Bộ Công Thương trình Chính phủ dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 119 điều
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 5/7/2024, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Luật Điện lực (sửa đổi) tại Tờ trình số 4742/TTr-BCT.
Theo đó, Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018; Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự và Luật Giá năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024) đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 04 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023), đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải nghiên cứu phải để sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện. Thực tiễn thi hành pháp luật về điện lực cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, đồng thời giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện đang thiếu cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Thực hiện Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Bộ Công Thương được giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Trên cơ sở các quy định của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã thực hiện tổng kết, đánh giá quy định của Luật Điện lực hiện hành; thành lập Ban soạn thảo (gồm 47 thành viên) và Tổ biên tập Luật (gồm 133 thành viên); tổ chức xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật (qua hình thức đăng tải trên các Cổng thông tin điện tử, tổ chức hội thảo, gửi công văn và trao đổi trực tiếp v.v…). Trên cơ sở các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực điện lực, Bộ Công Thương đã tổ chức tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự thảo Luật và được Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 6 năm 2024. Ngày 05 tháng 7 năm 2024, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Luật Điện lực (sửa đổi) tại Tờ trình số 4742/TTr-BCT.
Về bố cục, dự thảo Luật Điện lực bao gồm 9 chương với 119 điều:
Chương I. Quy định chung;
Chương II. Quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực;
Chương III. Phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới;
Chương IV. Giấy phép hoạt động điện lực;
Chương V. Hoạt động mua bán điện;
Chương VI. Vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia;
Chương VII. Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện;
Chương VIII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực;
Chương IX. Điều khoản thi hành.
Dự kiến khi Luật ban hành, các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng thi hành Luật có trách nhiệm thực thi Luật, trong đó Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật. Bộ Công Thương đã có các đơn vị trực thuộc để quản lý lĩnh vực điện lực được Luật Điện lực điều chỉnh như Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Dầu khí và Than v.v…đảm bảo việc thi hành Luật được đồng bộ, thống nhất. Ở địa phương, Sở Công Thương của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có đơn vị chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực điện lực.
Bên cạnh đó, việc thực thi các chính sách còn do đội ngũ cán bộ công nhân viên của toàn ngành điện (trong và ngoài EVN) thực hiện; cũng như sự tham gia vào các khâu từ sản xuất, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Như vậy, với điều kiện thực tế hiện nay, ngành Công Thương các cấp cũng như nhân lực ngành điện có đủ nguồn nhân lực, bộ máy, điều kiện cơ bản cho việc thi hành Luật Điện lực (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, đảm bảo tính khả thi về chính sách. Đồng thời, các quy định tại Luật Điện lực không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành khác, do vậy, đối với các Bộ, ngành khác có liên quan vẫn duy trì đội ngũ nhân lực, tổ chức bộ máy sẵn có để cùng phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Luật Điện lực.
Theo kế hoạch, Luật Điện lực sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong tháng 8 năm 2024.
H.A