Thứ bảy, 21/09/2024 01:27 (GMT+7)
Thứ ba, 30/05/2023 16:23 (GMT+7)

Bỏ phiếu tín nhiệm: Giúp cán bộ thấy được mức độ của mình để 'tự soi', 'tự sửa'

Theo dõi KTMT trên

Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá.

Giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để 'tự soi', 'tự sửa'

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 30/5, tại Hội trường Diên Hồng, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Soạn thảo Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Bỏ phiếu tín nhiệm: Giúp cán bộ thấy được mức độ của mình để 'tự soi', 'tự sửa' - Ảnh 1
Chiều 30/5, Quốc hội nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) - Ảnh: VGP

Dự thảo nghị quyết quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức, cơ quan hoặc người có thẩm quyền có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Nhưng theo cơ quan thẩm tra, có ý kiến cho rằng mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để "tự soi", "tự sửa". Vì vậy, ý kiến này đề nghị quy định theo hướng nếu có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp, vẫn nên có cơ chế cho cán bộ có thể chủ động xin từ chức. Trường hợp không từ chức, cơ quan hoặc người có thẩm quyền mới trình Quốc hội, HĐND xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó.

Theo quy định, Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Quốc hội khóa XV sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.

Tăng tính minh bạch, dân chủ trong hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn với những lý do như được nêu tại Tờ trình số 485/TTr-UBTVQH15.

Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị công phu, nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Về trình tự, thủ tục ban hành Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm bảo đảm việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND theo quy định mới sẽ được thực hiện tại kỳ họp cuối năm 2023, đáp ứng yêu cầu tại Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất tiếp tục kế thừa, giữ nguyên tên gọi, phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Nghị quyết như Nghị quyết số 85/2014/QH13 vì tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ Nghị quyết số 35/2012/QH13 đến nay; phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND theo dự thảo Nghị quyết cũng cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13.

Bên cạnh đó, có ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa đổi tên gọi của dự thảo Nghị quyết là "Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân" vì cho rằng, phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND theo quy định trong dự thảo Nghị quyết không bao gồm toàn bộ các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Do đó, việc lấy tên gọi của Nghị quyết là "Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND" sẽ phù hợp hơn, thể hiện theo chủ thể tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là Quốc hội, HĐND mà không phụ thuộc vào đối tượng được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.

Về phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND (Điều 2), Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi đối tượng được Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm như quy định tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.

Việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết là có cơ sở thực tiễn, thể hiện tính nhân văn và phù hợp với yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND; bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần nêu rõ thời gian không điều hành công tác là từ 6 tháng liên tục trở lên để bảo đảm chặt chẽ.

Bỏ phiếu tín nhiệm: Giúp cán bộ thấy được mức độ của mình để 'tự soi', 'tự sửa' - Ảnh 2
Ảnh: VGP

Để có cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo cần lý giải rõ hơn về lý do dự thảo Nghị quyết không đưa một số chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào diện được lấy phiếu tín nhiệm, chẳng hạn như thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, phó trưởng ban của HĐND, hội thẩm tòa án nhân dân.

Về giải thích thuật ngữ "lấy phiếu tín nhiệm" (khoản 1 Điều 3), Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ nội hàm giải thích thuật ngữ "lấy phiếu tín nhiệm" như tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 bởi nội dung này phù hợp với Quy định số 96-QĐ/TW và đã được sử dụng ổn định từ Nghị quyết số 35/2012/QH13.

Phần nội dung mới được bổ sung để giải thích thuật ngữ "lấy phiếu tín nhiệm" tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết thực chất là hệ quả đối với người qua lấy phiếu có tín nhiệm thấp chứ không phải là mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm nói chung là để đánh giá cán bộ như quy định tại khoản 3 Điều 1 và khoản 1 Điều 11 của Quy định số 96-QĐ/TW.

Trường hợp vẫn cần sửa đổi, bổ sung thuật ngữ này thì đề nghị bám sát quan điểm, nguyên tắc và yêu cầu của việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 1 và khoản 1 Điều 11 của Quy định số 96-QĐ/TW để chỉnh lý cho phù hợp.

Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (các điều 10, 11, 15 và 16), Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các quy định trong dự thảo Nghị quyết về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Bên cạnh đó, về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 15 và Điều 16), có ý kiến đề nghị chỉnh lý theo hướng bổ sung trình tự Quốc hội, HĐND thảo luận tại hội trường trong trường hợp cần thiết và cho phép người được bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến trước Quốc hội, HĐND để bảo đảm quyền được giải trình của họ cũng như tăng tính minh bạch, dân chủ, chuyên nghiệp và pháp quyền trong hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm.

Quy định như vậy cũng bảo đảm sự tương đồng với quy trình miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 12 và Điều 17), Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các nội dung quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm phù hợp với yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ có mức độ tín nhiệm thấp theo tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW và Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Do đó, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết.

Ngoài ra, về quy định tại khoản 1 Điều 12, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý lại theo hướng trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp mà không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm, thay vì quy định "cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm" như trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm thống nhất với quy định về chủ thể có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại Điều 13 của dự thảo Nghị quyết và cũng là kế thừa quy định tương ứng của Nghị quyết số 85/2014/QH13.

Theo Báo Chính phủ

Bạn đang đọc bài viết Bỏ phiếu tín nhiệm: Giúp cán bộ thấy được mức độ của mình để 'tự soi', 'tự sửa'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Phát triển xu hướng du lịch thuận thiên tại Trà Vinh
Với mục tiêu hướng đến bảo vệ môi trường tự nhiên và phát triển du lịch bền vững, Trà Vinh định hướng du lịch thuận thiên sẽ là chiến lược dài hạn, thúc đẩy kinh tế địa phương theo hướng bền vững và bảo tồn các giá trị văn hóa và môi trường sinh thái.
Miền Bắc chuẩn bị đón không khí lạnh
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 21-22/9, dự báo nhiều nơi ở miền Bắc, bao gồm cả Hà Nội, sẽ có mưa, một số nơi mưa to. Kèm với đó là nhiệt độ giảm khá rõ, đặc biệt từ 22/9.