Thứ sáu, 26/04/2024 15:14 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/07/2022 12:38 (GMT+7)

BR-VT: Các dự án trọng điểm đối mặt với thực trạng thiếu vật liệu trầm trọng

Theo dõi KTMT trên

Nhiều dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh BR-VT đã và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn vật liệu san lấp, đắp nền dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ.

Vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) đã có báo cáo về tình hình nguồn cung vật liệu xây dựng khan hiếm, trong khi tỉnh đang khởi động cùng lúc nhiều dự án trọng điểm về giao thông.

Theo đó, chỉ riêng về nhu cầu sử dụng vật liệu cho các dự án trọng điểm như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Vành đai 4 TP. HCM, đường ven biển ĐT994, tuyến kết nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn từ quốc lộ 56 đến vòng xoay đường 3/2 và 2/9, dự án Trung tâm logistics Cái Mép hạ...  đã cần khoảng 4,533 triệu m3/144,820 triệu m3 quy hoạch khai thác và dự trữ, đảm bảo nhu cầu về sử dụng đá xây dựng cho các công trình; Khoảng 1,113 triệu m3/5,450 triệu m3 quy hoạch khai thác và dự trữ, đảm bảo nhu cầu về sử dụng cát xây dựng cho các công trình (cát xây dựng chủ yếu dùng để phối trộn cấp phối bê tông và xây tô dùng cho công trình xây dựng dân dụng); Nhu cầu về vật liệu san lấp (đất và cát san lấp) khoảng 79,466 triệu m3/14,950 triệu m3 quy hoạch khai thác và dự trữ.

BR-VT: Các dự án trọng điểm đối mặt với thực trạng thiếu vật liệu trầm trọng - Ảnh 1
Nhiều điểm mỏ tại BRVT đã hết hạn khai thác khiến việc thiếu vật liệu của các dự án càng thêm trầm trọng

Theo tính toán của Sở Xây dựng tỉnh BR-VT, với khả năng cung ứng hiện nay, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp (đất và cát san lấp) của các công trình giao thông trọng điểm hiện nay còn thiếu khoảng 64,516 triệu, chủ yếu là thiếu hụt về vật liệu san lấp. Trong đó, chỉ riêng dự án Trung tâm logistics Cái Mép hạ cần khoảng 60 triệu m3 vật liệu san lấp.

Cũng theo Sở Xây dựng, hiện nay một số điểm mỏ trên địa bàn tỉnh BR-VT đã khai thác hết công suất và đang lập thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định. Một số khu vực không còn phù hợp sử dụng để khai thác khoáng sản được UBND tỉnh BR-VT chấp thuận chuyển đổi công năng. Các khu vực có trữ lượng khai thác thấp được một số địa phương đề xuất loại khỏi quy hoạch khoáng sản.

Việc này đã làm giảm các chỉ tiêu về trữ lượng vật liệu san lấp. Cụ thể, trữ lượng vật liệu san lấp giảm khoảng 18,492 triệu m3, đá xây dựng giảm khoảng 66,874 triệu m3 và cát xây dựng giảm khoảng 4,037 triệu m3. Kèm theo không có đề xuất bổ sung các khu vực, điểm mỏ mới đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh, đặc biệt là vật liệu san lấp.

Ban Quản lý các dự án  tỉnh BR-VTcũng cho biết, việc khan hiếm vật liệu đã khiến giá vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua, riêng vật liệu san lấp tăng từ 2,5-5%. Từ đó ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh BR-VT cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 27 giấy phép khai thác đá, cát xây dựng và vật liệu san lấp còn hiệu lực. Trong đó, có 15 giấy phép khai thác đá đang khai thác, với công suất gần 5 triệu m3/năm, trữ lượng còn khoảng hơn 100 triệu m3.

Về cát xây dựng còn 2 giấy phép đang còn hiệu lực, với diện tích hơn 21ha, trữ lượng gần 686.000m3 và công suất khai thác là 65.000 m3/năm. Về vật liệu xây dựng san lấp hiện còn 2 giấy phép đang khai thác, với trữ lượng hơn 778 ngàn m3/năm và công suất khai thác là 80.000 m3/năm.

Trước tình trạng thiếu nguồn cung về vật liệu san lấp cho các dự án, Sở Xây dựng đã có kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh, trước mắt, giai đoạn đến năm 2030, tiếp tục quản lý khai thác tốt đối với các khu vực, điểm mỏ vật liệu san lấp đã được cấp giấy phép khai thác, đồng thời khẩn trương thực hiện các thủ tục kêu gọi, đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các điểm mỏ còn lại để đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Để chuẩn bị cho giai đoạn 2031-2050, cần tiếp tục tìm kiếm, thăm dò các khu vực khoáng sản làm vật liệu san lấp mới để bổ sung vào Phương án thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Sở Xây dựng cũng đề xuất thêm một số giải pháp bù đắp và thay thế nguồn vật liệu san lấp đang thiếu hụt. Cụ thể, đối với đất đắp nền đường các dự án giao thông, có thể linh hoạt tận dụng vật liệu đất hiện có dọc theo tuyến công trình hoặc khu vực lân cận.

Ngoài ra, cũng cần khảo sát nguồn cát nhiễm mặn ngoài biển ở những vùng xa bờ, ngoài phạm vi sóng vỗ, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy, đường bờ và hoạt động du lịch dọc bờ biển để đưa vào quy hoạch khai thác.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu sở TN&MT rà soát, đánh giá lại trữ lượng tại các mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh để có báo cáo cụ thể với UBND tỉnh. Ông cũng giao Sở Xây dựng, Sở GTVT và các địa phương thống kê lại nhu cầu sử dụng vật liệu của các dự án trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đến ngày 25-7 phải báo cáo lại Sở TN&MT tổng hợp báo cáo.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở TN&MT báo lại để tỉnh có kế hoạch về vật liệu cho thời gian tới đối với các dự án chuẩn bị khởi công cuối năm 2022 và dự kiến năm 2023, nhất là các dự án trọng điểm sắp khởi công đến năm 2025.

Vấn nạn “cát tặc” càng làm trầm trọng thêm việc thuế vật liệu

Trong khi cơ quan chức năng đang tìm mọi cách để gia tăng khối lượng nguồn vật liệu xây dựng thì tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, “cát tặc” vẫn ngang nhiên lộng hành gây là nhiều hệ lụy cho môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.

BR-VT: Các dự án trọng điểm đối mặt với thực trạng thiếu vật liệu trầm trọng - Ảnh 2
Cát tặc ngang nhiên hoành hành tại huyện Đất Đỏ thời gian vừa qua.

Mới đây, ngày 17/07, trong quá trình tuần tra tại vùng biển BR-VT, đoàn liên ngành Đồn Biên phòng Bến Đá phối hợp với Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) miền Nam, Cục PCMT&TP Bộ đội biên phòng và Phòng PCMT&TP Bộ đội biên phòng BR-VT đã phát hiện và tiến hành kiểm tra 4 phương tiện gồm: HP 4006 do ông Trương Văn Nghề (sinh năm 1985, trú tại xã Minh Hòa, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) làm thuyền trưởng đang vận chuyển khoảng 280m3 cát nhiễm mặn; HP 4265 do ông Nguyễn Văn Nghĩa (sinh năm 1983, trú tại xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) làm thuyền trưởng đang vận chuyển khoảng 270m3 cát nhiễm mặn; SG 7711 do ông Trần Văn Sơn (sinh năm 1984, trú tại xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BR-VT) làm thuyền trưởng đang vận chuyển khoảng 260m3 cát nhiễm mặn; SG 9183 do ông Nguyễn Văn Nhật (sinh năm 1981, trú tại xã Quang Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) làm thuyền trưởng đang vận chuyển khoảng 260m3 cát nhiễm mặn.

Tại thời điểm kiểm tra, 4 người điều khiển phương tiện trên không xuất trình đầy đủ giấy tờ của phương tiện, của thuyền viên hoặc người lái phương tiện và không xuất trình được giấy tờ liên quan đến 1.070m3 cát nhiễm mặn đang vận chuyển trên 4 phương tiện. Đồn Biên phòng Bến Đá đã ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm để làm rõ vụ việc.

Trước đó một ngày, Công an huyện Đất Đỏ cho biết đơn vị này đang phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xác minh, điều tra vụ khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Láng Dài.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đất Đỏ, ông T.Đ.V có nhu cầu làm đường trên đất thuộc xã Láng Dài nên thuê Nguyễn Quang Thương (44 tuổi, còn gọi là Thoại, ngụ huyện Đất Đỏ) thi công.

Trong quá trình thi công, Thương đã dùng xe cuốc múc cát trên đất của ông V. rồi cho xe ben chở về bãi chứa của mình mình trên quốc lộ 55 thuộc xã Phước Long Thọ, cách nơi khai thác gần 4km. Sau khi khai thác cát trái phép, Thương dùng đất, đá tạp đổ vào khu vực hố khai thác rồi lấy cát phủ lên để xoá dấu vết. Khối lượng ước tính tại bãi chứa trên quốc lộ 55 có đến hàng ngàn khối cát.

Phát hiện vụ khai thác cát trái phép, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đất Đỏ phối hợp cùng công an huyện này đã lập biên bản tạm giữ 1 xe cuốc và 1 xe ben tại hiện trường. Khai nhận ban đầu với lực lượng chức năng, Thương đã thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép tại khu vực đất của ông V.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết BR-VT: Các dự án trọng điểm đối mặt với thực trạng thiếu vật liệu trầm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới