Thứ bảy, 20/04/2024 20:46 (GMT+7)
Thứ ba, 13/07/2021 22:09 (GMT+7)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Lưu thông hàng hóa để đảm bảo chuỗi sản xuất cho TP.HCM'

Theo dõi KTMT trên

Tại cuộc họp giữa Bộ GTVT và UBND 19 tỉnh khu vực phía Nam chiều ngày 13/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định phải lưu thông hàng hóa để đảm bảo chuỗi sản xuất cho TP.HCM.

Chiều ngày 13/7/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tiếp tục chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GTVT và UBND 19 tỉnh khu vực phía Nam (TP.HCM, các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ và lân cận) để bảo đảm vận tải hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tham dự cuộc họp còn có đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải..

Trước tình hình TP.HCM và một số địa phương khu vực phía Nam đã giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16, hiện nay nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra đó là vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế, nhu yếu phẩm cho người dân, không để đứt gẫy lưu thông hàng hóa…

Giao thông thông thoáng

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), sau gần 1 tuần triển khai thực hiện Công điện số 914 của Thủ tướng chính phủ và chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng Cục đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị của Tổng cục tiếp tục bám sát và phối hợp chặt chẽ với lực lượng của các địa phương để thực hiện điều tiết, phân luồng đảm bảo không để xảy ra ùn tắc giao thông. Tổng cục đã chỉ đạo Cục QLĐB IV phối hợp với các Sở GTVT bố trí tháo dỡ dải phân cách, lắp đặt biển báo, hoàn trả bê tông nhựa để quay đầu xe nên hạn chế tối đa việc ùn tắc giao thông tại các Chốt kiểm soát trên QL22 (Tây Ninh), QL1 (Long An), QL 1K (Đồng Nai). Các bất cập, tồn tại (gồm: bố trí làn cho luồng xanh, chỗ quay đầu xe cho các chốt, biển báo, cử thêm người để điều tiết giao thông, miễn phí xe quay đầu trên cao tốc,......) đã được chỉ đạo ngay và giải quyết kịp thời.

Đánh giá chung tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đi/đến TP.HCM kể từ ngày thực hiện Chỉ thị 16 (ngày 09/7) đến nay cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trong 2 ngày đầu tiên, tại một số chốt kiểm soát có xảy ra tình trạng ùn ứ do xe vận chuyển nhu yếu phẩm tăng cao, thời gian xảy ra ngắn và không kéo dài

19.000 phương tiện được cấp QR CODE

Theo thông tin từ đồng chí Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đến hết ngày 12/7/2021, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức tiếp nhận và cấp mã QR CODE thông hành cho gần 19.000 lượt xe đăng ký/ 25 đơn vị. Hiện nay, theo thống kê đã có 6 địa phương đã đăng ký với Sở GTVT TP.HCM để cấp giấy gồm: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang và An Giang. Trong 1, 2 ngày đầu giãn cách  vẫn còn có câu chuyện ách tắc giao thông, nhưng đến ngày 11/7 thì trên căn cứ đề nghị của các tỉnh liên quan, TP.HCM đã dỡ bỏ một số chốt kiểm tra tại các huyện để đảm bảo giao thông trong nội thành phố, dỡ bỏ bớt một số chốt trên các luồng xanh để đảm bảo lưu thông hàng hóa liên tỉnh thông suốt. Hiện nay toàn thành phố có 12 chốt, nếu điểm chốt nào có hiện tượng ùn ứ thì sẽ nghiên cứu bố trí thêm luồng xanh, giãn xe. Từ ngày 12 cho đến nay thì đã cơ bản ko có sự ùn ứ tại các chốt kiểm tra; đồng thời thành phố sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tham gia hoạt động vận tải.

Còn khó khăn khi áp dụng các biện pháp kiểm soát y tế đối với đội ngũ lái xe

Ông Nguyễn Văn Huyện cũng phân tích một số tồn tại bất cập như lực lượng kiểm tra y tế còn mỏng nên BCĐ Chống dịch TP. HCM yêu cầu giảm bớt làn ra của trạm thu phí để ưu tiên chống dịch dẫn đến ùn xe trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Dầu Giây; thời gian hiệu lực kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 của các đại phương chưa thống nhất với nhau (ví dụ Bình Dương, TP.HCM là 3 ngày. Long An 05 ngày và Đồng Nai 07 ngày); việc chấp thuận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên (test nhanh) và PCR cũng chưa thống nhất gây khó khăn lái xe khi vận chuyển hàng hóa; Theo phản ánh của Sở GTVT Vĩnh Long là các chốt kiểm dịch của các tỉnh miền Tây (kể cả Vĩnh Long) áp dụng quy định khi người từ vùng dịch về địa phương thì phải cách ly và xét nghiệm 3 lần, do đó nếu lái xe muốn qua chốt để dỡ hàng hoá xuống thì phải cách ly dù có xét nghiệm dẫn đến khó khăn trong việc vận chuyển và lưu thông hàng hoá.

Theo Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay, cần xem xét thêm quy định thời hạn đối với giấy xét nghiệm Covid-19 vì thời gian cho người lái xe hoàn thành 01 chuyến xe, nếu chỉ chạy trong nội tỉnh và lân cận thì 03 ngày phù hợp nhưng nếu phạm vi từ Nam ra Bắc thì tối thiểu 7 ngày kể cả thời gian giao nhận hàng, điều đó dẫn đến sự lúng túng cho đội ngũ lái xe khi giấy xét nghiệm bị quá hạn. Ông Quyền cũng kiến nghị các địa phương có thể bố trí điểm lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm taị trạm dừng nghỉ được xác định tại cửa ngõ của các tỉnh thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ lái xe, điều đó cũng tránh cho việc xảy ra ùn ứ tại các chốt kiểm dịch. Thứ hai, hiện nay mã QR CODE chưa thể hiện được lộ trình cụ thể đi từ đâu đến đâu nên dẫn đến đi qua trạm nào cũng bị dừng lại để kiểm tra, dẫn đến mất thời gian và gia tăng sự tiếp xúc. Quy định sau khi đi qua vùng có dịch bệnh, có nơi cách ly 7, 14, 21 ngày thì chỉ trong 01 thời gian ngắn sẽ thiếu lái xe, nên đề nghị xem xét ko cách ly y tế với lái xe; kiến nghị địa phương hoặc đơn vị vận tải sắp xếp nơi ở tập trung cho anh em lái xe, ưu tiên ngay tại các bãi đậu, đỗ để thuận tiện trong kiểm soát và hạn chế lái xe tiếp xúc khi trở về địa phương từ vùng dịch, đồng thời  Doanh nghiệp vận tải phải chủ động xét nghiệm Covid-19 cho đội ngũ lái xe, phục vụ trên xe theo đúng quy định để đảm bảo điều kiện tham gia hoạt động vận tải.

Lập thêm luồng xanh nếu quá tải, ùn tắc

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn, thách thức của các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Đồng chí Bộ trưởng cũng đánh giá cao hiệu quả trong việc chủ động áp dụng các giải pháp phòng chống dịch của các tỉnh thành phía Nam, tuy nhiên Bộ trưởng cũng dẫn lại chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu các tỉnh không được để chuỗi sản xuất đứt gẫy, không để nhân dân thiếu các nhu yếu phẩm, thực phẩm thiết yếu. Bộ trưởng GTVT yêu cầu các tỉnh phải quan tâm sâu sắc đến hoạt động vận tải hàng hóa cũng như quan tâm tới lực lượng lao động vận tải.

Ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, khi vaccine được bố trí cho địa phương đề nghị tạo điều kiện để tiêm cho lực lượng lao động trong lĩnh vực vận tải; bố trí các điểm xét nghiệm Covid-19 cho lực lượng lái xe vận tải và trả kết quả nhanh nhất. Những địa phương có áp dụng chỉ thị 15 và 16 rà soát lại luồng xanh (luồng đến, luồng đi, và luồng đi qua) thông báo với Tổng cục ĐBVN và các Sở GTVT liên quan để phối hợp quản lý, đồng thời phải công bố rõ ràng, minh bạch để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận; phải áp dụng tối đa các giải pháp về công nghệ để tiếp nhận đăng ký, cũng như cấp giấy thông hành; giấy thông hành phải đầy đủ thông tin liên quan đến phương tiện, lộ trình, loại hàng hóa để giảm thiểu thời gian kiểm tra qua các chốt…

Bộ trưởng GTVT cho biết, nếu các đường xanh quá tải thì có thể trao đổi để thành lập thêm đường xanh để giải tỏa ách tắc, ùn ứ. Bộ trưởng cũng quán triệt các Sở GTVT phối hợp với các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh để xác định rõ nhu cầu hàng hóa, nhu cầu vận tải ra vào địa phương để phối hợp cùng các tỉnh, thành phố khác điều tiết lưu lượng, lịch trình xe cho phù hợp tránh gây ùn ứ cục bộ tại từng thời điểm… Đồng thời các địa phương xem xét phương án linh hoạt trong việc áp dụng quy định bắt buộc cách ly y tế đối với lái xe khi trở về từ vùng dịch.

Nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Sở GTVT quán triệt, chỉ đạo các chủ doanh nghiệp trên địa bàn phải chủ động trong việc xét nghiệm Covid-19, theo dõi tình hình sức khỏe đối với nhân viên theo quy định của ngành y tế, không để tình trạng lái xe xét nghiệm tại các chốt kiểm soát gây ùn ứ giao thông. Doanh nghiệp, lái xe vận tải nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và đơn vị tiếp nhận hàng có thể kiểm tra chéo các quy định dịch tễ đối với lái xe, doanh nghiệp vận tải… Các doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp phải tổ chức đưa đón công nhân (đăng ký phương tiện, giảm tải 50%, công nhân được xét nghiệm…..). Bộ trưởng cũng gợi ý các doanh nghiệp vận tải bố trí bãi đỗ, đậu xe kết hợp với khu lưu trú cho lao động, lái xe khi quay về địa phương với phương châm 3 tại chỗ tránh lái xe di chuyển, tiếp xúc bên ngoài…

Để chủ động, linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh còn nguy cơ kéo dài, Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục ĐBVN xây dựng phương án, kịch bản và có hướng dẫn cụ thể về tổ chức hoạt động vận tải đối với từng tình huống khi các địa phương áp dụng chỉ thị 15, 16…

Cũng trong ngày 13/7/202, để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng ách tắc vận tải hàng hóa Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng ký văn bản hỏa tốc số 6779 gửi UBND và BCĐ Phòng chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố, phối hợp thực hiện một số nội dung: Chỉ đạo các đơn vị liên quan (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm Y tế dự phòng...) bố trí điểm xét nghiệm, vị trí kiểm tra riêng biệt và ưu tiên xét nghiệm Covid-19 cho người điều khiển phương tiện vận tải, đặc biệt đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản (bao gồm lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe) theo hướng dẫn của Bộ Y tế; ưu tiên trả lời kết quả nhanh cho người điều khiển phương tiện để tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa, tránh gây ách tắc phương tiện vận tải. Thông tin công khai các địa điểm xét nghiệm, vị trí kiểm tra cho lái xe để người lái xe và nhân dân biết, thực hiện xét nghiệm trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo yêu cầu thuận lợi lưu thông hàng hóa và phòng chống dịch.

Đào Bích

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Lưu thông hàng hóa để đảm bảo chuỗi sản xuất cho TP.HCM'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới