Bộ Công Thương lý giải về đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đăng ký đối với ô tô để kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất trong nước.
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua (năm 2019 tăng 9,2%; năm 2018 tăng 10,7%; năm 2017 tăng 6,6%; năm 2016 tăng 7,4%).
Cụ thể, dịch Covid-19 đã có những tác động lớn đến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020. Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại chịu ảnh hưởng bởi tình trạng “khó khăn kép” thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và khó khăn ở thị trường đầu ra cho xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa.
Ảnh minh họa. |
Đáng lưu ý, ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng của nền kinh tế chỉ tăng 3% (4 tháng/2015 tăng 10,1%; 4 tháng/2016 tăng 9,7%; 4 tháng/2017 tăng 9,2%; 4 tháng/2018 tăng 12,9%; 4 tháng/2019 tăng 10,9%).
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: Bia giảm 24,1%; ô tô giảm 23,8%; xe máy giảm 16,6%; dầu thô khai thác giảm 10,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,8%...
Trước những khó khăn tác động trực tiếp tới ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đăng ký đối với ô tô để kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất trong nước.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết, do tác động của dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đều phải tạm dừng hoạt động, gặp khó khăn. Trong dài hạn, kể cả ngành sản xuất ô tô nội địa cũng sẽ gặp phải sự cạnh tranh vô cùng gay gắt trước làn sóng nhập khẩu ô tô giá rẻ trong khu vực ASEAN tràn vào thị trường nước ta, vì thuế bây giờ bằng 0 rồi.
Khi các hàng rào thuế quan và các biện pháp kỹ thuật đã được gỡ bỏ thì chúng ta rất khó cạnh tranh ở trong nước đối với các doanh nghiệp đã có nhiều năm phát triển. Rõ ràng là khó khăn đối với các doanh nghiệp lắp ráp trong nước, kể cả những doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài vào Việt Nam cũng rất khó khăn.
Chính sách quyết liệt nhưng phải kịp thời vì hiện nay ngành ô tô đang rất ốm yếu, nếu 1-2 năm sau mới có chính sách thì liệu có muộn? Chính vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất về việc ưu đãi hỗ trợ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô sản xuất ở trong nước. Đây cũng là biện pháp để giảm giá thành và để cho người dân Việt Nam có thể tiếp cận một cách rộng rãi, vì giá thành của một chiếc ô tô so với thu nhập của người dân Việt Nam hiện vẫn là quá cao.
Nguyên Long