Thứ sáu, 22/11/2024 14:41 (GMT+7)
Thứ năm, 27/05/2021 11:15 (GMT+7)

Các tỉnh 'đua nhau' đặt mục tiêu hướng tới trồng 1 tỉ cây xanh

Theo dõi KTMT trên

Hưởng ứng đề án "1 tỉ cây xanh" giai đoạn 2021-2025, hàng loạt các tỉnh trên cả nước đua nhau đặt mục tiêu trồng hàng triệu cây xanh.

Trước các tác động của biến đổi khí hậu, sự gia tăng về cường độ mưa, bão, lũ, sạt lở đất thời gian qua, việc trồng cây thêm cây xanh có ý nghĩa to lớn. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2020 và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Theo đó, chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2021 , cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.

Các tỉnh đua nhau đặt mục tiêu trồng cây

Thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021; Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, nhiều tỉnh đã tổ chức thực hiện mục tiêu trồng hàng chục triệu cây xanh. 

Các tỉnh 'đua nhau' đặt mục tiêu hướng tới trồng 1 tỉ cây xanh - Ảnh 1
Phát triển cây xanh và trồng rừng vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài.

Mới đây,  UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh trồng được 5,5 triệu cây xanh phân tán các loại. Trước đó, Ngày 27/4/2021 UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch 2363/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Trồng mới một tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” .

Ngày 28/4/2021 UBND tỉnh Tuyên Quang xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án trồng 1 tỉ cây xanh của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021- 2025, Căn cứ kế hoạch trồng cây hàng năm, các địa phương chủ động chỉ đạo

Ngày 13/4/2021, UBND Phú Thọ ban hành Kế hoạch số 1466/KH-UBND về việc trồng cây xanh phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Giai đoạn trước còn có các tỉnh: Khánh Hòa, Phan Thiết, Thanh Hóa, Lâm Đồng... 

Còn tại Hà Nội, trong kế hoạch trồng mới, chăm sóc, duy tu, duy trì hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ trồng mới khoảng trên 554.000 cây xanh đô thị.

Trồng cây không theo phong trào

Để thực hiện Đề án, điều quan trọng nhất cần được chú ý, đó là việc trồng cây xanh cần làm sao có được kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh làm theo phong trào, chạy theo thành tích, bởi từ đây, mới biến “hành động” trở thành hiện thực và có hiệu quả trên thực tế.

Thực tế cho thấy, đây là giai đoạn rất quan trọng để chúng ta chuẩn bị những công việc cần thiết để hiện thực hóa Đề án trồng 1 tỉ cây xanh, đưa nội dung của Đề án đi vào thực tiễn. Và để thực hiện Đề án, điều quan trọng nhất cần được chú ý, đó là việc trồng cây xanh cần làm sao có được kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh làm theo phong trào, chạy theo thành tích, bởi từ đây, mới biến “hành động” trở thành hiện thực và có hiệu quả trên thực tế.

“Chúng ta không được để xảy ra tình trạng “mười cây chết chín, một cây gật gù”. Phải trồng cây nào sống cây đó, chứ không làm theo phong trào”, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã nhấn mạnh như vậy khi nói đến vấn đề này.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, việc trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát suốt quá trình để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Các tỉnh 'đua nhau' đặt mục tiêu hướng tới trồng 1 tỉ cây xanh - Ảnh 2
Cây phong lá đỏ tại TP.Hà Nội rụng lá, 45 cây bị chết. Ảnh: Internet. 

Một điểm nữa cần lưu ý khi thực hiện Đề án, đó là việc cần có sự thống nhất trong việc chọn loại cây trồng phù hợp với từng mục đích, điều kiện trồng. Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã có định hướng, với cây xanh trồng rừng đặc dụng, chỉ trồng các loài cây bản địa có phân bố trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó. Đối với rừng phòng hộ, trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt.

Đối với cây phân tán, cần chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái gây trồng, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, các loài cây thân gỗ, cây đa mục đích, cây có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao, cây quý hiếm, mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đây là vấn đề cần được quán triệt và phổ biến và các địa phương khi triển khai thực hiện trồng cây cần bám sát để chủ động trong công tác chuẩn bị về giống và các kỹ thuật trồng cây có liên quan.

Sự việc về trồng cây phong lá đỏ tại TP.Hà Nội (từ năm 2018) là bài học hiện hữu trong vấn đề này. Thực tế, việc trồng 262 cây phong lá đỏ tại đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng của TP.Hà Nội đã thất bại, khi qua 3 năm trồng, thống kê của đơn vị liên quan cho thấy có 45 cây bị chết, những cây sống, hiện trạng sinh trưởng kém hay bị héo cành, lá và sâu bệnh. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm khi cây phong lá đỏ đã được đưa ngay vào trồng tại Hà Nội chưa được trồng thử nghiệm trước và cũng như chưa đánh giá các mặt về điều kiện thích nghi về đất, khí hậu, địa hình,…phù hợp cho quá trình sinh trưởng; tác động của cây trồng với môi trường xung quanh.

Theo các chuyên gia, đối với những loài cây trồng mới khi đưa vào Việt Nam cần được trồng thử nghiệm, sau đó cho kết quả mới nhân rộng. Đây cũng là điểm mà chúng ta cần lưu ý khi thực hiện Đề án trong việc chọn loài cây trồng.

Đặc biệt, để thực hiện đề án, việc nâng cao nhân thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh là giải pháp hết sức cần thiết. Việc phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. 

Không thể phủ nhận những giá trị mang lại nếu Đề án được thực hiện thành công. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, với một tỉ cây xanh được trồng mới, sẽ góp phần nâng cao tỉ lệ cây xanh trên đầu người, tạo thêm cảnh quan, bóng mát, điều hòa khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người. Nâng cao chất lượng rừng và tăng tỉ lệ che phủ rừng, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai.

Vì những mục tiêu thiết thực và to lớn của Đề án mang lại, mỗi người dân hãy cùng chung tay, vì một môi trường sống xanh, lành mạnh ngày hôm nay và mai sau. Mỗi người một việc nhỏ, mỗi người cùng góp sức vào trồng cây xanh, tin tưởng chúng ta sẽ đạt được kết quả như mong đợi.

Theo kế hoạch của Bộ NNPTNT về thực hiện đề án “Trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025”, đến hết năm 2025 cả nước trồng 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Ánh Dương

Bạn đang đọc bài viết Các tỉnh 'đua nhau' đặt mục tiêu hướng tới trồng 1 tỉ cây xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới