Thứ bảy, 23/11/2024 15:18 (GMT+7)
Thứ tư, 21/08/2024 15:39 (GMT+7)

Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân khiến EVN "ôm lỗ" hơn 47.000 tỷ đồng

Theo dõi KTMT trên

"EVN thua lỗ vì phải chịu tình trạng chênh lệch giá đầu vào, đầu ra lớn cùng nhiệm vụ đảm bảo bình ổn giá điện" - Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Tại nghị trường Quốc hội sáng nay 21/8, các vấn đề liên quan đến ngành điện tiếp tục được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Đặt vấn đề tại hội nghị, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho biết, cử tri và nhiều chuyên gia cho rằng việc điều hành giá điện còn nhiều bất cập. Chính điều này là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện khoảng hơn 47.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023. Vậy Bộ trưởng có đồng tình với nhận định này không và xin Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để tháo gỡ việc điều hành giá điện một cách tốt nhất thời gian tới?"

"Giá mua vào và bán ra của EVN đã chênh lệch tới 208-216 đồng/kWh"

Trả lời lời ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định không có chuyện điều hành giá điện bất cập khiến ngành điện thua lỗ. Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thực hiện 3 chức năng cơ bản là quy hoạch, kế hoạch; cơ chế chính sách; và thanh tra, kiểm tra.

"Chúng tôi tự thấy việc tham mưu xây dựng chính sách, nhất là chính sách giá điện vừa qua, đã tuân thủ theo đúng quy định của luật hiện hành, nhất là Luật Điện lực và Luật Giá", lãnh đạo Bộ này nhấn mạnh.

Điện hiện đang một là trong những mặt hàng phải đảm bảo bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước. Ở đầu vào, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán điện và cung ứng điện để đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia.

Dù phải mua điện với cơ chế giá thị trường, EVN lại phải đảm bảo bình ổn giá đầu ra. Yêu cầu này khiến giá mua vào và bán ra của EVN đã chênh lệch tới 208-216 đồng/kWh.

Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân khiến EVN "ôm lỗ" hơn 47.000 tỷ đồng - Ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Quochoi)

Bộ trưởng cũng cho biết, ngành Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ sửa đổi Luật Điện lực theo hướng xóa bù chéo giữa các khách hàng dùng điện và tính đúng đủ giá thành điện năng, trong đó có giá thành sản xuất điện, giá vận hành, điều độ hệ thống điện.

"Hiện Chính phủ đã có quyết định đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) về Bộ CôngThương, điều đó sẽ đảm bảo minh bạch trong vận hành, công bằng giữa các đối tượng sử dụng điện", Bộ trưởng nói.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết thời gian qua Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định mua bán điện trực tiếp đối với các khách hàng sử dụng điện lớn và sắp ban hành nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái sẽ từng bước giúp thị trường điện hoàn hảo hơn. 

Tăng tỷ trọng điện tái tạo sẽ gây mất rủi ro an toàn hệ thống

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đồng Nai) đề cập tới việc ngành điện dừng mua sản lượng dư từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà của người dân, khiến họ chịu thiệt. "Bộ Công Thương có cách giải quyết thế nào để tiếp tục mua lượng điện dư từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhất là ở khu vực phía Nam?"

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã giao Bộ này xây dựng dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Theo đó, Nhà nước sẽ mua tối đa 20% công suất đặt dự án điện mặt trời mái nhà. Nhưng ông Diên nói đây cũng là thách thức, thậm chí có thể rủi ro cho an toàn hệ thống điện.

"Việc nâng tỷ trọng điện tái tạo sẽ gây mất rủi ro an toàn hệ thống, lưới điện cơ sở. Để khuyến khích người dân lắp đặt chính sách đưa ra các cơ chế, nhưng cũng phải tôn trọng yếu tố kỹ thuật, chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu đơn thuần."

Bộ trưởng Công ThươngNguyễn Hồng Diên

Lãnh đạo Bộ Công Thương phân tích, theo Quy hoạch điện VIII, tổng nguồn điện đến 2030 là 150.589 MW, trong đó năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) chiếm khoảng 27% mức cao trong cơ cấu nguồn điện. Do tính bất định của năng lượng tái tạo, để hệ thống điện hoạt động ổn định, không rủi ro thì cần nguồn điện nền (điện than, thủy điện...), khoảng 75-80%.

"Việc nâng tỷ trọng điện tái tạo sẽ gây mất rủi ro an toàn hệ thống, lưới điện cơ sở. Để khuyến khích người dân lắp đặt chính sách đưa ra các cơ chế, nhưng cũng phải tôn trọng yếu tố kỹ thuật, chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu đơn thuần", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Công Thương nói thêm, dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu cũng đưa ra các điều kiện ràng buộc, giám sát với nhà đầu tư, để giảm tránh tình trạng trục lợi chính sách hay rủi ro cho hệ thống điện.

"Hệ thống điện có thể bị sập nếu vận hành có sai sót. Chúng tôi tiếp thu kiến nghị của đại biểu, nhưng cũng phải tuân thủ các yếu tố kỹ thuật, pháp luật", ông Diên nói.

Hiện cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân. Chính phủ đang xem xét để nới "room" với loại nguồn điện này.

Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân khiến EVN "ôm lỗ" hơn 47.000 tỷ đồng - Ảnh 2
Ngành điện thua lỗ khoảng hơn 47.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố, doanh thu hợp nhất của EVN năm 2023 đạt hơn 500.700 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ bán điện đạt hơn 498.436 tỉ đồng, chiếm 99% doanh thu hợp nhất.

Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 13.000 tỉ đồng, tăng 20%. Tuy nhiên, con số này không đủ bù đắp chi phí lãi vay, chưa tính tới các chi phí hoạt động và quản lý.

Năm 2023, EVN ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26.770 tỉ đồng (tương đương hơn 1 tỉ USD). Đáng chú ý, EVN phải trả hơn 18.985 tỉ đồng tiền chi phí lãi vay trong năm 2023, tương đương 52 tỉ đồng/ngày.

Trước đó, năm 2022, EVN cũng lỗ 20.747 tỉ đồng. Như vậy, lũy kế 2 năm 2022-2023, EVN lỗ hơn 47.500 tỉ đồng (tương đương gần 2 tỉ USD).

Việc EVN tiếp tục ghi nhận số lỗ năm 2023 khiến nhiều người lo ngại rằng giá điện bán lẻ sẽ sớm được điều chỉnh tăng.

Trong năm 2023, giá điện bán lẻ tăng 2 lần 3% vào tháng 5-2023 và mức 4,5% vào tháng 11-2023. Tổng hai lần tăng giá trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh và giá điện bình quân tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp hồ sơ 32 dự án phục vụ điều tra

Đầu tháng 8, Bộ Công an đã yêu cầu EVN cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương... nhằm phục vụ điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong số 32 dự án điện sạch mà Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp, có 10 dự án điện mặt trời và 22 dự án điện gió.

Hồ sơ của từng nhà máy điện EVN phải cung cấp cho Cơ quan An ninh điều tra gồm toàn bộ hồ sơ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại; hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế của các nhà máy điện.

Các dự án điện gió, điện mặt trời trong diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra thuộc nhiều địa phương, nhưng tập trung nhiều ở khu vực miền Trung, Tây nguyên và miền Tây Nam bộ.

Trong đó chỉ riêng tại địa bàn trọng điểm về phát triển năng lượng tái tạo là tỉnh Gia Lai đã có đến 4 dự án thuộc diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra, gồm: Nhà máy điện gió Hưng Hải ở huyện Kông Chro, Nhà máy điện gió Cửu An ở thị xã An Khê, Nhà máy điện gió Ia Le 1 ở huyện Chư Pưh và Nhà máy điện gió Ia Bang 1 ở huyện Chư Prông.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân khiến EVN "ôm lỗ" hơn 47.000 tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới