Bình Thuận: Vì một đại dương xanh, sạch, đẹp
Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, vùng biển 52.000 km². Hiện nay, tỉnh đang chú trọng phát triển du lịch và bảo vệ môi trường biển bền vững.
Bình Thuận với chiều dài bờ biển lên tới 192 km và diện tích vùng biển khoảng 52.000 km² được thiên nhiên ban tặng một vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Trong đó đảo Phú Quý không chỉ là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn đóng vai trò quan trọng như một cơ sở hậu cần và chuyển tiếp cho các hoạt động kinh tế biển, đặc biệt là trong lĩnh vực đánh bắt hải sản xa bờ. Phú Quý giúp kết nối các ngư trường xa, hỗ trợ ngư dân trong việc khai thác nguồn lợi biển hiệu quả và bền vững.
Bình Thuận còn được biết đến là một trong bốn ngư trường lớn nhất của cả nước với hệ sinh thái biển phong phú và đa dạng về chủng loại hải sản. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển ngành thủy sản, từ khai thác đến nuôi trồng và chế biến góp phần quan trọng vào nền kinh tế địa phương cũng như quốc gia. Ngoài ra, vùng ven biển Bình Thuận cũng sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch biển cùng các ngành dịch vụ liên quan. Những bãi biển đẹp, sạch, hoang sơ cùng với các khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp đã thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước tạo ra nguồn thu lớn cho tỉnh.
Tác động của con người lên môi trường biển nói chung
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho hay: “Theo nhiều tài liệu thì tài nguyên, môi trường biển đang bị suy giảm/suy thoái mà nổi lên vấn đề mang tính toán cầu chính là ô nhiễm nhựa, đặc biệt là vi nhựa trên nhiều vùng biển rộng lớn. Vì có hội nhập nên hầu như quốc gia nào cũng sử dụng nhiều vật liệu nhựa, cả trong sản xuất, tiêu dùng sau đó thải bỏ nhựa ra môi trường, rồi một lượng khá lớn rác nhựa sẽ ra các vùng biển và đại dương. Việt Nam là nước có bờ biển dài, có nhiều ngư dân sống nhờ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên biển nên việc suy thoái tài nguyên, chất lượng môi trường biển đang đe dọa không chỉ giảm lượng đánh bắt, nuôi trồng mà còn cả chất lượng thủy sản nữa”.
Trong những thập kỷ qua, môi trường biển đã chịu nhiều áp lực từ các hoạt động khai thác tài nguyên, đánh bắt cá quá mức, ô nhiễm từ các ngành công nghiệp và biến đổi khí hậu. Sự gia tăng dân số cùng với nhu cầu phát triển kinh tế đã dẫn đến việc khai thác nguồn lợi từ biển một cách thiếu kiểm soát gây suy thoái môi trường biển. Chẳng hạn, việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp và công nghiệp đã làm gia tăng lượng chất thải độc hại xâm nhập vào biển tạo ra hiện tượng phú dưỡng, làm suy giảm chất lượng nước biển.
Ngoài ra, tình trạng đánh bắt cá quá mức cũng đang đẩy nhiều loài sinh vật biển vào nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều vùng biển vốn là nơi sinh sống và phát triển của các loài cá quan trọng nay đã bị khai thác cạn kiệt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự cân bằng của hệ sinh thái biển mà còn đe dọa sinh kế của hàng triệu người phụ thuộc vào nguồn lợi biển.
Môi trường biển không chỉ là nguồn tài nguyên quý giá của nhân loại mà còn đóng vai trò quan trọng trong cân bằng hệ sinh thái toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay biển đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng do hoạt động của con người gây ra. Việc bảo vệ môi trường biển theo hướng bền vững là nhiệm vụ cấp bách, là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển lâu dài của các quốc gia ven biển và sức khỏe của hệ sinh thái toàn cầu.
Quyết tâmbảo vệ môi trường biển theo hướng bền vững
Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm quản lý, sử dụng và phát triển tài nguyên biển, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Tỉnh đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng cơ cấu sử dụng đất vùng ven biển và lập quy hoạch chi tiết, đảm bảo việc sử dụng đất hợp lý, phù hợp với đặc tính sinh thái của từng khu vực. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt chẽ khai thác nước mặt và nước ngầm vùng ven biển được thực hiện nhằm duy trì nguồn nước trong giới hạn phục hồi tự nhiên, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ tại các vùng ven biển mà còn trên các đảo và trong các hoạt động biển xa bờ.
Cùng với đó, tỉnh Bình Thuận đã đặt ra quy định nghiêm ngặt về kiểm soát nguồn thải trực tiếp từ các khu vực ven biển bao gồm các khu dịch vụ và du lịch dọc theo bờ biển. Nước thải từ các khu vực này phải được xử lý đạt chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển nhằm bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm. Hàng năm, tỉnh tổ chức đánh giá kết quả kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, công khai kết quả để người dân nắm rõ mức độ ô nhiễm cũng như các biện pháp đã thực hiện. Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng đến việc tuân thủ các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo. Đối với các dự án có nguồn thải ra biển, cơ quan quản lý môi trường tỉnh Bình Thuận tiến hành kiểm tra và hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt trước khi dự án đi vào hoạt động chính thức. Các hoạt động thu mua, chế biến thủy, hải sản ven biển và các cảng cá cũng được giám sát chặt chẽ, yêu cầu các chủ cơ sở phải tuân thủ quy định về thu gom, xử lý rác thải và nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số quy hoạch phát triển và khai thác tài nguyên ven biển tại Bình Thuận vẫn chưa được thực hiện một cách hợp lý và đồng bộ, dẫn đến hạn chế trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế biển. Ý thức và trách nhiệm của một bộ phận dân cư về việc sử dụng bền vững tài nguyên biển và bảo vệ môi trường trước những thách thức của biến đổi khí hậu còn thấp. Để khắc phục những hạn chế này, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu nâng cao giá trị sử dụng đất ven biển và xây dựng quy hoạch phân vùng sử dụng tài nguyên và môi trường biển. Quy hoạch này sẽ là cơ sở để tổ chức khai thác sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng tài nguyên biển một cách bền vững.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu, công tác bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên biển tại Bình Thuận vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Hiện trạng môi trường biển đang có dấu hiệu ô nhiễm, nguồn lợi thiên nhiên và đa dạng sinh học đang suy giảm nhanh chóng. Thói quen tiêu dùng của người dân, đặc biệt là việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần đang đặt ra sức ép lớn lên công tác quản lý và bảo vệ môi trường biển. Để khai thác hiệu quả và bền vững kinh tế biển, tỉnh Bình Thuận cần sự hợp tác chặt chẽ từ cả chính quyền và người dân, cần có sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc thay đổi nhận thức và thống nhất hành động. Các biện pháp như thay thế túi nilon khó phân hủy bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là trong các hoạt động đánh bắt xa bờ cần được thực hiện đồng bộ để bảo vệ môi trường biển và đảm bảo sự phát triển bền vững cho tương lai.
Thanh Trúc