Bình Dương: Từ tỉnh công nghiệp năng động đến đô thị hiện đại
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ đến năm 2030 Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 3/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chính thức phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đặt ra các mục tiêu rõ ràng và đầy tham vọng, định hình con đường phát triển của Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời khẳng định vị thế của tỉnh như một trong những trung tâm phát triển năng động và toàn diện của khu vực Đông Nam Á.
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, Bình Dương đã đặt ra những mục tiêu cụ thể về kinh tế và xã hội. Tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm khoảng 10%, GRDP bình quân đầu người đạt 15.800 USD vào năm 2030. Cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong Quy hoạch nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển. Bình Dương cần tích cực phối hợp với các chương trình phát triển quốc gia, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và các địa phương lân cận để mở rộng kết nối giao thông, đặc biệt là với các cảng biển lớn như Cái Mép Thị Vải và Cần Giờ, các cảng hàng không quốc tế như Tân Sơn Nhất và Long Thành, cũng như các cửa khẩu quốc tế như Mộc Bài - Tây Ninh và Hoa Lư - Bình Phước.
Quy hoạch cũng đề xuất tăng cường kết nối về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để chuyển đổi hệ sinh thái phát triển, hợp tác phát triển các hành lang đô thị sinh thái dọc sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Đặc biệt, tỉnh cần xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối quốc tế nhằm nâng cao vị thế và tham gia vào chuỗi sản xuất, dịch vụ toàn cầu, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao và dịch vụ công nghiệp.
Một trong những khâu đột phá quan trọng là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thông qua đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ hiện đại. Bình Dương sẽ tập trung vào việc phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, và chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có ứng dụng khoa học công nghệ cao.
Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một ưu tiên hàng đầu với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và thu hút nhân tài. Quy hoạch cũng nhấn mạnh việc xây dựng nền tảng giáo dục gắn kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp, từ giáo dục phổ thông đến đại học, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Phát triển các khu đô thị mới tại Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Dĩ An và Thuận An sẽ tạo dư địa để tái phát triển khu vực đô thị hiện hữu, đồng thời dịch chuyển các hoạt động logistics lên khu vực dọc Vành đai 4 – vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Với những định hướng và giải pháp rõ ràng, Bình Dương đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, năng động và bền vững. Những nỗ lực này không chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương mà còn nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường toàn cầu. Thành công của quá trình này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho cư dân của tỉnh mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Bình Dương đang chứng minh rằng sự phát triển đồng bộ và bền vững có thể tạo ra một mô hình mẫu cho các tỉnh, thành phố khác trong việc hướng tới một tương lai xanh và thịnh vượng.
Uy Đạt