Các nước dùng rong biển để 'hạ nhiệt' Trái Đất
Rong biển có thể giúp giảm ô nhiễm, hấp thụ phần lớn chất thải gây hại đặc biệt là khí metan. Sử dụng rong biển cũng giúp kinh tế các nước phát triển bền vững hơn.
Thụy Điển dùng rong biển làm thức ăn cho bò để giảm khí metan
Quá trình lên men tự nhiên đã tạo ra khí metan ngay trong dạ cỏ (dạ dày lớn nhất trong 4 chiếc dạ dày của bò). Khi chúng tiêu hóa thức ăn, hydro và carbon dioxide được giải phóng, và một loại enzyme tự nhiên sau đó kết hợp với hai loại khí này, đã tạo ra khí metan gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, khi cho một con bò ăn 100 gram thức ăn rong biển, qua theo dõi đã ngăn chặn được loại enzym này và do đó lượng khí thải metan cũng giảm.
Nghiên cứu này đã trải qua nhiều vòng thử nghiệm ở cấp độ quốc tế trong sáu năm qua và hiện Volta Greentech đang hợp tác với công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất Thụy Điển Lantmännen xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn cho bò từ rong biển.
“Hiệu ứng khử khí metan phần lớn đã được chứng minh, và hiện chúng tôi muốn điều tra xem điều này ảnh hưởng như thế nào đến các thông số khác. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu những con bò ăn thức ăn ở mức độ nào thì liệu sản lượng sữa có bị ảnh hưởng về sản lượng và thành phần dinh dưỡng hay không”, Cecilia Lindahl, chuyên gia phát triển sản phẩm tại Lantmännen cho biết.
Công ty Volta Greentech cho hay, đang hướng tới việc giải quyết vấn đề phát thải chăn nuôi của Thụy Điển trước tiên, và hy vọng sẽ có thể mở rộng ra quốc tế trong tương lai gần.
Về nguồn nguyên liệu, công ty cho biết đang tập trung vào các phương pháp sản xuất bền vững đối với rong biển, được trồng trong các lò phản ứng sinh học thẳng đứng để tối đa hóa sản lượng.
“Bằng cách xây dựng một hệ thống khép kín, chúng tôi đảm bảo rằng sẽ có thể duy trì sản xuất và chất lượng không thay đổi theo thời gian, bất kể các yếu tố môi trường như chất lượng nước hoặc thời tiết”, đại diện khởi nghiệp cho biết.
Theo ông Åkerman: “Phương pháp này cũng cho phép cải thiện đáng kể hiệu quả và năng suất theo thời gian bằng công thức canh tác gối vụ trong phòng thí nghiệm. Trong khi đó, nhà máy sản xuất cũng được cung cấp năng lượng bền vững bằng chính nguồn năng lượng thải từ các ngành công nghiệp địa phương. Điều này, cùng với việc tự động hóa các quy trình, đảm bảo rằng rong biển phát triển ổn định suốt 365 ngày một năm, với tốc độ tăng trưởng hàng ngày là 10%”.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), gia súc được nuôi để làm thực phẩm đóng góp trực tiếp 5,8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hàng năm trên thế giới và lên tới 14,5% nếu tính cả các khâu sản xuất, chế biến và vận chuyển thức ăn chăn nuôi. Hoạt động chăn nuôi công nghiệp, đặc biệt là đối với thịt bò còn thúc đẩy nạn phá rừng, và thải ra khí metan trong quá trình tiêu hóa và lượng oxit nitơ cùng với phân của chúng. Hai nguồn khí thải gây hiệu ứng nhà kính này từ bò thậm chí còn nhiều hơn lần lượt 25 và 298 lần so với thán khí CO2 trong khoảng thời gian 100 năm.
Hà Lan trồng rong biển để cứu thế giới
Trang trại rong biển hữu cơ Zeewaar ở Hà Lan đang nhân giống và cung cấp rất nhiều rong biển ra thị trường.
Trang trại Zeewaar cho biết, không tự sản xuất ra cây giống mà mua từ một công ty giống chuyên biệt có tên là Hortimare, nhà cung cấp cây giống Hà Lan này hiện đã phát triển chi nhánh ở nhiều quốc gia.
"Chúng tôi nhân giống loại rong biển có nguồn gốc từ Na Uy, nơi rong biển phát triển rất tốt về mặt sinh thái. Và chỉ từ một mẫu rất nhỏ hiện chúng tôi có thể phát triển thành hàng km diện tích trong tương lai gần và liên tục thử nghiệm để cải thiện chất lượng giúp các trang trại nâng cao hiệu quả sản xuất", Jessica Schiller, chuyên gia thực vật biển của Hortimare cho hay.
Với một loạt các chủng rong biển đáng tin cậy đang được ươm tạo và cải tiến công nghệ canh tác để vươn ra canh tác xa bờ, Hortimare đang hy vọng sẽ cải thiện năng lực sản xuất rong biển của châu Âu tăng gấp 10 lần trong thời gian tới.
Rong biển sẽ cứu thế giới bởi do những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu dẫn đến các nguồn tài nguyên trên đất đang phải chịu áp lực ngày càng tăng.
Theo nhận định của Chương trình Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO), thủy hải sản, bao gồm rong và tảo biển chính là nguồn dinh dưỡng quý và sẽ ngày càng quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Đáng chú ý là với những phương pháp canh tác bền vững, chúng ta có thể tăng sản lượng rong biển mà không gây hại cho môi trường biển. Nghiên cứu khoa học chứng minh rong biển sẽ là một nguồn vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và protein của tương lai nên đây chính là lý do để các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu đưa nó vào lộ trình xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững.
Các trang trại rong biển còn góp phần cô lập carbon, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Rong tảo biển trong cơ cấu thức ăn chăn nuôi cũng có thể làm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào lượng đậu nành nhập khẩu, góp phần vào cuộc chiến chống phá rừng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, việc làm và kinh tế sinh học ở các khu vực ven biển.
Nguyễn Linh (T/h)