Cà Mau: Đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản
Để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, tỉnh Cà Mau đã ban hành văn bản nhằm định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030.
Vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 88 ngày 22/7/2022 của Chính phủ, Nghị quyết số 10 ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu của kế hoạch, tổ chức điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu tin cậy về địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2025, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 80% diện tích đất liền. Điều tra địa chất, khoáng sản biển tỷ lệ 1:500.000 tại một số khu vực đến độ sâu 300 mét nước.
Đến năm 2030, cơ bản tất cả các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh được điều tra cơ bản địa chất và thăm dò đánh giá trữ lượng để quản lý chặt chẽ và khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn khoáng sản là lợi thế của tỉnh như: Khí đốt, than bùn, tài nguyên đất,... nhằm đảm bảo vệ quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới.
Đến năm 2045, hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đối với diện tích đất liền và tỷ lệ 1:500.000 trên biển. Hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất khác.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau cũng đã ban hành kế hoạch nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 10, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, tập trung nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ gồm: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; thống nhất và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; tổng kết, đánh giá đầy đủ việc thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nội dung về công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; nghiên cứu, hoàn chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý địa chất, khoáng sản từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm thống nhất hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; nghiên cứu cơ chế, đẩy nhanh việc chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Qua đó, nhằm tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong Đảng, trong nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản, về vai trò, vị trí của ngành địa chất và công nghiệp khai khoáng; chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giúp cấp ủy, tổ chức đảng các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị.
Thanh Tùng