Bình Thuận: Đẩy mạnh các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu
Trước tác động ngày càng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, Bình Thuận đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại và đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Mới đây, trong buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban Khoa học của Hội Kinh tế môi trường Việt Nam chia sẻ: “Các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) rất đa dạng, có thể triển khai từ cá nhân đến cộng đồng, quốc gia và toàn cầu. Về nguyên tắc, để thích ứng hiệu quả cần nâng cao nhận thức và khả năng dự báo các tình huống do BĐKH gây ra. Đồng thời, việc chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để đối phó với các hiện tượng khắc nghiệt như bão, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng và nhiệt độ cực đoan là vô cùng quan trọng, giúp giảm thiểu thiệt hại và tránh tình trạng bị động khi sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cá nhân và cộng đồng trong các hoàn cảnh khó khăn do BĐKH cũng là yếu tố cần thiết để ứng phó hiệu quả. Mặc dù các nguyên tắc này có vẻ đơn giản, nhưng thực tế đôi khi chúng ta thiếu sự chú ý, dẫn đến việc không đủ khả năng chống đỡ khi sự cố xảy ra. Như vậy, thích ứng với BĐKH không chỉ là cách giảm thiểu tác động mà còn là cách chủ động đối phó, ngăn ngừa sự cố và hạn chế hậu quả khi đã hiểu rõ nguyên nhân gây ra BĐKH”.
Thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là các biện pháp tạm thời nhằm giảm thiểu thiệt hại trước mắt mà còn đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn và sự chuẩn bị toàn diện từ mọi cấp độ. Ở quy mô cá nhân, mỗi người cần nhận thức rõ những nguy cơ mà BĐKH mang lại để chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó với những biến đổi cực đoan của thời tiết, bao gồm việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, điều chỉnh thói quen sinh hoạt để giảm tác động đến môi trường và học cách đối phó với các tình huống khẩn cấp. Ở quy mô cộng đồng và quốc gia, cần xây dựng các chiến lược cụ thể để gia tăng khả năng chống chịu trước những rủi ro do BĐKH như phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, cải thiện hệ thống cảnh báo sớm và xây dựng các khu vực phòng hộ. Việc xây dựng các mối liên kết và hợp tác quốc tế giúp tăng cường khả năng ứng phó, đặc biệt là trong các khu vực dễ bị tổn thương. Quan trọng hơn, chúng ta cần kết hợp giữa thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH, thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ sinh thái và đầu tư vào năng lượng tái tạo, từ đó không chỉ ngăn chặn những hậu quả xấu nhất mà còn đảm bảo một tương lai bền vững cho thế hệ sau.
Trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến đời sống và kinh tế tại địa phương, ngày 26/8 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) cùng các chuyên gia tư vấn từ nhiều trung tâm nghiên cứu và trường đại học trên cả nước để tổ chức diễn đàn đổi mới khí hậu đa bên - "CIPs". Diễn đàn này tập trung vào chủ đề "Thông tin khí hậu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai". Đây là một nỗ lực thiết thực nhằm tăng cường năng lực ứng phó của địa phương trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, đồng thời kết nối tri thức và giải pháp từ nhiều tổ chức, qua đó thúc đẩy các sáng kiến bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Diễn đàn nhằm tạo ra chuỗi giá trị hợp tác, thảo luận về những thách thức do biến đổi khí hậu mang lại, thúc đẩy các giải pháp sáng tạo giúp hệ thống nông nghiệp có khả năng chống chịu tốt hơn trước các hiện tượng thời tiết cực đoan. Thông qua đó, các chuyên gia đã đề xuất những sáng kiến nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, giảm thiểu rủi ro từ thiên tai, hạn hán và tăng cường quản lý nguồn nước tại Bình Thuận. Diễn đàn cũng nhấn mạnh đến việc hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Tại diễn đàn, đại diện UNDP cho rằng cần tăng cường nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của nông hộ quy mô nhỏ dễ bị tổn thương. Tăng cường khả năng chống chịu cho sinh kế của nông hộ nhỏ thông qua nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận thông tin khí hậu, tài chính và thị trường.
Đây là dự án thuộc nhóm C được triển khai tại huyện Hàm Thuận Nam và huyện Đức Linh, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến ngày 9/6/2026. Tổng mức đầu tư cho dự án là 49,6 tỷ đồng, trong đó 43,383 tỷ đồng là vốn tài trợ không hoàn lại và 6,226 tỷ đồng từ nguồn vốn đối ứng của ngân sách tỉnh để quản lý và chi trả các chi phí liên quan.
Ông Trần Nguyên Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết trong những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái và phát triển bền vững. Các hoạt động bao gồm chuyển đổi cơ cấu và giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, áp dụng kỹ thuật sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh cũng chú trọng nâng cao kiến thức và năng lực thích ứng cho người dân tại những vùng dễ bị tổn thương do khí hậu, đảm bảo sinh kế bền vững.
Việc phát triển thị trường carbon được xem là một hướng đi quan trọng. Các địa phương, đặc biệt là vùng ven biển, vùng núi cao và những khu vực dễ bị tổn thương, cần chủ động xây dựng các phương án phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Đồng thời, nâng cấp hệ thống hồ chứa nước, đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ ven biển và rừng phòng hộ đầu nguồn cùng với việc bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông là những giải pháp thiết yếu.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực quản lý môi trường nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm và suy thoái tài nguyên một cách hiệu quả.
Thanh Trúc