“Bức tử” hồ Đá Dựng tại Hà Nội: Những hệ lụy khó lường
Nhiều người dân phản ánh, Hồ Đá Dựng bị một số cá nhân, tổ chức san lấp, lấn chiếm trái phép khiến diện tích mặt nước bị thu hẹp, kèm theo đó là hàng loạt hệ lụy tiêu cực.
Sau khi triển khai tuyến chuyên đề: "Cơn lốc bê tông hóa ao, hồ tại Hà Nội", Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường liên tục nhận được phản ánh của người dân Thủ đô về việc ao hồ tự nhiên bị san lấp, lấn chiếm trái phép. Ao hồ bị "bức tử" khiến cho môi trường sống, không gian sống của người dân địa phương cũng vì thế mà bị "bóp nghẹt".
Có tình trạng “xẻ thịt” hồ Đá Dựng?
Trong loạt bài viết "Hồ Đá Dựng đang bị bức tử", Tạp chí Kinh tế Môi trường đã phần nào phản ánh về việc hồ này bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi hoạt động của con người. Ngoài việc bị ô nhiễm, người dân còn phản ánh, hồ Đá Dựng (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) bị một số cá nhân, tổ chức san lấp, lấn chiếm trái phép khiến diện tích mặt nước bị thu hẹp, kèm theo đó là hàng loạt hệ lụy tiêu cực.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng san, lấp hồ ao, lấn sông, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc này uy hiếp đến sự ổn định, an toàn, khiến các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt, giảm khả năng cấp nước dân sinh.
Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều ao hồ nhất cả nước. Ao hồ có vai trò vô cùng quan trọng trong tạo lập môi trường sống, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và hiệu ứng nhà kính ngày một gia tăng, ao hồ cùng với hệ thống cây xanh quanh hồ được ví như "lá phổi xanh" giúp làm mát, thanh lọc không khí, giảm bụi, giảm tiếng ồn, giảm bức xạ của mặt trời... Do đó, việc đảm bảo diện tích ao hồ của Thủ đô không bị sụt giảm rất quan trọng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền.
Hồ Đá Dựng vốn là hồ thủy lợi, phục vụ công tác điều hòa nước tưới tiêu, môi trường của xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội. Nằm giữa hồ là một đảo nhỏ rộng khoảng 4.000m2, vốn là đất khai hoang trồng keo và các cây trồng rừng, hoàn toàn không có đường nối giữa đảo và các vùng đất quanh hồ.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2021, trên hồ xuất hiện hoạt động xây dựng, kè đá kiên cố quanh đảo ra hơn 2m so với hiện trạng cũ, đồng thời xây dựng một số công trình kiên cố trên mặt hồ và làm một đường nối giữa đất liền với đảo, cắt ngang luồng lưu thông nước chảy.
Các hoạt động xây dựng, san lấp lòng hồ Đá Dựng đã nhiều lần được cư dân sinh sống quanh hồ phản ánh với công an xã, chính quyền xã Tiến Xuân. Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng này vẫn chưa có gì thay đổi.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, bà H. (một hộ dân sinh sống cạnh hồ Đá Dựng) cho biết, do hồ này có vị trí khá đắc địa, giao thông thuận lợi, cũng vì thế mà đất rất có giá trị.
"Có lẽ chính vì thế mà người ta bất chấp pháp luật, tự ý lấn chiếm, san lấp lòng hồ để trục lợi. Mong rằng cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý, trả lại nguyên trạng hồ Đá Dựng", bà H. bức xúc.
Để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng trên, Phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND xã Tiến Xuân và UBND huyện Thạch Thất.
Tại trụ sở UBND xã Tiến Xuân, ông Đinh Công Tuân - Chủ tịch UBND xã lấy lý do bận họp, đồng thời giao Văn phòng UBND xã bố trí cán bộ địa chính trả lời Phóng viên. Tuy nhiên, tại thời điểm đó (chiều 8/2/2023), theo cán bộ Văn phòng UBND xã Tiến Xuân thì cán bộ địa chính không có mặt tại trụ sở.
Trong khi đó, bộ phận văn phòng UBND huyện Thạch Thất cho biết, lãnh đạo huyện đã bố trí cán bộ chuyên trách sắp xếp làm việc và trả lời Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về những vấn đề xoay quanh hồ Đá Dựng. Tuy nhiên, hiện cán bộ chuyên trách có việc bận nên chưa sắp xếp được thời gian trao đổi với phóng viên.
Môi trường bị đe dọa nghiêm trọng
Như đã thông tin trước đó, thời gian gần đây, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường nhận được thông tin phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống xung quanh hồ Đá Dựng (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội) về việc hồ này đang bị "bức tử", ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân địa phương.
Theo bà M. - một hộ dân sống cạnh hồ Đá Dựng, vấn đề ô nhiễm tại hồ đã tồn tại từ rất lâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người dân. Thế nhưng dù nhiều lần phản ánh, cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án xử lý triệt để.
"Chúng tôi rời thành phố về đây sinh sống, những tưởng sẽ được hưởng chút không khí trong lành của vùng quê, an dưỡng sức khỏe tuổi già, thế nhưng ngày ngày phải chịu mùi hôi thối bốc lên từ hồ", bà M. bức xúc.
Bà M. cho biết thêm, trước đây hồ Đá Dựng rất trong xanh, sạch sẽ, người dân còn có thể lấy nước để sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp. Thế nhưng, từ khi xuất hiện trang trại chăn nuôi quy mô lớn, xả thải trực tiếp ra hồ mà không qua xử lý đã khiến hồ Đá Dựng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ông H. - một hộ dân sinh sống bên hồ Đá Dựng cho hay, không chỉ hệ sinh thái hồ Đá Dựng bị "bức tử", trang trại chăn nuôi nói trên còn khiến không khí xung quanh bị ỗ nhiễm.
"Mỗi lần trang trại chăn nuôi bật quạt thông gió (khoảng 17 - 19h) là cả một khu vực rộng lớn xung quanh phải hứng chịu mùi hôi thối đến ngạt thở. Chúng tôi đã có ý kiến lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn tái diễn", ông H. nói.
Ông Đinh Hồng Quân - Trưởng thôn 6, xã Tiến Xuân cho biết, nguyên nhân hồ Đá Dựng bị ô nhiễm chủ yếu là do quá trình chăn nuôi của hộ gia đình ông Đinh Văn Hiệu.
Cụ thể, ông Hiệu sở hữu 2 trang trại chăn nuôi vịt có diện tích khoảng 1ha. Trước đây, ông Hiệu chăn nuôi vịt kết hợp với một công ty nên dùng cám của doanh nghiệp này. Hiện tại, ông Đinh Văn Hiệu ủ thêm cá để làm thức ăn cho vịt. Chính hộ ông Hiệu đã xả thải trong quá trình chăn nuôi qua một cái ao nối trực tiếp với hồ Đá Dựng, khiến hồ chuyển màu đen và bốc mùi.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, những năm qua các chính sách cụ thể nhằm cải tạo và bảo vệ ao hồ vẫn chưa thực sự hiệu quả. Kết quả là nhiều ao hồ còn bị ô nhiễm, tiếp tục bị lấn chiếm. Thậm chí đến bây giờ vẫn bị lấn chiếm mà chưa có phương án để giải quyết dứt điểm.
"Phải mặc lại áo cho ao, hồ. Nói cụ thể hơn là cần phải quan tâm hơn, bảo vệ ao hồ không bị ô nhiễm, cải tạo lại tránh để nhếch nhác đến khuôn mặt của ao hồ, cũng là của chung thành phố. Bởi giá trị của ao hồ là vô cùng lớn lao đối với người dân. Ao hồ như những "lá phổi" của thành phố", ông Đăng nhấn mạnh.
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Hoàng Hải - Hà Nam