Bình Thuận: Tín hiệu phục hồi để phát triển đột phá cho ngành du lịch
Để phát huy được hết các tiềm năng về du lịch, Bình thuận đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược dài hơi để du lịch phát triển bền vững và là ngành mũi nhọn của tỉnh.
Nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển ngành du lịch.
Nhằm khẳng định vị thế du lịch và định hướng giai đoạn mới cho phát triển du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại Nghị quyết 06-NQ/TU nêu rõ, ngành du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; Sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng; số ngày lưu trú của du khách còn ngắn; môi trường, cảnh quan du lịch chưa thật sự xanh, sạch, đẹp; số dự án du lịch chậm triển khai còn nhiều. Khả năng kết nối, liên kết vùng trong phát triển du lịch còn hạn chế; công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, hình ảnh du lịch Bình Thuận chưa được đầu tư đúng mức; du lịch chưa thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết 06-NQ/TU đã đặt ra những mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025: Đón 8,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10 - 12%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng(4), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 18 - 20%/năm. Du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10 - 11%.
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Bình Thuận đón 16 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 15 - 20%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 từ 20 - 22%/năm. Du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 12 - 13%. Quy hoạch và xây dựng nền tảng pháp lý, chính sách để Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, tỉnh Bình Thuận đưa đưa ra những giải pháp mang tính chiến lược như hoàn thiện quy hoạch, chính sách, xây dựng hệ sinh thái du lịch Bình Thuận; hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước trong phát triển du lịch, nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, hiện nay Bình Thuận đã và đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch du lịch tích hợp trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hình lại không gian phát triển du lịch ở một số khu vực ven biển và các khu vực tiềm năng để thu hút đầu tư các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí... cao cấp. Phối hợp với các ngành trung ương khẩn trương hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông, đoạn đi qua địa bàn tỉnh), cảng hàng không Phan Thiết; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 28B; hoàn thành các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với quốc lộ 1A...
Đồng thời, định hướng thu hút đầu tư và phát triển đa dạng với các loại hình du lịch biển, thể thao, giải trí; du lịch văn hóa; du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái rừng - biển - đồi cát, du lịch cộng đồng... Xây dựng chiến lược định vị thương hiệu du lịch Bình Thuận, xây dựng khu du lịch Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tín hiệu mừng cho ngành du lịch trong trạng thái “bình thường mới”
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận, giai đoạn 2016-2020, du lịch tỉnh Bình Thuận có sự phát triển tích cực. Chất lượng dịch vụ du lịch được nâng lên, lượng du khách và doanh thu du lịch tăng đều hàng năm, thương hiệu và uy tín được giữ vững, từng bước trở thành địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước.
Tuy nhiên, ngành du lịch của tỉnh Bình Thuận phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng; số ngày lưu trú của du khách còn ngắn. Khả năng kết nối, liên kết vùng trong phát triển du lịch còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, hình ảnh du lịch Bình Thuận chưa được đầu tư đúng mức, chưa thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong quý I/2022, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, nhờ áp dụng các giải pháp tích cực nhằm phục hồi và thích ứng trong trạng thái “bình thường mới” hoạt động du lịch diễn ra khá tốt và có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Nhất là trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, lượng khách đến tỉnh tăng so với năm trước. Kết quả này là nhờ có nhiều yếu tố thuận lợi như: 90% doanh nghiệp được mở cửa đón khách trở lại đã chuẩn bị phục vụ du khách khá chu đáo, xây dựng các chương trình giảm giá kích cầu du lịch, triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chú trọng chất lượng dịch vụ, thời tiết tốt, giao thông được cải thiện, tình hình vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự ở các khu, tuyến, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được bảo đảm; công tác cứu nạn, cứu hộ trên các bãi tắm dọc theo tuyến biển, các hồ bơi ở các Resort được quan tâm chú ý bảo đảm an toàn cho du khách… thu hút lượng khách lớn từ các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên đến tỉnh ta tham quan, nghỉ dưỡng.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có 592 cơ sở lưu trú du lịch, với tổng số 17.433 phòng. Đã xếp hạng 60 cơ sở lưu trú, với 5.275 phòng (5 sao 04 cơ sở với 960 phòng, 4 sao có 24 cơ sở với 2.796 phòng, 3 sao có 12 cơ sở với 913 phòng, 2 sao có 12 cơ sở với 450 phòng, 1 sao có 08 cơ sở với 183 phòng, loại hình khách sạn 205 cơ sở với 7.487 phòng, nhà nghỉ 223 cơ sở với 3.550 phòng, nhà ở có phòng cho thuê 99 cơ sở với 1.272 phòng).
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện nay toàn tỉnh chỉ còn 10 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành (07 lữ hành quốc tế, 03 lữ hành nội địa). Các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch như: vận chuyển, ăn uống, mua sắm, spa, thể thao trên biển… tiếp tục có chuyển biến về chất lượng phục vụ, đáp ứng được yêu cầu khách du lịch quốc tế và trong nước.
Chỉ tính riêng trong tháng 2/2022, Bình Thuận đón gần 340.000 lượt khách du lịch, tăng 25,38% so với tháng trước và 12,92% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng 2/2022 ước đạt 296 tỷ đồng, tăng 25,46% so với tháng trước; lũy kế hai tháng đầu năm đạt trên 531 tỷ đồng. Riêng khách quốc tế (chủ yếu là các chuyên gia và người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam) trong tháng 2 đạt 5.200 lượt, nâng số khách quốc tế đến Bình Thuận trong hai tháng đầu năm lên trên 10.000 lượt khách.
Còn trong tháng 3/2022, theo số liệu của Cục Thống kê, toàn tỉnh ước đón 332.000 lượt khách (tăng gần 2% so cùng kỳ năm ngoái). Tính chung quý I/2022 du lịch Bình Thuận đón khoảng 940.600 lượt khách (giảm 9,3% so cùng kỳ).
Riêng khách quốc tế, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ước đón 10.300 lượt (giảm xấp xỉ 15% so cùng kỳ năm trước), hiện khách Hàn Quốc là đối tượng chiếm tỷ trọng cao trong lượt khách đến Bình Thuận… Về doanh thu từ hoạt động du lịch, với thêm 643,7 tỷ đồng trong tháng 3 đã nâng doanh thu quý đầu năm I/2022 tại địa phương ước đạt hơn 1.900 tỷ đồng (giảm 16,17% so cùng kỳ năm trước).
Trước đó, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Nam Long - Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết đánh giá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy để kích hoạt lại ngành du lịch, thành phố sẽ tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp và du khách. Cụ thể triển khai rà soát tiêm ngừa vaccine, tổng vệ sinh bờ biển, tăng cường truyền thông để du khách an tâm, cảm thấy an toàn khi đến du lịch, nghỉ dưỡng.
Tùng Anh