Boeing nỗ lực áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường
Mới đây, Boeing đã giới thiệu những nỗ lực nhằm tăng cường hiệu suất trên máy bay của mình, khi hàng không toàn cầu đối mặt với áp lực chính trị ngày càng tăng nhằm cắt giảm lượng khí thải và các yếu tố về môi trường.
Theo Reuters, nhà sản xuất máy bay của Mỹ chỉ là một trong số nhiều công ty trong ngành đang nỗ lực làm cho các sản phẩm của mình thân thiện hơn với môi trường, mặc dù vẫn còn tranh cãi về tốc độ áp dụng công nghệ mới.
Tại sự kiện mới đây của Boeing, máy bay biểu diễn 737 MAX 9 của Alaska Airlines được trang bị những nâng cấp tiềm năng như đèn cảnh báo giảm lực cản và vách ngăn cabin làm từ sợi carbon tái chế.
“Những cải tiến của chúng tôi đi kèm với rất nhiều thứ nhỏ cùng một lúc”, Phó Chủ tịch Phát triển Sản phẩm của Boeing, Mike Sinnett nói với các nhân viên Boeing, các quan chức trong ngành và Chính phủ cũng như giới truyền thông.
Theo thống kê, ngành hàng không tạo ra tới 3% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu và đóng góp 12% lượng khí thải của ngành vận tải. Nó đã cam kết giảm lượng khí thải carbon ròng xuống 50% mức của năm 2005 vào năm 2050.
Hãng Airbus của Châu Âu năm ngoái đã công bố kế hoạch phát triển một chiếc máy bay chạy bằng khí hydro từ năm 2035. Đây là nỗ lực mới nhất của nhà sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu nhằm thu hút sự chú ý của công chúng đến tham vọng "không phát thải" khi các Chính phủ châu Âu đang thúc đẩy công nghệ sạch hơn trong kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Ngược lại, Boeing đã nhấn mạnh đến việc mở rộng sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), được làm từ các nguyên liệu thô như dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật, mặc dù không loại trừ những bước nhảy vọt về công nghệ.
Sinnett nói rằng: “Tập trung vào SAF thực sự quan trọng vì có hàng nghìn máy bay đã bay. Chúng tôi sẽ phải mở rộng việc sử dụng nhiên liệu bền vững, đồng thời coi hydro và các công nghệ khác là một cuộc chơi lâu dài hơn”.
Boeing đã hứa rằng đội bay của họ sẽ bay bằng 100% nhiên liệu hàng không bền vững vào năm 2030.
Minh họa quy mô và thách thức mà ngành công nghiệp máy bay phải đối mặt, vào năm 2020, hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đã cung cấp các máy bay phản lực ước tính chịu trách nhiệm về tổng lượng khí thải tương đương 600 triệu tấn CO2 trong suốt thời gian tồn tại của chúng, một con số bị giảm sút do lượng giao hàng thấp hơn trong đại dịch Covid-19.
Máy bay 737 MAX 9 của Boeing, cấu hình mới nhất trong chương trình thử nghiệm kéo dài hàng thập kỷ sẽ bay đến Glasgow trước Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng 11, một nguồn tin cho hay.
Nguyễn Luận