Các ngành kinh tế nỗ lực ứng phó dịch bệnh
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đang lây lan, diễn biến theo chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Khách bay làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm, hạn chế và giảm tác động xấu của dịch bệnh đến đời sống xã hội.
Ðồng lòng chống dịch
Hàng không là một trong những ngành triển khai mạnh mẽ nhất công tác phòng, chống dịch. Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài Nguyễn Huy Dương cho biết: Nội Bài là cửa khẩu hàng không quốc tế lớn nhất khu vực miền Bắc, nơi có lưu lượng hành khách lớn thứ hai cả nước, lại đang trong giai đoạn phục vụ cao điểm sau đợt Tết Nguyên đán, cho nên các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp được Cảng rất quan tâm. Hiện đơn vị sẵn sàng phương án ứng phó các trường hợp hành khách đi máy bay có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Nội Bài đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và Ban Ðiều hành phối hợp phòng, chống dịch bệnh tại Cảng, thống nhất các nội dung, kịch bản để phối hợp xử lý dịch bệnh. Ðồng thời ban hành Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp tại cửa khẩu sân bay, trong đó nêu rõ nhiệm vụ chi tiết của các đơn vị phối hợp, sơ đồ đường dây nóng để ứng phó nhanh với trường hợp khẩn cấp. Cảng đã bố trí một số điểm cấp phát miễn phí khẩu trang y tế dành cho hành khách (hai điểm cạnh thang máy - khu vực công cộng, khu C, nhà ga T1 và một điểm tại khu A, quốc tế đến nhà ga T2), khuyến cáo tất cả hành khách đi máy bay chủ động tự trang bị và đeo khẩu trang vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng...
Tiếp đó, Cục Hàng không Việt Nam tạm hủy cấp phép bay đã cấp cho các hãng hàng không khai thác các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 6 giờ, giờ quốc tế (tức 13 giờ, giờ Việt Nam) ngày 1/2/2020 cho đến khi có thông báo mới. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm thông báo tin tức hàng không bằng hình thức phù hợp với nội dung tạm thời hủy phép bay nêu trên; đồng thời, từ chối tiếp nhận kế hoạch bay không lưu của các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc theo kế hoạch trên. Các chuyến bay đang thực hiện được yêu cầu quay trở lại sân bay cất cánh. Hãng Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific Airlines (JPA) ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Ðài Loan, Hồng Công và Ma Cao (Trung Quốc) từ 13 giờ ngày 1/2. Ðây là tình huống bất khả kháng mà các hãng hàng không phải tuân thủ theo yêu cầu của nhà chức trách. VNA và JPA, sẽ cập nhật phương án đưa các công dân Việt Nam tại Trung Quốc, Ðài Loan, Hồng Công và Ma Cao (Trung Quốc) trở về trong thời gian tới.
Ðối với giao thông đường bộ, Tổng cục trưởng Ðường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đã ban hành công điện khẩn yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động vận chuyển hành khách trên các tuyến có điểm đi, điểm đến là các khu vực có cảnh báo đặc biệt. Các bến xe được yêu cầu bảo đảm vệ sinh môi trường, khử trùng cả bên trong và bên ngoài nhằm phòng, chống dịch hiệu quả. Tổng cục yêu cầu các sở giao thông vận tải (GTVT), cục quản lý đường bộ phối hợp lực lượng chức năng trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi nhiễm bệnh dịch; theo dõi, kiểm tra vận chuyển động vật hoang dã, gia súc, gia cầm trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các đơn vị kinh doanh vận tải quán triệt đến từng lái xe, nhân viên phục vụ phát hiện những người có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, ho,... để kịp thời cách ly và thông báo ngay cho lực lượng y tế cơ động có biện pháp ứng phó hiệu quả... "Trường hợp đặc biệt khẩn cấp, Tổng cục yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động vận chuyển hành khách trên các tuyến có điểm đi, điểm đến là các khu vực có cảnh báo đặc biệt về tình hình lây nhiễm của dịch bệnh. Ban quản lý các bến xe chủ động nhận định tình hình để không cho xuất bến hoặc tiếp nhận những phương tiện nghi mang theo mầm bệnh ra, vào bến. Sử dụng biện pháp cách ly phương tiện, hành khách nghi nhiễm nCoV", ông Huyện nhấn mạnh.
Trước đó, ngành đường sắt đã có biện pháp nhanh chóng và đưa ra yêu cầu đối với đơn vị vận tải đường sắt khi đón khách tại ga xuất, ga dọc đường phải phát khẩu trang cho hành khách trước khi lên tàu. Các bộ phận làm việc trên tàu khi tiếp xúc với khách ở trong toa phải đeo khẩu trang. "Khi hành khách đi tàu có các triệu chứng biểu hiện như ho kéo dài, sốt cao,... cần báo cáo tiếp viên phụ trách toa xe để được hỗ trợ kịp thời," bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thông báo, từ ngày 1/2 đã miễn cước cho thuê bao VinaPhone và cố định VNPT gọi tới đường dây nóng phòng, chống dịch nCoV 19003228 của Bộ Y tế, và mới đây nhất là tổng đài 19009095 do Viettel vận hành. Ðây là đường dây nóng tư vấn, cung cấp thông tin về dịch bệnh, giúp người dân dễ dàng cập nhật thông tin để kịp thời bảo vệ bản thân và gia đình.
Hạn chế tối đa ảnh hưởng tới nền kinh tế
Nhằm tránh hiện tượng doanh nghiệp (DN), cá nhân lợi dụng dịch bệnh do nCoV để thu gom trang thiết bị y tế chuyển ra nước ngoài bán kiếm lời, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) chính thức tạm dừng chấp nhận, vận chuyển ra nước ngoài các mặt hàng như khẩu trang y tế, nước sát trùng, găng tay y tế từ ngày 1/2/2020. Trước đó, Bưu điện Việt Nam yêu cầu toàn mạng lưới thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Toàn bộ cán bộ công nhân viên, nhất là các giao dịch viên, bưu tá, lái xe,... phải tuyệt đối thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch do Bộ Y tế ban hành, bắt buộc phải đeo khẩu trang y tế đạt chuẩn khi giao tiếp với khách hàng, đối tác và cộng đồng.
Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tích cực vào cuộc nhằm răn đe, hạn chế hiện tượng lợi dụng bệnh dịch để đẩy giá bán các mặt hàng y tế đang khan hiếm như khẩu trang, găng tay, nước sát trùng...
Ngày 31/1, Bộ Công thương họp khẩn để đánh giá tác động từ dịch bệnh do nCoV tới nền kinh tế nói chung cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuộc ngành công thương nói riêng. Theo đánh giá của Bộ Công thương, dịch bệnh sẽ ngày càng phức tạp, khó dự đoán, ảnh hưởng đến công tác xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tổng quan và toàn diện hơn tác động của dịch nCoV đối với thị trường trong nước và ngoài nước. Các nhiệm vụ cụ thể được giao trực tiếp cho từng đơn vị.
Theo đó, Vụ Thị trường trong nước cần chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động kết nối cung cầu để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng tại thị trường trong nước; theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để đề xuất các giải pháp cân đối. Cục Xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình tại các cửa khẩu, thông báo kịp thời cho các DN, hiệp hội để có phương án thích hợp trong trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị hạn chế hoặc tạm dừng...
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu có văn bản gửi Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam đề nghị các DN logistics ưu tiên cho các đơn vị xuất khẩu nông sản thuê kho lạnh với mức giá ưu đãi...
Các DN có mức giao thương lớn với Trung Quốc chủ động nhiều giải pháp chống dịch. Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, dịch bệnh do nCoV chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Do đó, vấn đề mấu chốt là tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế. Thực tế, từ nhiều năm trước, nhất là sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, các DN đã tìm cách giảm bớt phụ thuộc vào thị trường này. Có những đơn vị trước kia phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khoảng 70%, nay chỉ còn 40%. Khi xảy ra dịch bệnh, các DN sẽ quyết liệt và năng động hơn nữa trong việc tìm kiếm các thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu mới.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, hiện tại dịch do nCoV chưa tác động nhiều tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ khó tránh khỏi. May 10 đang phối hợp khách hàng theo dõi thông tin để có giải pháp xử lý tình huống. Tuy nhiên, để tìm được nguồn nguyên phụ liệu thay thế trong thời gian ngắn là rất khó, trong khi nguyên phụ liệu sản xuất trong nước không đáp ứng đủ. Tuy nhiên, May 10 sẽ đẩy mạnh, phát triển thị trường trong nước nhằm giải quyết khó khăn trước mắt, đồng thời tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Thêm một số chuyến bay đặc biệt đưa khách Việt Nam từ Trung Quốc về Trước băn khoăn của nhiều hành khách bị "mắc kẹt" tại Trung Quốc sau khi Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) công bố tạm thời dừng toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam - Trung Quốc từ 13 giờ ngày 1/2, lãnh đạo Cục HKVN cho biết, các hãng hàng không trong nước sẽ được phép bay thêm một số chuyến đặc biệt để đưa một lượng lớn khách Việt Nam đang ở tại nhiều điểm của Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, Ma Cao (Trung Quốc). Riêng đường bay Ðài Loan (Trung Quốc), các hãng được phép hoạt động bình thường trở lại, không bị áp lệnh cấm bay. Các hãng cần lên kế hoạch bay cho từng chuyến và xin phép Cục HKVN, Cục sẽ cấp phép bay để giải tỏa khách. Tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc về đều hạ cánh xuống sân bay Vân Ðồn, toàn bộ hành khách sẽ được cách ly và kiểm tra sức khỏe theo quy định. |