, dị thường. (Ảnh minh hoạ)

Từ đầu năm đến nay, miền núi phía Bắc đã xảy ra 92 trận dông lốc, mưa đá, mưa lớn; trong đó có 8 đợt trên diện rộng. Đặc biệt, mưa đá ngay trong đêm giao thừa và rạng sáng mồng 1 Tết Nguyên đán – một hiện tượng dị thường rất hiếm gặp, tác động mạnh, nguy cơ gây tổng thương đến tính mạng, đời sống nhân dân, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai với những chỉ đạo hết sức cụ thể; ngày 13/7/2020 tại Lào Cai, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020.

Qua đó, nhận định rằng, thời gian qua với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, với nỗ lực tập trung trong chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng được tăng cường và triền khai khá đồng bộ các giải pháp ở địa phương, nên trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp, dân số và các hoạt động kinh tế - xã hội gia tăng nhưng thiệt hại đã được giảm thiểu.

Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc vẫn đứng trước các thách thức do dân số gia tăng, thiếu nơi ở, nơi sản xuất an toàn; một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp, nhất là trong việc quản lý đất, rừng và hỗ trợ sắp xếp, bố trí dân cư vùng thiên tai; tiếp nhận thông tin không được thường xuyên; hiểu biết, kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác cảnh báo, dự báo, giám sát thiên tai vẫn còn bất cập, nhất là dự báo trong phạm vi hẹp; chưa xây dựng được các công trình cảnh báo sớm, cảnh báo tự động, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, công trình ngăn lũ bùn đá; thông tin mưa, lũ từ thượng nguồn phía Trung Quốc…

Mặt khác, kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực còn hạn chế, nhiều công trình xuống cấp, thiếu gắn kết với công tác phòng chống thiên tai, chịu tác động rất lớn của mưa lũ, sạt lở, nhất là các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi, các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã, hệ thống lưới điện và thông tin liên lạc.

Công tác quản lý, vận hành hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ còn nhiều bất cập, nguy cơ làm gia tăng rủi ro khi có mưa lũ lớn. Thiếu các thiết bị chuyên dùng để nắm bắt tình hình, tiếp cận nhanh chóng địa điểm xảy ra thiên tai và phát hiện, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người bị ảnh hưởng.

Còn nhiều tình huống chưa phát hiện kịp thời các khu dân cư, công trình có nguy cơ sạt lở, các ao hồ không an toàn, các khe suối đang tắc nghẽn, tích tụ nước nguy cơ gây lũ ống, lũ quét hoặc ứng phó kịp thời khi chưa có lực lượng chi viện của cấp trên đang phổ biến ở nhiều địa phương.

Ngoài ra, hầu hết Văn phòng thường trực bất cập cả về tổ chức, chức năng nhiện vụ, trang thiết bị, trình độ của cán bộ dẫn đến tình trạng: theo dõi giám sát thiên tai, tích hợp, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ tham mưu từ giai đoạn phòng ngừa đến ứng phó, khắc phục hậu quả nhiều tình huống chưa được kịp thời, lúng túng, thiếu bài bản, hiệu quả thấp.

Do vậy, ngay sau Hội nghị PCTT khu vực miền núi phía Bắc, Bộ NN&PTNT ban hành công văn số 4793/BNN-PCTT gửi các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ các tỉnh miền núi phía Bắc, Chủ tịch UBND – Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc về việc triển khai công tác phòng chống thiên tai khu vực này năm 2020.

Khải Minh

Bạn đang đọc bài viết Các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.