Thứ ba, 30/04/2024 23:35 (GMT+7)
Thứ bảy, 05/11/2022 14:00 (GMT+7)

Bình Thuận: Thực hiện chặt chẽ các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước

Theo dõi KTMT trên

Tại diễn đàn về bảo vệ nguồn nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn khu vực miền Trung, Tây nguyên, Sở TN&MT Bình Thuận đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước tại các công trình cấp nước tập trung.

Chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết

Vừa qua tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã diễn ra “Diễn đàn các tổ chức chính trị, xã hội tham gia bảo vệ nguồn nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn khu vực miền Trung, Tây nguyên”. Phát biểu tại diễn đàn, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện nay, nguồn tài nguyên nước chủ yếu dựa vào nước mặt của 7 lưu vực sông chính, bao gồm: Lòng Sông, Lũy, Cái, Cà Ty, Phan, Dinh và La Ngà (tập trung nhiều ở lưu vực sông Lũy, La Ngà). Tổng chiều dài của các sông (tính cả sông chính và phụ) trên địa bàn tỉnh rơi vào khoảng 1.977 km.

Một trong những khó khăn về thời tiết hiện đang diễn ra tại khu vực là lượng nước phân bố không đều theo không gian và thời gian. Cụ thể, mùa khô tại địa phương kéo dài từ  6-7 tháng nhưng với lượng mưa chỉ chiếm 10-15%, trong khi mùa mưa chỉ kéo dài 5-6 tháng nhưng lượng nước lại chiếm tới 85-90% tổng lượng mưa. Từ sự phân bố bất lợi này đã khiến cho khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng hạn hán khắc nghiệt trong mùa khô và lũ lụt ngập úng nghiêm trọng vào mùa mưa.

Bình Thuận: Thực hiện chặt chẽ các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước - Ảnh 1
Tỉnh Bình Thuận chú trọng công tác bảo vệ tài nguyên nước

Không chỉ vậy, trong những năm gần đây, tại địa phương còn xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan, diễn biến có dấu hiệu ngày càng bất thường, nền nhiệt độ không khí có xu hướng tăng, xu thế biến đổi lượng mưa giảm trong các tháng mùa khô, tăng lên các tháng mùa mưa, khiến thiên tai hạn hán và lũ lụt ngày càng khắc nghiệt hơn.

Vào những tháng mùa khô nguồn nước rơi vào tình trạng bị thiếu hụt trầm trọng bởi hạn hán. Nguồn nước ngầm cũng vì thế mà ít hơn, đặc biệt có dấu hiệu bị nhiễm mặn, phèn. Lượng nước trung bình vào mùa này theo như tính toán thì chỉ đáp ứng được một phần nhỏ cho việc sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Nghiêm khắc hơn trong việc xử lý vi phạm

Trước tình hình đó, tại buổi diễn đàn, Sở TN&MT đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao công tác quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước tại các công trình cấp nước tập trung.

Dự kiến trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các công trình khai thác, triệt để việc sử dụng tài nguyên nước để cấp nước nhưng chưa có giấy phép tài nguyên nước, nghiêm túc chấp hành việc lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định nhằm đảm bảo việc kiểm soát hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước, chất lượng nước, tăng thu ngân sách qua việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tài nguyên nước (tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, thuế tài nguyên).

Trên địa bàn các huyện, thị xã trong khu vực, Sở đặc biệt nghiêm cấm đối với hoạt động xây dựng, sản xuất, khai thác tài nguyên, nuôi trồng thủy sản, xả nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, rác thải, xác động vật, tắm giặt trên các sông, suối, kênh, hồ là nguồn nước đầu vào của các nhà máy nước cấp sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh, chất lượng nguồn nước.

Riêng các khu vực lấy nước mặt thì buộc địa phương phải trang bị biển báo giới hạn khu vực bảo vệ nguồn nước, bộ phận chắn rác tại vị trí lấy nước để người dân được biết và thực hiện theo đúng quy định; khu vực khai thác nước dưới đất phải có hàng rào bảo vệ xung quanh các giếng, hạn chế xả thải theo hình thức thấm đất vào khu vực bảo hộ các giếng khai thác.

Bình Thuận: Thực hiện chặt chẽ các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước - Ảnh 2
Đoạn sông Cà Ty chảy qua thành phố Phan Thiết  (Ảnh baobinhthuan)

Bên cạnh đó, theo Sở TN&MT, việc quy hoạch xây dựng các nhà máy nước ở gần các nguồn nước thô (hồ chứa, sông, suối), tạo thuận tiện lấy nguồn nước thô phục vụ sản xuất nước sinh hoạt, thuận tiện quản lý, bảo vệ vệ sinh nguồn nước. Nhà máy xa nguồn nước thô cần xây dựng các tuyến ống kín cấp nước thô độc lập, tách biệt với hệ thống kênh dẫn phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngoài ra các công trình lấy nước từ kênh hở, cần phải bê tông hóa các kênh này bằng cách hàng năm đầu tư kiên cố các tuyến kênh chính, ưu tiên nâng cấp, kiên cố tuyến kênh dẫn nước phục vụ sinh hoạt, tăng cường công tác bảo trì hệ thống, hạn chế tối đa thất thoát nguồn nước.

Ngành chức năng sẽ khẩn trương lập hành lang bảo vệ nguồn nước tại các hồ chứa, sông suối, gắn camera ở các công trình hồ chứa nước bảo vệ an ninh an toàn hồ chứa và nguồn nước. Chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm thực hiện tuyên truyền vận động người dân không xâm phạm hành lang bảo vệ công trình, nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

Trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác nước của công trình và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác, phải kịp thời ngăn chặn, đồng thời xử lý nghiêm khắc để lấy đó làm tiền đề thực hiện các quy định.

Đánh giá sơ bộ về hiệu quả thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn, Phó giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận, ông Đỗ Văn Thái cho hay: Hàng năm, Sở TN-MT đều thực hiện kiểm tra yêu cầu các chủ công trình thực hiện việc giám sát mực nước, lưu lượng, chất lượng nước tại công trình khai thác, tổng hợp kết quả quan trắc, báo cáo về sở theo dõi.

“Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh đã và đang được các cơ quan chính quyền đốc thúc thực hiện một cách chặt chẽ. Các chủ công trình cơ bản đều nắm bắt quy định pháp luật về tài nguyên nước, thực hiện quy định có giấy phép. Về công tác kiểm tra, giám sát Sở TM&MT cũng đã thực hiện triển khai thường xuyên. Các công trình khai thác khác được xây dựng đúng tại vùng bảo vệ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, cơ sở bảo vệ nguồn nước khu vực khai thác”, ông Thái nói.

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Thực hiện chặt chẽ các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).