Chủ nhật, 05/05/2024 21:22 (GMT+7)
Thứ năm, 17/03/2022 16:00 (GMT+7)

Bộ Công Thương chỉ đạo "khẩn" trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất điện

Theo dõi KTMT trên

Bộ Công Thương cho biết trong bất luận trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký.

Bộ Công Thương vừa có yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng Hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu).

Bộ Công Thương nhấn mạnh trong bất luận trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại Hợp đồng mua bán/ cung cấp than đã ký. Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia có giải pháp điều độ phù hợp với tình hình thực tế cũng như thông báo kế hoạch huy động cập nhật hàng tháng cho Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than để kịp thời thu xếp nguồn than cho sản xuất điện.

Bộ Công Thương chỉ đạo "khẩn" trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất điện - Ảnh 1
Bộ Công Thương yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện.

Trước đó, Bộ Công Thương đã nhận được một số văn bản của một số Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than báo cáo về việc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp không đủ khối lượng than trong 2 tháng đầu năm 2022 theo Hợp đồng mua bán/ cung cấp than đã ký.

Theo dữ liệu của Investing, từ 3/1/2022 đến 13/2/2022, giá than đã tăng 55,6% từ 157,5 lên 245 USD/tấn và nếu so với cùng kỳ năm trước, ước tính tăng 178%. Tương tự như vậy, giá dầu Brent từ 1/12/2021 đến 11/2/2022 đã tăng 38,5% từ 68,87 lên 95,41 USD/thùng và nếu so với cùng kỳ tăng 37%.

Số liệu cho thấy trong tháng 2 vừa qua, tổng khối lượng than thực cấp của Tập đoàn TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cấp cho các nhà máy nhiệt điện than của EVN chỉ tương đương 69,24% khối lượng hợp đồng đã ký và thấp hơn nhiều so với nhu cầu vận hành của các nhà máy này. Đặc biệt, nhà máy Nhiệt điện than BOT Vĩnh Tân 1 cũng không được cung cấp đủ than theo như hợp đồng cung cấp than đã ký từ cuối năm 2013 và như vậy có thể dẫn tới nguy cơ phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.

Theo TKV, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc không cung cấp đủ than cho sản xuất điện trong thời gian vừa qua là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thiếu hụt nhân lực làm việc tại các mỏ than.

Bên cạnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt số ca nhiễm tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần thì một diễn biến khác hết sức đáng chú ý tác động đến thị trường năng lượng quốc tế là cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Xem xét đóng cửa nhà máy điện than

Theo nhận định của ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng của World Bank (WB) nhận định, để đảm bảo an ninh năng lượng và mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cần tích hợp năng lượng tái tạo ở mức cao hơn.

Chuyên gia này đưa ra lộ trình giảm thải nhà kính với 3 kịch bản. Kịch bản cơ sở có tỉ lệ tăng điện than 3 lần vào 2030. Kịch bản 2 là tỉ lệ điện than tăng 2 lần 2030 và kịch bản 3 là điện than đạt đỉnh vào năm 2025, sau đó giảm dần để hoàn thành mục tiêu phát thải ròng 0% năm 2050.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương chỉ đạo "khẩn" trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới