Thứ sáu, 22/11/2024 13:22 (GMT+7)
Thứ hai, 08/05/2023 16:02 (GMT+7)

Bộ Tài chính nói gì trước kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay của doanh nghiệp?

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ Tài chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: "Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT".

Đây là việc do Bộ GTVT quyết định

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 168/QLG-CNTD gửi Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ Tài chính và Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT, liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ đăng kiểm phương tiện vận tải.

Bộ Tài chính cho biết, tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam: Hãng hàng không phải thông báo theo yêu cầu của Bộ GTVT giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên đường bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.”

Bộ Tài chính nói gì trước kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay của doanh nghiệp? - Ảnh 1
Bộ Tài chính lên tiếng trước kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay. 

Tại khoản 3 Điều 1 quy định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, đã xác định “Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ GTVT là Nhà chức trách hàng không”.

Như vậy, Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không.

Căn cứ chức năng quản lý nhà nước về hàng không quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT đề xuất cụ thể biện pháp điều tiết giá của nhà nước đối với dịch vụ vận chuyển hàng không, trường hợp đề xuất dịch vụ dịch vụ vận chuyển hàng không tiếp tục thuộc danh mục Nhà nước định giá, đề nghị đề xuất cụ thể hình thức định giá.

Trong từng lựa chọn, đề nghị có đánh giá tác động cụ thể để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định bảo đảm khả thi, hiệu quả, không tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội.

“Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu gửi ý kiến về Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định”, Bộ Tài chính đề xuất.

Thời điểm điều chỉnh giá trần đã cách đây 8 năm

Phát biểu tại cuộc họp bàn phương án tháo gỡ khó khăn tài chính trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao của các lãnh đạo các hãng hàng không Việt Nam, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, thời điểm điều chỉnh giá trần lần cuối cùng là năm 2015, đã cách đây 8 năm. Từ đó, hầu như năm nào các hãng bay cũng họp, phân tích yếu tố đầu vào thay đổi và xin điều chỉnh, nhưng giá trần vẫn đóng khung từ 2015 đến nay.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho rằng trong dài hạn cần bỏ yêu cầu giá trần vé máy bay ra khỏi các quy định pháp luật do giá thành ấn định từ 2015 đến nay đã thay đổi. Trước mắt, có thể bỏ giá trần nhưng vẫn duy trì sự quản lý giá trần của Nhà nước trên các đường bay chỉ có một hãng hàng không khai thác để tránh độc quyền.

Như vậy, đây không phải lần đầu tiên đề xuất bỏ trần giá vé máy bay nội địa được đưa ra. Nhiều lý do đưa ra cho rằng, giá trần là "vòng kim cô" nên cần được tháo gỡ để tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không. Ngược lại, không ít ý kiến lo ngại khi bỏ trần giá vé sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, có nguy cơ thao túng giá vé.

Liên quan đến giá trần, Bộ GTVT dự kiến tăng khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không (trần giá vé máy bay) nội địa trung bình 3,75% so với mức hiện hành, từ quý II/2023. Cụ thể, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có trần giá vé tăng từ mức 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng/lượt; đường bay từ 1.280 km trở lên có mức tăng cao nhất, từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng/lượt... Với mức điều chỉnh này, đường bay nhộn nhịp với tần suất khai thác cao nhất là TP.HCM - Hà Nội sẽ có mức trần 8 triệu đồng/lượt khứ hồi, chưa gồm thuế, phí.

Không còn nước nào quản lý bằng giá trần

TS Lương Hoài Nam, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ du lịch Gotadi cho rằng sự duy trì giá trần vé máy bay cho đến nay là sự vô lý, cần phải chấm dứt. Ông cho rằng trên thế giới hiện nay không còn nước nào quản lý bằng giá trần, mà đa phần để các hãng tự do.

Việc áp trần giá vé máy bay, theo ông Nam, tước đi cơ hội tăng doanh thu của các hãng hàng không, đặc biệt ở giai đoạn cao điểm. Ngoài ra, giá trần vô hình chung làm kìm hãng sự tăng trưởng của thị trường nội địa.

Ông Nam phân tích sự tăng trưởng của thị trường nội địa không phụ thuộc vào tăng trưởng của thị trường nội địa bởi có những đối tượng không chịu ảnh hưởng bởi giá. Sự tăng trưởng phụ thuộc vào nhiều hay ít giá vé rẻ, và việc áp giá trần làm vé rẻ ít đi, kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa. Do đó, Nhà nước cần bỏ trần giá vé máy bay nội địa và để thị trường quyết định.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính nói gì trước kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay của doanh nghiệp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới