Thứ tư, 01/05/2024 11:44 (GMT+7)
Thứ hai, 09/10/2023 09:49 (GMT+7)

Các khái niệm và thuật ngữ hay dùng trong phòng, chống thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Dưới đây là một số thuật ngữ thiên tai được định nghĩa theo Luật phòng, chống thiên tai đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Luật phòng, chống thiên tai đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua, một số thuật ngữ thiên tai được định nghĩa như sau: 

Thiên tai (Natural Disaster) là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

Rủi ro thiên tai (Disaster Risk) là thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội. Rủi ro thiên tai được phân thành các cấp độ theo các tiêu chí: cường độ hoặc mức độ nguy hiểm của thiên tai; phạm vi ảnh hưởng; khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng và môi trường. Theo mức độ gây thiệt hại, rủi ro thiên tai có thể phân chia thành: hiểm họa, khi thiên tai gây ra các tổn thất về cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến đời sống và tổn thất về sinh mạng con người; thảm họa (catastrophe) khi thiên tai tạo nên sự thiệt hại vô cùng lớn về vật chất, sinh mạng, khó có thể phục hồi hoặc không thể phục hồi sau thiên tai.

Phòng, chống thiên tai (Prevention for Natural Disaster) là quá trình mang tính hệ thống, bao gồm hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Đối tượng dễ bị tổn thương (Vunerable Objects) là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ thiên tai so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo. Ở nghĩa rộng, đối tượng bị tổn thương không chỉ là người, mà còn bao gồm cả hệ thống tự nhiên (hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên), cơ sở vật chất của con người (hạ tầng cơ sở, công trình nhà ở, các công trình công cộng), các giá trị xã hội khác của con người.

Các khái niệm và thuật ngữ hay dùng trong phòng, chống thiên tai - Ảnh 1
Thiên tai (Natural Disaster) là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa)

Công trình phòng, chống thiên tai (Buildings Prevention for Natural Disaster) là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng, bao gồm: trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai; công trình đê điều, hồ đập, chống úng, chống hạn, chống sạt lở; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai. Như vậy, có thể hiểu công trình phòng chống thiên tai là bất kỳ công trình nào xây dựng để giảm thiểu hoặc phòng tránh tác động thiên tai hoặc việc ứng dụng các phương pháp kỹ thuật để tăng cường khả năng chống chụi và đàn hồi của các công trình đó. 

Vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng, chống thiên tai (Materials, facilities, equipment, information systems, resources for prevention and disaster preparedness) bao gồm: vật tư, phương tiện, trang thiết bị của Nhà nước; huy động của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự chuẩn bị.

Quỹ phòng, chống thiên tai(Budget for the prevention of natural disasters) là quỹ được thành lập ở cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Quỹ phòng, chống thiên tai không bao gồm ngân sách nhà nước và không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai (National Strategy on the prevention of natural disasters) là văn bản chính thức của chính phủ về các nội dung và giải pháp chủ yếu về phòng chống thiên tai nhằm đạt được mục tiêu định lượng ở mốc thời gian cụ thể. Chiến lược được xây dựng theo chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 20 năm và được cập nhật, điều chỉnh định kỳ 05 năm hoặc khi có biến động lớn về thiên tai.

Kế hoạch phòng, chống thiên tai (Plan for prevention of Natural Disasters) là nội dung công việc cụ thể về phòng chống thiên tai, được xây dựng tại các cấp địa phương, cấp bộ và cấp quốc gia theo chu kỳ kế hoạch 05 năm tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được điều chỉnh hằng năm.

Phương án ứng phó thiên tai (Disaster Response Plan) do các ngành và địa phương xây dựng, bao gồm các nội dung chính sau đây: bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm; sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất; bảo đảm an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc; phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; nguồn nhân lực ứng phó thiên tai; dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm. Việc thực hiện các phương án ứng phó thiên tai có thể thực hiện trước, trong và sau thiên tai.

Bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai (Forecast, Disaster Warning) do các cơ quan quản lý có thẩm quyền thực hiện, bao gồm: bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai về khí tượng, thủy văn, hải văn phải bảo đảm thông tin về loại thiên tai, cường độ, cấp độ rủi ro thiên tai, vị trí, tọa độ hiện tại và dự báo diễn biến; bản tin báo tin động đất và dự báo, cảnh báo sóng thần phải bảo đảm thông tin về vị trí, cường độ, cấp độ rủi ro thiên tai và mức độ gây ảnh hưởng của động đất; dự báo vị trí xuất phát, khả năng, độ cao, cấp độ rủi ro thiên tai, hướng di chuyển và khu vực ảnh hưởng của sóng thần.

Hoạt động tìm kiếm và cứu nạn người gặp nguy hiểm tại khu vực có thiên tai xảy ra bao gồm: sơ tán người ra khỏi nơi nguy hiểm, ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương; cấp cứu kịp thời người gặp nguy hiểm; tìm kiếm người, phương tiện mất tích; lập các trạm cấp cứu tạm thời hoặc trưng dụng có thời hạn trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở y tế tại khu vực có thiên tai để tiếp nhận cấp cứu người bị nạn; huy động người, vật tư, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh để tham gia cứu chữa người bị nạn; dựng các lán trại tạm thời cho người dân bị mất nhà ở; cấp phát lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước sạch và nhu yếu phẩm thiết yếu; các biện pháp cần thiết khác phù hợp với đặc điểm thiên tai của địa phương và khu vực.

Nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai: phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau; phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới; phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.

Các khái niệm khác có liên quan đến thiên tai:

Tai biến thiên nhiên (Natural Hazard): Thiên tai là hiệu ứng của một tai biến thiên nhiên (ví dụ lũ lụt, (bão) phun trào núi lửađộng đất, hay lở đất) có thể ảnh hưởng tới môi trường, và dẫn tới những thiệt hại về tài chính, môi trường và/hay con người. Thiệt hại do tai biến thiên nhiên phụ thuộc vào khả năng chống đỡ và phục hồi của con người và cơ sở vật chất do con người tạo ra, khi xảy ra tai biến.

Phục hồi (Restoration): Phục hồi là các hoạt động bao gồm: khôi phục và cải thiện cơ sở vật chất, các hoạt động sinh kế, các điều kiện sống của cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thảm họa, bao gồm các nỗ lực giảm thiểu các yếu tố rủi ro của thiên tai.

Năng lực (Capacity): Năng lực là “sự kết hợp của tất cả các điểm mạnh, những đặc tính và các nguồn lực sẵn có trong một cộng đồng, xã hội hoặc tổ chức có thể được sử dụng để đạt được những mục tiêu chung”; năng lực ứng phó là “năng lực của con người, tổ chức, sử dụng những kỹ năng và nguồn lực sẵn có để đối mặt và quản lý trong những điều kiện bất lợi, trong các tình trạng khẩn cấp hoặc các thiên tai”.

P.V

Bạn đang đọc bài viết Các khái niệm và thuật ngữ hay dùng trong phòng, chống thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.