Thứ ba, 09/07/2024 02:49 (GMT+7)
Thứ sáu, 31/05/2024 16:52 (GMT+7)

Các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Sáng ngày 31/5, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành Sữa và sản phẩm Sữa lần thứ 4 tại Việt Nam (VIETNAM DAIRY 2024, đã diễn ra Hội thảo “Các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa Việt Nam”.

Mấu chốt cho thành công của các doanh nghiệp ngành Sữa

Nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế tuần hoàn(KTTH), trong khuôn khổ “Triển lãm quốc tế ngành Sữa và sản phẩm Sữa lần thứ 4 tại Việt Nam (VIETNAM DAIRY 2024),  đã diễn ra Hội thảo “Các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả đến từ Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - NN&PTNT), Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam và các doanh nghiệp đã và đang có những giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn thành công như Vinamilk, TetraPak, Nestle, Autotech,... 

Các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa Việt Nam - Ảnh 1
Hội thảo “Các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa Việt Nam” diễn ra ngày 31/5.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày các nội dung liên quan đến KTTH như “Kinh tế tuần hoàn, cơ hội và thách thức của ngành sữa Việt Nam”; “Bao bì thực phẩm bền vững và tuần hoàn”; “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và tiêu dùng – hướng tới mục tiêu Net Zero”; “Giải pháp tái chế rác thải hữu cơ và giảm phát thải carbon”; “Phát triển chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam Cơ hội và thách thức”; “Phòng và điều trị bệnh viêm vú bò trong chăn nuôi bò sữa”… 

Theo Ban tổ chức, từ hàng chục năm nay, ngành công nghiệp sữa tại Việt Nam đang chủ động trong việc áp dụng công nghệ mới và tiên tiến để cải thiện quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm sữa an toàn, chất lượng và đa dạng.

Các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa Việt Nam - Ảnh 2
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều chia sẻ về KTTH trong ngành Sữa.

Trong bối cảnh hội nhập với nhiều cơ hội và thách thức, ngành công nghiệp sữa không phải là ngoại lệ; các doanh nghiệp không những cần liên tục nắm bắt và cập nhật xu hướng mới nhằm tăng cường sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường mà còn chú trọng vào việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng; tối ưu hóa quy trình sản xuất, đào tạo và nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực với các kỹ năng về quản lý tài nguyên, kỹ thuật sản xuất tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu; tối ưu hóa chuỗi cung ứng; tái chế và sử dụng lại nguyên liệu; phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng cường hợp tác thực hiện các hành động cụ thể bảo vệ môi trường và phát triển bền vững hướng tới tiêu dùng xanh; tái chế rác thải hữu cơ và giảm phát thải carbon, giảm lượng phát thải khí nhà kính…

“Thực hiện KTTH là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các cam kết về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, đại diện Ban tổ chức chia sẻ.

Các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa

Tại Hội thảo, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng cục chăn nuôi - Bộ NN&PTNT thông tin, KTTH trong chăn nuôi ngay từ thời của cha ông chúng ta đã bắt đầu rồi, bây giờ chúng ta chỉ là đưa vào chính và được coi trong hơn và trở thành định hướng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xanh của chúng ta từ nay cho đến thời gian tới.

“Trong chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam cũng có nhiều đề án liên quan đến phát triển KTTH trong chăn nuôi. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp cũng đã ban hành một số thông tư liên quan đến việc xử lý các phụ phẩm trong chăn nuôi”, ông Tống Xuân Chinh cho hay.

Các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa Việt Nam - Ảnh 3
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng cục chăn nuôi - Bộ NN&PTNT thông tin về KTTH trong chăn nuôi

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII trong “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030” đã chỉ rõ “Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050”; Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; và Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt “Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng cục chăn nuôi - Bộ NN&PTNT cũng thông tin thêm, thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành một số văn bản liên quan đến KTTH trong ngành NN-PTNT và đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030”. Những văn bản này là những khuôn khổ pháp lý ban đầu để từng bước áp dụng, vận hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho KTTH trong nông nghiệp ở nước ta.

Trong các ngành hàng chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh nhận định, chăn nuôi bò sữa là một ngành có tiềm năng lớn nhất trong việc thực hành mô hình KTTH trong ngành chăn nuôi ở nước ta, vì nước ta không có đồng cỏ tự nhiên nên chăn nuôi bò sữa chủ yếu nhờ nguồn thức ăn thô, xanh từ cây trồng; cây thức ăn cho bò sữa gắn liền với chuyển đổi canh tác từ truyền thống sang hệ thống canh tác bền vững hơn; có khả năng sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo trong toàn bộ hệ thống chuỗi giá trị sản phẩm sữa và từ sữa.

Các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa Việt Nam - Ảnh 4
Nhiều doanh nghiệp đã tham gia và được thông tin về nhiều kiến thức trong phát triển KTTH.

Trong chuỗi giá trị của ngành sữa Việt Nam thì khâu chăn nuôi bò sữa để sản xuất sữa tươi nguyên liệu nhưng cũng là khẩu phát thải lớn nhất ở cả 03 dạng: khí thải từ hệ tiêu hóa dạ cỏ, đặc biệt là CH4, chất thải rắn gồm phân bò, thức ăn thô, xanh thừa, chất độn chuồng và nước thải từ nước tiểu bò, nước sử dụng trong hoạt động chăn nuôi.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kế năm 2023, cả nước có trên 323 ngàn con thì ước tính tổng lượng phân bò thải ra là 3,7 triệu tấn/năm và 4,4 triệu tấn nước tiểu bò/năm chưa tính nhiều triệu tấn nước thải rửa chuồng, tắm bò và rửa dụng cụ chăn nuôi, vắt sữa, chế biến thức ăn.

Các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa Việt Nam - Ảnh 5
Bà Trần Thị Chung Thủy, Trưởng phòng Đối ngoại và Hợp tác Nestle chia sẻ tại Hội thảo.

Còn theo đại diện Nestle chia sẻ, chuyển đổi KTTH không chỉ riêng ngành sữa mà còn là của các ngành khác, đây là việc tất yếu trong xu hướng phát triển trong thời gian tới. Việc chuyển đổi kinh tế tuần hoàn không chỉ làm giảm phát thải hiệu ứng nhà kính mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm bền vững.

Về tầm nhìn, Nestle mong muốn xây dựng một sân chơi Việt Nam tràn đầy năng lượng và thân thiện  môi trường. Để đạt được điều này, Nestle  đã đặt ra mục là đồng hành cùng các bậc cha mẹ Việt Nam trong việc giáo dục trẻ về thói quen tiêu dùng có trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ thông qua việc tương tác trực tiếp với trẻ.

Đồng thời, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn cho các em học sinh, Nestle cũng xây dựng một số dự án như Dự án “Phân loại và Tái chế rác” qua ứng dụng Smartphone; Dự án “Hành trình thứ hai của vỏ hộp MILO” (Give MILO packs a second life).

Các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa Việt Nam - Ảnh 6
Ông Lê Hoàng Minh – Giám đốc Điều hành Sản xuất kiêm Trưởng dự án Net Zero của Vinamilk thông tin tại Hội thảo.

Liên quan đến chủ đề tiến đến Net Zero thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp tham dự trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy quá trình hoàn thiện khung pháp lý cũng như lộ trình để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Hoàng Minh – Giám đốc Điều hành Sản xuất kiêm Trưởng dự án Net Zero của Vinamilk thông tin, doanh nghiệp đã có 3 đơn vị đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014 – cho biết, Net Zero là một hành trình dài hạn và đầy thách thức. Để trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có cả nhà máy và trang trại đạt Net Zero theo tiêu chuẩn PAS2060:2014, Vinamilk đã theo đuổi chiến lược phát triển bền vững từ cách đây nhiều năm với các hành động mạnh mẽ như: ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào nông nghiệp; triển khai mô hình trang trại sinh thái Green Farm theo hướng nông nghiệp bền vững; chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh hơn; tiến hành đo đạc kiểm kê khí nhà kính tại tất cả trang trại và nhà máy; tham gia ủng hộ sáng kiến Pathways to Dairy Net Zero của ngành sữa thế giới; triển khai các dự án trồng rừng quy mô lớn như Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam, Cánh rừng Net Zero Vinamilk…

“Net Zero là một mục tiêu thách thức, không chỉ với riêng ngành sữa trong nước mà cả thế giới. Nhưng đó là con đường không thể khác đi để tạo ra một tương lai bền vững hơn, một Việt Nam khỏe mạnh hơn. Mục tiêu đó đòi hỏi sự cam kết cao nhất từ lãnh đạo các doanh nghiệp và sự ý thức, đồng lòng của cả tập thể”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo Ban tổ chức, hội thảo tổ chức đã phần nào giải đáp, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp ngành sữa trong quá trình chuyển đổi KTTH. Đồng thời, hội thảo đãc kết nối các nhà quản lý, chuyên gia, và doanh nghiệp, là nơi để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, cùng nhau tạo ra những đổi mới tích cực, những giải pháp cụ thể, tăng cường sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ góp phần hiện thực hóa tiêu tạo ra một ngành sữa Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

“Triển lãm quốc tế ngành Sữa và sản phẩm Sữa lần thứ 4 tại Việt Nam - VIETNAM DAIRY 2024” là sự kiện quốc tế chuyên ngành quan trọng về lĩnh vực này được tổ chức định kỳ hai năm một lần tại Việt Nam với sự ủng hộ của các Bộ, ban ngành hữu quan. 

Triển lãm năm nay được tổ chức với chủ đề “Bạn khoẻ mạnh, Việt Nam khoẻ mạnh” mở cửa đón khách từ 14h00 ngày 30/5 đến ngày 2/6/2024 tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ, Số 1 Lữ Gia, Phường 15, Quận 11, TP.HCM với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: chương trình “Hành trình xanh - đổi vỏ sữa lấy quà tặng”; trải nghiệm miễn phí sữa và các sản phẩm sữa của hàng trăm thương hiệu sữa Việt Nam và quốc tế; tư vấn dinh dưỡng, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe một cách khoa học và hợp lý; tư vấn kỹ năng sử dụng sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa; các tiết mục văn nghệ thiếu nhi, trình diễn nghệ thuật vui nhộn, đặc sắc chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Hưởng ứng Ngày Sữa thế giới…

Triển lãm do Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) chủ trì, phối hợp cùng Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) tổ chức. 

Nguyên Anh

Bạn đang đọc bài viết Các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành sữa Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thị trường bất động sản Đông Hà “vào đường băng”, giới đầu tư săn đón dự án tiềm năng
Quảng Trị đang được giới đầu tư bất động sản ví như “miền đất hứa” ở khu vực miền Trung khi thị trường vừa đón thêm tin vui về hạ tầng với dự án sân bay 5.800 tỉ đồng mới được khởi động. Đây được xem là bệ phóng quý giá để BĐS địa phương tiếp đà cất cánh.