Các đường bay quốc tế thường lệ nào có thể được mở lại vào đầu tháng 8?
Bộ Giao thông vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch khôi phục sáu đường bay quốc tế từ tháng 8/2020.
Các đường bay nội địa hiện đã phục hồi hoàn toàn, còn các đường bay quốc tế hiện nay chỉ chở hàng hoá. (Ảnh: VGP) |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương phương án tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ đến các khu vực ưu tiên.
Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn phân tích, việc mở lại đường bay thường lệ quốc tế sẽ có 1 số khó khăn, đặc biệt về nhân lực phi công và tiếp viên (vì phải bố trí tổ bay riêng, thực hiện cách ly); hạn chế khai thác tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) do phải đóng 1 đường băng để sửa chữa. Đặc biệt, hiện tại, Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn chính thức về quy trình kiểm dịch y tế với khách nhập cảnh Việt Nam.
Trong khi đó, đây là tài liệu cần thiết để nhà chức trách hàng không các nước trao đổi cấp phép bay. Việc khôi phục đường bay quốc tế còn phụ thuộc đối tác nước ngoài, trên cơ sở có đi có lại. Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trao đổi với các nước về kế hoạch mở lại đường bay, đa số các nước có phản hồi tích cực.
Riêng với Trung Quốc, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Cục Hàng không Việt Nam nhiều lần đề nghị nhưng tới nay chưa nhận được phản hồi. Bộ GTVT đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ mở lại đường bay tới Quảng Châu và gửi thư đến Bộ trưởng Bộ GTVT Trung Quốc đề nghị xem xét hỗ trợ việc này.
Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép mở lại 1 chuyến/tuần cho mỗi bên đối với mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ (tức mỗi tuần có 2 chuyến khứ hồi/đường bay), sau đó tuỳ tình hình có thể tăng tần suất. Trước mắt khai thác các đường bay: Quảng Châu - Đà Nẵng; Tokyo - Hà Nội; Seoul - Hà Nội, Đài Bắc - TPHCM, Viêng Chăn - Vân Đồn, Phnôm Pênh - Cần Thơ. Dự kiến thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên từ đầu tháng 8 tới.
Trước đó, phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ do nhà chức trách hàng không Việt Nam - Trung Quốc thống nhất.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đồng ý tổ chức đón công dân Việt Nam tại các điểm trung chuyển lớn các chuyến bay quốc tế, trong đó có các điểm như Seoul, Tokyo, Đài Loan, Quảng Châu, Viêng Chăn, Phnom Pênh.
Nhằm phù hợp với điều kiện địa lý, phân bổ khả năng cách ly, sự tương đồng về điểm đi/đến (thủ đô, điểm cửa ngõ chính, điểm thứ cấp), Cục Hàng không Việt Nam đề xuất trong giai đoạn đầu mở đường bay Quảng Châu - Đà Nẵng; Tokyo - Hà Nội; Seoul - Hà Nội; Đài Bắc (Đài Loan) - TP.HCM; Viêng Chăn - Quảng Ninh...
Trong giai đoạn đầu, với tần suất khai thác chỉ 1 chuyến/tuần, nhằm sử dụng hiệu quả nhân lực (phi công, tiếp viên) đang thực hiện các chuyến bay quốc tế giải cứu công dân do Bộ Ngoại giao xây dựng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại, Trung Quốc đang áp dụng cơ chế kết nối với mỗi quốc gia 1 chuyến/tuần cho mỗi bên. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm này để thí điểm.
Khách nhập cảnh Việt Nam phải có visa hợp lệ, thực hiện cách ly phòng dịch ngay khi nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với tần suất khai thác trên, Bộ GTVT tính toán, mỗi tuần sẽ có 2.500 - 3.000 hành khách nhập cảnh Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ trên (ngoài các chuyến bay giải cứu công dân, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ các địa điểm khác trên thế giới vào Việt Nam).
Mai Anh