Thứ sáu, 26/04/2024 16:01 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/09/2021 15:40 (GMT+7)

Tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư

Theo dõi KTMT trên

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.

Nhiều chung cư xảy ra tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại

Theo Bộ Xây dựng, những năm gần đây, nhu cầu về nhà ở tăng cao, xu hướng ở nhà chung cư ngày càng phát triển. Tại nhiều địa phương, việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư của một số chủ đầu tư, Ban quản trị (BQT) nhà chung cư đã bước đầu đi vào nền nếp theo quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng khẳng định, nhiều chủ đầu tư, BQT nhà chung cư quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư (kinh phí bảo trì) không chấp hành hoặc chấp hành nhưng không đầy đủ theo quy định.

Tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư - Ảnh 1
Nhiều tòa chung cư tại Hà Nội chưa thành lập BQT và chậm bàn giao quỹ bảo trì 2% dẫn tới những khiếu kiện của cư dân kéo dài. (Ảnh minh họa)

Do đó, dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài. Tại nhiều khu chung cư, người dân phản ứng quyết liệt với chủ đầu tư, căng băng rôn tại tòa nhà, cơ quan quản lý nhà nước và cấp chính quyền..., gây mất mỹ quan đô thị, tạo ra dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương.

Đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ tập trung thanh tra đối với nhiều chủ đầu tư và BQT nhà chung cư xảy ra tranh chấp gay gắt, có biểu hiện không chấp hành các quy định của pháp luật... Theo đó, Bộ Xây dựng đã tổng kết có 7 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại gay gắt, kéo dài.

Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng nhà chung cư

Nhằm chấn chỉnh và giải quyết tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, tổ chức và cá nhân liên quan phổ biến, tuyên truyền pháp luật về nhà ở. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, nhất là chú trọng đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì.

Tại Chỉ thị số 02, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp cơ quan Công an trên địa bàn xử lý đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định. Kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế, xử lý nghiêm chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì cho BQT theo quy định tại Nghị định 99 - Bộ Xây dựng yêu cầu.

Các địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ nội dung tại Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Sở Xây dựng các địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thanh tra chuyên ngành về nhà ở tại địa phương. Trong đó, tăng cường thanh tra quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các nhà chung cư.

Ngoài ra, khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định. Những trường hợp phức tạp cần liên hệ với Thanh tra Bộ Xây dựng để được hướng dẫn nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành.

Về phía UBND cấp Quận, huyện, cần kiểm tra việc quản lý, sử dụng nhà chung cư, nhất là kinh phí bảo trì; Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định nếu có. Khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của BQT nhà chung cư cần khẩn trương kiểm tra, sớm ban hành quyết định công nhận.

Tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư - Ảnh 2
Bộ Xây dựng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến quản lý và sử dụng nhà chung cư. (Ảnh minh họa)

Chủ đầu tư có trách nhiệm mở 1 tài khoản thanh toán tại 1 tổ chức tín dụng để gửi có kỳ hạn đối với mỗi một dự án đầu tư xây dựng nhà ở có nhà chung cư để nhận kinh phí bảo trì do người mua, thuê mua nhà ở, phần diện tích khác và chủ đầu tư nộp theo quy định.

Sau khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng địa phương biết về tên tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền.

Khi BQT được thành lập thì chủ đầu tư phải bàn giao ngay kinh phí bảo trì cho BQT theo quy định và có trách nhiệm đóng tài khoản đã lập và thông báo bằng văn bản cho Sở Xây dựng. Việc sử dụng kinh phí bảo trì phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch.

Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu. Trường hợp tổ chức không thành công thì trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức họp hội nghị được ghi trong thông báo mời họp, chủ đầu tư phải có văn bản đề nghị chính quyền cơ sở nơi có nhà chung cư để tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu...

Bộ Xây dựng cũng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm, như: Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; Lấn chiếm không gian và phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư...

BQT nhà chung cư cũng phải có trách nhiệm mở tài khoản để nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung do chủ đầu tư bàn giao; Quản lý và phối hợp với chủ đầu tư để lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì; Sử dụng kinh phí bảo trì bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch...

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới