Bộ Công Thương: Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới
Khai thác hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, cùng với giá hàng hóa xuất khẩu thế mạnh có xu hướng tăng... là động lực quan trọng để các doanh nghiệp FDI gia tăng giá trị xuất khẩu.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tính từ đầu năm hết ngày 15/7/2021 đạt 345,45 tỷ USD, tăng 32,3%, tương ứng tăng 84,31 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2021 (từ ngày 1/7 đến ngày 15/7/2021) đạt 27,39 tỉ USD, giảm 4,8% (tương ứng giảm 1,39 tỉ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 6/2021.
Tổng giá trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 238,44 tỉ USD, tăng 36,2% (tương ứng tăng tới 63,39 tỉ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 107,01 tỉ USD, tăng 24,3% (tương ứng tăng 20,92 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ lệ nhập siêu tăng nhanh
Như vậy, trong kỳ 1 tháng 7/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,83 tỉ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 3,01 tỉ USD.
Về kim ngạch xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 7/2021, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt 12,78 tỉ USD, giảm 13,9% (tương ứng giảm 2,06 tỉ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 6/2021.
Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 7/2021 giảm so với kỳ 2 tháng 6/2021 ở một số nhóm hàng chủ lực như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 629 triệu USD, tương ứng giảm 28,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 623 triệu USD, tương ứng giảm 28,7%; giày dép các loại giảm 127 triệu USD, tương ứng giảm 12,7%; sắt thép các loại giảm 125 triệu USD, tương ứng giảm 21,6%...
Tính chung từ đầu năm đến hết 15/7/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 171,22 tỉ USD, tăng 28%, tương ứng tăng 37,48 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tính đến hết ngày 15/7/2021, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 125,57 tỉ USD, tăng 32,9%, tương ứng tăng 31,07 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,3% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2021 đạt 14,61 tỉ USD, tăng 4,8% (tương ứng tăng 669 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 6/2021.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 7/2021 tăng so với kỳ 2 tháng 6/2021 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 145 triệu USD, tương ứng tăng 7,5%; ngô tăng 75 triệu USD, tương ứng tăng 76,3%; khí đốt hóa lỏng tăng 70 triệu USD, tương ứng tăng 386,5%...
Lũy kế từ đầu năm đến hết 15/7/2021, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 174,23 tỉ USD, tăng 36,8% (tương ứng tăng 46,83 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 9,4 tỉ USD, tăng 5,6% (tương ứng tăng 497 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 6/2021. Tính đến hết ngày 15/7/2021, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 112,86 tỉ USD, tăng 40,1% (tương ứng tăng 32,32 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 64,8% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Kỳ vọng cán cân thương mại có những con số khả quan
Trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương đưa ra nhận định: Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao và khá bền vững, dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU...
Hơn nữa, các doanh nghiệp trong nước đang khai thác hiệu quả các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đang mang lại nhiều lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Bộ Công Thương đưa ra dự báo hoạt động, xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các FTA đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Ngoài ra, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm. Trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố là khu vực sản xuất hàng hóa lớn như Hà Nội, TP.HCM… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước.
Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Đồng thời, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.
Vân Trần