Thứ sáu, 26/04/2024 13:30 (GMT+7)
Thứ tư, 25/11/2020 10:47 (GMT+7)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Giảm thiểu chất thải nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Việc giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020 (SEA of Solutions 2020) diễn ra sáng 24/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa không bền vững đã trở thành một mối đe dọa to lớn đối với hệ sinh thái và môi trường trên đất liền, khu vực ven biển cũng như đại dương của chúng ta.

Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Giảm thiểu chất thải nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Theo Bộ trưởng, vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam thời gian qua đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực, điển hình như:

Thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa.

Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Bên cạnh đổi mới về chính sách, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam cũng tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ và lần đầu tiên thiết lập một cơ chế đối tác cho phép doanh nghiệp sản xuất và cơ quan chính phủ hợp tác trong giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.

Tại Hội nghị lần này, Bộ trưởng gợi mở một số nội dung mang tính giải pháp cụ thể và mong muốn các đại biểu tham dự sẽ đóng góp các ý kiến chuyên môn, kinh nghiệm của các quốc gia, tổ chức của mình để từ đó hội nghị sẽ đưa ra những hành động với tinh thần quyết liệt và cấp bách để giải quyết vấn đề môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng như hiện nay.

Trong đó, sẽ thiết lập khuôn khổ pháp lý và thể chế, trước hết ở phạm vi quốc gia về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất các sản phẩm nhựa; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về nhựa và vi nhựa, chuyển đổi ngành sản xuất nhựa theo hướng bền vững, đảm bảo thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; Tăng cường phát động các phong trào sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm về nhựa; Tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của nhà sản xuất và người tiêu dùng đối với các sản phẩm nhựa…

“Tôi mong rằng, Hội nghị năm nay sẽ có nhiều đổi mới, mang tính đột phá và đạt được những kết quả thiết thực, tìm ra nhiều giải pháp thiết thực có thể chuyển thành các hành động cụ thể, đồng thời sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực các Biển Đông Á trong các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu có tính hết sức cấp bách này” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Giảm thiểu chất thải nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách - Ảnh 2
Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách trên toàn cầu. (Ảnh minh họa: Internet)

Hội nghị SEA of Solutions là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa tại nguồn do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Cơ quan Điều phối về các Biển Đông Á (COBSEA) phối hợp tổ chức thông qua dự án SEA Circular do Chính phủ Thụy Điển tài trợ.

Việt Nam được UNEP tin tưởng lựa chọn là quốc gia đóng vai trò đồng chủ trì cùng với UNEP và COBSEA tại Hội nghị SEA of Solutions 2020.

Với chủ đề chính là "Giảm thải nhựa và bảo vệ đại dương khỏi nhựa – Những bước tiến đến nay", mục tiêu của Hội nghị là hợp nhất giữa các bên tìm kiếm và nhà cung cấp trong các giải pháp công nghệ, thương mại và chính sách chuyển đổi thị trường, cho phép kết nối giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị nhựa để tạo điều kiện trao đổi thông tin, hợp tác và quan hệ đối tác nhằm giảm thiểu việc sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng bao bì thay thế và tăng cường thu gom để tái chế.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 3 ngày, từ ngày 24 - 26/11 với 4 phiên toàn thể bao gồm: Phiên 1 – Phiên khai mạc “Đại dịch nhựa: Liệu có khả năng thải ít nhựa hơn, thậm trí trong COVID-19 không?”;

Phiên 2 - Tài trợ để cải thiện tốt hơn: rủi ro và cơ hội đầu tư vào ô nhiễm nhựa và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương;

Phiên 3 - Phiên họp cấp cao: “Một ASEAN gắn kết và thích ứng" do Việt Nam chủ trì;

Phiên 4 – Phiên bế mạc “Tuyên bố chung: Mở rộng quy mô các cam kết để tạo ra bước tiến lớn” cùng với 10 phiên thảo luận song song và 1 Phiên thảo luận kỹ thuật tại Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác chống rác thải nhựa trên biển tại Việt Nam”.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Giảm thiểu chất thải nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới