Thứ bảy, 23/11/2024 05:26 (GMT+7)
Thứ năm, 04/06/2020 08:46 (GMT+7)

'Bơm' hàng chục nghìn tỉ cho vay dự án BOT-BT, ngân hàng có ưu ái doanh nghiệp 'ruột'?

Theo dõi KTMT trên

Chỉ trong 2 năm (2018-2019), 3 ngân hàng lớn BIDV, Vietinbank, Vietcombank đã giải ngân hàng chục nghìn tỉ đồng cho vay đầu tư xây dựng các dự án BOT, BT, bất chấp những cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về nguy cơ khó thu hồi vốn, gây nợ xấu rất lớn.

'Bơm' hàng chục nghìn tỉ cho vay dự án BOT-BT, ngân hàng có ưu ái doanh nghiệp 'ruột'? - Ảnh 1
Các ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank mạnh tay cho vay với các dự án BOT, BT giao thông.

Nhiều rủi ro khó lường

Theo báo cáo gửi lên các đại biểu Quốc hội vào tháng 10/2019, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã cảnh báo nguy cơ rủi ro khi quy mô tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông đến tháng 9/2019 ước tính tăng 1,85%, chiếm 1,4% tổng dư nợ của hệ thống. Số dư nợ được cập nhật vào tháng 3/2019 là 1,39% tổng dư nợ, ước tính khoảng 103.573 tỉ đồng.

Thống đốc bày tỏ lo ngại trước tình trạng nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với khoảng 53.000 tỉ đồng dư nợ có nguy cơ phải cơ cấu lại, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.

Nguy cơ “vỡ kế hoạch tài chính” giờ đã trở thành hiện thực. Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT hạ tầng giao thông chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cũng gỡ thế khó cho chính Bộ này. Tính đến ngày 22/4/2020, 58/60 dự án thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT có doanh thu thực tế thấp hơn so với mức đưa ra trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án chưa đạt 50% so với doanh thu đề ra.

Nguyên nhân là do chính sách giá khi điều hành kinh tế vĩ mô (miễn, giảm phí; chưa tăng phí theo lộ trình), ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu đi lại giảm mạnh… dẫn đến doanh thu phí rất thấp, thiếu nguồn trả nợ. Thậm chí, nếu phải bù thêm kinh phí để trả nợ đúng kế hoạch cho các ngân hàng trong khi doanh thu thực tế quá thấp thì doanh nghiệp rất khó khăn, không có nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì công trình dự án, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống ngân hàng...

Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ, cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án BOT giao thông, giảm lãi vay…

Tuy nhiên, tình trạng khó khăn trong kinh doanh khai thác dự án BOT và bế tắc về nguồn thu trả nợ của nhà đầu tư đã lộ ra từ lâu.

Thời điểm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo rủi ro khi các ngân hàng thương mại “bơm” vốn rất lớn cho vay ở dự án BOT, BT giao thông trong giai đoạn tăng trưởng nóng. Riêng 4 ngân hàng lớn gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank và SHB có dư nợ tín dụng ở phân khúc này tăng nhanh và lớn nhất, chiếm tới 91% dư nợ. Đến hết tháng 7/2019, dư nợ cho vay BOT, BT giao thông đã giảm xuống còn 99 nghìn tỉ đồng và buộc phải giảm tiếp do NHNN yêu cầu các TCTD siết chặt vốn cho vay lĩnh vực này.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư dự án có năng lực tài chính yếu kém, vốn mỏng (chỉ có vốn góp chiếm 10-15%), các dự án trúng thầu thiếu minh bạch, quản lý rủi ro không tốt, hiệu quả không rõ ràng… Hơn nữa, các dự án BOT, BT giao thông có đặc thù là vòng đời dự án dài tới 15-20 năm, trong khi nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn đã tiềm ẩn rủi ro “vỡ kế hoạch tài chính”, gây nợ xấu lớn. Hệ quả là, đã có khoảng 30 dự án BOT đang trong tình trạng không đảm bảo doanh thu để trả nợ cho ngân hàng, khiến nhiều chủ nhà băng như “ngồi trên đống lửa”.

Hào phóng cho vay BOT-BT rồi “sa lầy” nợ xấu

Theo tìm hiểu của Kinh tế Môi trường, hàng loạt doanh nghiệp đầu tư dự án BOT, BT giao thông đã huy động lượng vốn rất lớn của ngân hàng, để rồi nhanh chóng gặp bế tắc về nguồn thu trả nợ.

Đáng kể là Công ty cổ phần TASCO (mã: HUT) là “trùm” của nhiều dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT, BT, BOO với nhiều tuyến đường huyết mạch, trạm thu phí tự động trên toàn quốc, các dự án bất động sản lớn… Nhưng “miếng bánh” BOT không còn dễ xơi như tính toán ban đầu khi 3/5 trạm thu phí BOT của TASCO không thu được phí, ảnh hướng lớn tới dòng tiền và hiệu quả hoạt động, phá vỡ phương án tài chính và dự báo của công ty trong năm 2018.

Giờ đây TASCO đang “oằn mình” trả khối nợ vay dài hạn để làm các dự án BOT, BT giao thông lên tới 4.438 tỉ đồng. Cụ thể, dư nợ vay BIDV là 1.980 tỉ đồng (chưa kể 567 tỉ đồng cho vay dự án thu phí không dừng), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (567 tỉ đồng), Vietcombank (1.892 tỉ đồng). Nguồn thu trả nợ là từ doanh thu của trạm thu phí theo hợp đồng BOT mà giờ chẳng thấm vào đâu.

Trước đó, BIDV đã “hào phóng” duyệt cho TASCO và Công ty TNHH MTV TASCO Quảng Bình hạn mức vay tối đa 1.531 tỉ đồng trong vòng 19,5 năm để xây dựng dự án nâng cấp mở rộng QL 1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình. Ngân hàng còn cấp hạn mức 435,7 tỉ đồng cho dự án tuyến tránh đường 39B (tỉnh Thái Bình), hạn mức 970 tỉ đồng cho dự án đường Lê Đức Thọ-đường 70, hạn mức 1.275 tỉ đồng cho dự án trạm thu phí không dừng.

Còn Vietcombank cấp hạn mức vay 2.333 tỉ đồng cho TASCO trong 18 năm để xây dựng dự án BOT nâng cấp QL10 (Hải Phòng) trong bối cảnh doanh nghiệp “ôm” quá nhiều dự án vượt khả năng tài chính.

Tổng hạn mức tín dụng của 2 ngân hàng dành cho TASCO lên tới hơn 6.545 tỉ đồng, vượt gấp đôi vốn chủ sở hữu công ty.

Trong khi đó, lợi nhuận hàng năm của công ty chỉ ở mức 300-400 tỉ đồng mỗi năm. Đến năm 2018-2019, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 66 tỉ đồng và 45 tỉ đồng, riêng quý 1/2020 lãi 5,4 tỉ đồng.

Chưa rõ, ban lãnh đạo TASCO sẽ tìm nguồn ở đâu để trả cho các ngân hàng với dư nợ vay đầu tư dự án BOT, BT lên tới 4.506 tỉ đồng (chưa kể 854 tỉ đồng vay cho dự án thu phí tự động không dừng, tính đến cuối tháng 3/2020)?

'Bơm' hàng chục nghìn tỉ cho vay dự án BOT-BT, ngân hàng có ưu ái doanh nghiệp 'ruột'? - Ảnh 2
Khi nhà đầu tư dự án BOT “vỡ phương án tài chính”, chưa rõ lãnh đạo Vietinbank làm cách nào để thu hồi nợ?

Không chỉ TASCO, nhiều ngân hàng cũng đang “ngồi trên đống lửa” sau khi giải ngân cho các dự án của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả. Chưa rõ ngân hàng đánh giá tính khả thi của dự án, nguồn thu trả nợ ra sao để thu hồi nợ? Đến cuối tháng 3/2020, Công ty Đèo Cả có dư nợ vay tới 18.724 tỉ đồng tại Vietinbank - CN Hà Nội và 964,7 tỉ đồng tại VietAbank.

Trong giai đoạn 2013-2015, Vietinbank đã tài trợ vốn cho các dự án BOT, BT giao thông, công trình đường bộ của Công ty Đèo Cả với tổng hạn mức tín dụng lên tới 33.177 tỉ đồng. Đơn cử, Vietinbank duyệt hạn mức vay 10.169 tỉ đồng cho công ty này để đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn theo hình thức BOT, trong vòng 17 tháng, tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền thu phí, tài sản phát sinh theo hợp đồng dự án BOT.

Tại dự án BOT xây hầm đường bộ qua Đèo Cả- QL1 (tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà), năm 2013, Công ty Đèo Cả được Vietinbank cấp hạn mức 5.420 tỉ đồng, trong thời gian 15 năm.

Vào đầu năm 2013, Vietinbank còn cấp hạn mức tín dụng 4.359 tỉ đồng cho Công ty Đèo Cả để thực hiện các dự án giao thông theo hợp đồng BOT, BT kí với Bộ GTVT, nguồn trả nợ là từ từ ngân sách Nhà nước…

Được biết, Vietinbank – CN Hà Nội thời điểm cuối năm 2013 bất ngờ thay Giám đốc chi nhánh, lãnh đạo cũ được bổ nhiệm chức vụ cao hơn ở Hội sở, thay vào đó lần lượt các: ông Vũ Trung Thành, ông Nguyễn Đình Vinh (07/2014 – 30/7/2015), ông Nguyễn Trần Mạnh Trung (từ tháng 7/2015 đến nay) làm Giám đốc Vietinbank chi nhánh Hà Nội.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Vietinbank lại “ưu ái” cấp hạn mức vay hàng chục nghìn tỉ đồng cho Công ty Đèo Cả (năm 2013 có tên cũ là Công ty cổ phần quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân) khi mà công ty chỉ có vốn điều lệ hồi năm 2014 là 31,6 tỉ đồng, tổng tài sản gần 124 tỉ đồng? Sau đó, ngân hàng này mạnh tay giải ngân cho vay rất lớn, có thời điểm dư nợ vượt hơn 19 nghìn tỉ đồng bất chấp rủi ro tập trung tín dụng quá mức vào một nhóm khách hàng.

Công ty Đèo Cả đã gặp khó khăn về nguồn thu. Trong 3 năm (2017-2019), doanh thu chỉ đạt 433 tỉ đồng, 395 tỉ đồng và 477 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng rất thấp chỉ 12,4 tỉ đồng, 13,2 tỉ đồng và tăng vọt lên 155 tỉ đồng vào năm 2019… Nhưng tổng nợ phải trả của công ty đến cuối tháng 3/2020 lên tới 22.964 tỉ đồng, trong đó nợ vay dài hạn chiếm hơn 86%.

Các ngân hàng giờ đây vẫn loay hoay xử lý khối nợ “khủng” phát sinh trong giai đoạn 2017-2019, mà nợ xấu cũng không hề nhỏ. Báo cáo cho thấy, nợ xấu của VietinBank tăng rất nhanh trong giai đoạn này, lên tới đỉnh hơn 15.962,2 tỉ đồng vào cuối quý 1/2019, nợ có nguy cơ mất vốn hơn 7.000 tỉ đồng. Nợ xấu tăng cao, khó thu hồi đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi nhuận của Vietinbank, sụt giảm tới 50%...

Tình cảnh hẩm hiu của các dự án BOT, BT đã để lại gánh nặng nợ vay hàng trăm nghìn tỉ đồng cho hệ thống ngân hàng. Liệu rằng ban lãnh đạo Vietinbank, BIDV, Vietcombank… sẽ thu hồi nợ của các khách hàng “ruột” ra sao, để đảm bảo không bị thiệt hại, mất vốn nhà nước?

Hải Hà

Bạn đang đọc bài viết 'Bơm' hàng chục nghìn tỉ cho vay dự án BOT-BT, ngân hàng có ưu ái doanh nghiệp 'ruột'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới