Cả nước có hơn 18 nghìn công trình cấp nước tập trung nông thôn
Hội nghị toàn quốc công tác nước sạch nông thôn vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế và 63 đơn vị quản lý nước sạch nông thôn trên toàn quốc. Thông tin tại hội nghị, ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết: Tính đến cuối năm 2023, toàn quốc có 74% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn (55% số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung và 19% số hộ sử dụng nước từ cấp nước hộ gia đình).
Trong 7 vùng, vùng Đồng bằng sông Hồng có số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn cao nhất 91,9% so với các vùng khác trên phạm vi toàn quốc. Khu vực Tây Nguyên có số hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất 39,5%.
Vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất trên toàn quốc và đây cũng là những vùng có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung thấp nhất so với các vùng khác và so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.
Mặc dù có 74% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, nhưng tại một số tỉnh vẫn còn tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung rất thấp trên cả nước như: Hà Giang 7,7%; Gia Lai 7,7%; Yên Bái 11,4%; Cao Bằng 12,6%; Lâm Đồng 12,8%; Điện Biên 13,5%.
Giai đoạn 2020-2024, tổng nguồn vốn huy động thực hiện cho cấp nước sạch nông thôn trên 13 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, cả nước có trên 18 nghìn công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho trên 9,3 triệu hộ gia đình nông thôn. Trong đó, đơn vị sự nghiệp quản lý khai thác 1.788 công trình (chiếm 9,9%); doanh nghiệp và tư nhân quản lý khai thác 2.900 công tình (chiếm 16,0%); UBND xã quản lý khai thác 31,5% công trình; cộng đồng quản lý 41,1% công trình và hợp tác xã quản lý 1,6% công trình.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, cấp nước sạch nông thôn vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, hệ thống chính sách về cấp nước chưa được hoàn chỉnh, chưa có Luật về cấp nước, các quy định hiện có chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thống nhất, tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn chưa cao.
Để đạt 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch vào năm 2030 cần nguồn lực đầu tư rất lớn, tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, trong khi chỉ huy động được ở khu vực đồng bằng, tập trung đông dân cư thiếu giải pháp thỏa đáng để thúc đẩy nguồn lực này cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình nước sạch tập trung khu vực nông thôn đa dạng nhưng chưa có quy định cụ thể, thống nhất về mô hình và năng lực đơn vị quản lý khai thác, giá nước thấp, thu không đủ bù chi, thiếu kinh phí hỗ trợ theo quy định... dẫn tới tỷ lệ công trình hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động còn cao, chất lượng dịch vụ thấp.
Nguồn nước ngọt đang ngày càng suy thoái cả về số lượng và chất lượng, biến đổi khí hậu làm gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai, bão, ngập lụt, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn... ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng làm cho nguồn nước cấp cho sinh hoạt không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu, nhiều công trình cấp nước phải hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động do thiếu hụt nguồn nước ngọt ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn, bền vững cho người dân nông thôn.
Sông Hồng