Các doanh nghiệp vào Top 10 nơi làm việc tốt nhất kinh doanh ra sao?
Trong Top 10 doanh nghiệp lọt Top Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, có 4 doanh nghiệp "thuần Việt" bên cạnh các tập đoàn đa quốc gia.
Danh sách Top 100 Nơi làm việc tốt nhất vừa được Công ty Anphabe và Intage công bố. Trong Top 10 có sự hiện diện của 4 doanh nghiệp Việt Nam gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel); Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn FPT; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ngoài ra là các doanh nghiệp đa quốc gia: Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam; Abbott Laboratories GmbH; ACECOOK VIỆT NAM; Nestlé Việt Nam.
Vietcombank
Ngân hàng Vietcombank nằm trong "Big 4" ngân hàng Việt Nam và là một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Yếu tố bền vững luôn được cân nhắc trong hoạt động quản trị và kinh doanh của Vietcombank.
Trong 9 tháng đầu năm, Vietcombank tiếp tục là quán quân toàn ngành về lợi nhuận. Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 31.533 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và hoàn thành 75% kế hoạch cả năm.
Tổng tài sản ngân hàng này tính đến cuối quý 3 tăng 5% so với đầu năm, lên hơn 1.93 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 76%, còn 13,749 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 10% lên hơn 1.4 triệu tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 2% so với đầu năm, lên hơn 1.43 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, dù đã giảm so với cuối quý 2 nhưng tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước (KBNN) cuối quý 3 còn 34,229 tỷ đồng, đầu năm không ghi nhận khoản này.
Viettel
Theo báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý Nhà nước quý 3/2024 và nhiệm vụ công tác trọng tâm quý 4/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong lĩnh vực viễn thông, doanh thu quý 3/2024 của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt 47,5 nghìn tỷ, hoàn thành 107,9% kế hoạch quý, tăng trưởng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận trước thuế 14,6 nghìn tỷ, hoàn thành 123% kế hoạch quý, tăng trưởng xấp xỉ 10,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Quý 3, nộp ngân sách của Viettel đạt 10 nghìn tỷ, hoàn thành 109,8% kế hoạch quý, hoàn thành 83% so với kế hoạch năm.
Lĩnh vực viễn thông tập trung triển khai mạng 5G theo cam kết; triển khai tốt các chương trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (chuyển đổi thuê bao sử dụng thiết bị 2G lên 4G; hỗ trợ máy Sumo 4G cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo và những hộ nghèo thuộc diện chính sách; chặn 103 triệu tin nhắn rác và 82 nghìn thuê bao phát tán tin nhắn rác…).
Vingroup
Tổng doanh thu thuần hợp nhất trong chín tháng đầu năm 2024 đạt 126.916 tỷ đồng. Như vậy, tính riêng trong quý 3/2024 công ty mang về 62.851 tỷ đồng - một kỷ lục mới.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất chín tháng đầu năm 2024 đạt 4.069 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái. Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản Vingroup đạt 791.474 tỷ đồng, tăng 18,5% so với 31 tháng 12 năm 2023.
Ngoài ra, các lĩnh vực chính của tập đoàn này như công nghiệp, công nghệ, giáo dục, bất động sản đều ghi nhận những kết quả khả quan.
FPT
Tập đoàn FPT (mã FPT) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ trong 9 tháng đầu năm 2024 với những con số tăng trưởng ấn tượng.
Doanh thu đạt 45.241 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 8.111 tỷ đồng, tăng 20%. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ (lãi ròng) ghi nhận 5.762 tỷ đồng, tăng gần 22%, tương đương EPS ở mức 3.945 đồng/cổ phiếu.
Riêng trong quý III/2024, FPT đạt doanh thu 15.903 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.913 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng của FPT trong quý này đạt 2.090 tỷ đồng, tăng hơn 21%, đạt kỷ lục doanh thu và lợi nhuận theo quý từ trước đến nay của doanh nghiệp.
Năm 2024, FPT đã đặt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số, cao nhất từ trước đến nay, với doanh thu dự kiến đạt 61.850 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023, và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, cũng tăng 18%. Với kết quả đạt được sau 9 tháng, FPT đã hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận.
Nestlé Việt Nam
Là công ty hàng đầu trên thế giới về thực phẩm và đồ uống, Nestlé có nhiều hoạt động thể hiện vai trò tiên phong với những cam kết cụ thể về phát triển bền vững, trong bối cảnh toàn cầu phải đối mặt với biến đổi khí hậu, khủng hoảng môi trường và sự cạn kiệt tài nguyên. Tập đoàn vừa tập trung mang lại giá trị cho người tiêu dùng, vừa đặt trọng tâm vào phát triển bền vững và tạo dựng tương lai cho các thế hệ sau.
Nestlé đặt mục tiêu 95% bao bì nhựa mà doanh nghiệp sử dụng có thể tái chế vào năm 2025, tiến tới 100% bao bì tái chế và tái sử dụng. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa của thế giới, từ đó bảo vệ môi trường và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn triển khai nhiều hành động khác như quản lý nguồn nước, đảm bảo rằng nước thải trong quá trình sản xuất được xử lý và tái sử dụng. Doanh nghiệp cũng đảm bảo không phát thải chôn lấp trong quá trình sản xuất. Từ năm 2015, toàn bộ các nhà máy của Nestlé tại Việt Nam đã đạt mục tiêu "Không rác thải chôn lấp ra môi trường".
Acecook Việt Nam
Công ty sản xuất thực phẩm ăn liền theo đuổi sứ mệnh 3H: Happy Consumers, Happy Society, và Happy Employees (hạnh phúc cho người tiêu dùng, xã hội và nhân viên), đặt yếu tố con người làm trọng tâm phát triển, nên đã xây dựng môi trường làm việc để mọi nhân viên đều cảm nhận được sự thấu hiểu, hỗ trợ, truyền cảm hứng phát triển bản thân.
Acecook hiện đang sở hữu 11 nhà máy, 6 chi nhánh trên toàn Việt Nam, mỗi nhà máy đều có chi phí đầu tư lên đến hàng chục triệu USD, với máy móc nhập khẩu hiện đại, các dây chuyền sản xuất có tỷ lệ tự động hoá hơn 90%, năng suất trung bình khoảng 600 gói mì mỗi phút/dây chuyền.
Coca-Cola Việt Nam
Sự kết hợp “công nghệ Nhật Bản, hương vị Việt Nam” đã giúp tạo nên thương hiệu Acecook nổi tiếng như: Mì Hảo Hảo vị tôm chua cay, bún Hằng Nga vị bún mắm hay hủ tiếu Nhịp Sống vị hủ tiếu Nam Vang… 30 năm trên hành trình chinh phục khẩu vị đến trái tim người Việt, Acecook đã tạo ra hàng trăm hương vị sản phẩm mà “cảm hứng” được lấy từ kho tàng ẩm thực không chỉ nội địa mà còn có cả thế giới. Riêng mì ăn liền Hảo Hảo đang là sản phẩm mì ăn liền bán chạy nhất Việt Nam trong nhiều năm.
Coca-Cola Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với ba nhà máy sản xuất đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, cùng một nhà máy đang xây dựng tại Long An, dự kiến sau khi hoàn thành đạt công suất 1 tỷ lít mỗi năm.
Theo công bố của doanh nghiệp, Coca-Cola hiện phục vụ 7 vùng thị trường thông qua 6 trung tâm phân phối và khoảng 800.000 điểm bán. Hiện nay, doanh nghiệp tạo ra 4.000 việc làm trực tiếp. Ngoài ra, Coca-Cola còn gián tiếp tạo ra số lượng việc làm gấp 6 đến 8 lần thông qua các hoạt động trong chuỗi cung ứng của mình. Với những nỗ lực phát triển nguồn nhân lực, liên tục từ năm 2019 đến nay, doanh nghiệp đều được Anphabe đưa vào danh sách "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam".
Coca-Cola đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu gom và tái chế tương đương 100% số lượng chai và lon mà công ty đã bán ra, đồng thời sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong bao bì.
Kể từ khi ra mắt chai Coca-Cola làm từ 100% nhựa tái chế rPET (trừ nắp và nhãn chai) tại Việt Nam vào năm 2022, Coca-Cola đã giảm sử dụng 2.000 tấn nhựa nguyên sinh hàng năm.
Abbott
Abbott tại Việt Nam có hơn 2.200 nhân viên Abbott tại các văn phòng ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và 5 khu vực khác ở khắp 63 tỉnh thành trên cả nước.
Abbott vào Việt Nam từ năm 1995. Hiện, Abbott có 2 nhà máy sản xuất dược phẩm tại Việt Nam. Abbott là một trong những công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới theo danh sách thường niên của tạp chí Fortune từ năm 1984 đến nay. Đồng thời, công ty nàydẫn dầu ngành suốt 11 năm trên bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển Bền vững Dow Jones (DJSI) nhờ những thành quả về môi trường, xã hội và quản trị.
Minh Thành