Thứ tư, 15/01/2025 12:25 (GMT+7)
Thứ năm, 28/12/2023 06:14 (GMT+7)

Bộ Chính trị chỉ đạo giải quyết dứt điểm các ngân hàng thương mại yếu kém

Theo dõi KTMT trên

Tại Chỉ thị 27 vừa ban hành, Bộ Chính trị yêu cầu cần có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, các ngân hàng thương mại yếu kém.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đó, chỉ thị nêu rõ, những năm qua, việc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã tạo được chuyển biến tích cực; chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát được tăng cường.

Bộ Chính trị chỉ đạo giải quyết dứt điểm các ngân hàng thương mại yếu kém - Ảnh 1

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Chính trị đánh giá nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa sâu sắc, đầy đủ; có lúc, có nơi tổ chức chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm; một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều, một số trường hợp rất nghiêm trọng...

Để đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng thời xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, trước hết là của các cấp uỷ, tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Cùng với đó tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đa dạng hóa, đổi mới hình thức và huy động sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao hiệu quả thực hiện.

Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, vận động gia đình, nhân dân tích cực tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ Chính trị yêu cầu quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý; chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, chế độ chi tiêu công làm căn cứ để giảm hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, tài nguyên, lao động, thời gian lao động, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm quy định về mua sắm công, xây dựng và sử dụng trụ sở, tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách, đi công tác, đi nước ngoài bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí, phô trương.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia. Đẩy nhanh lộ trình cải cách chính sách thuế; nâng cao chất lượng công tác dự báo; lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; đổi mới việc phân bổ, đẩy mạnh quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, Bộ Chính trị chỉ đạo cần có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém.

"Sớm đưa các tài sản này vào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội", Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác được Bộ Chính trị nhấn mạnh là khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.

Tăng cường công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, nguồn lực quốc gia… cũng là những định hướng quan trọng được Bộ Chính trị đề cập.

Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Bộ Chính trị chỉ đạo giải quyết dứt điểm các ngân hàng thương mại yếu kém. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới