Bình Dương: Nhà dân nứt toác vì thi công dự án chống ngập
Hàng chục căn nhà bị nứt, mất ăn mất ngủ vì thiếu an toàn, nguy cơ ô nhiễm là thực tế mà người dân sống quanh khu vực ngã ba Cống (KP3, P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một) đang phải đối mặt do thi công dự án chống ngập gây ra.
Đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Phản ánh đến Tạp chí Kinh tế Môi trường, hàng chục hộ dân sinh sống ở KP3, P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết, những ngày qua họ đang phải đối mặt với những nguy cơ mất an toàn, đời sống kinh doanh, sinh hoạt bị đảo lộn bởi hoạt động thi công dự án cải tạo tuyến rạch Thầy Năng xử lý điểm ngập đường Thích Quảng Đức, đoạn từ ngã ba Cống đến cầu Bà Hên.
Chị P, một hộ dân trên đường Thích Quảng Đức cho biết, những ngày qua, công việc kinh doanh của gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì một đoạn tuyến đường Thích Quảng Đức bị bịt kín để phục vụ việc thi công cải tạo, xử lý ngập úng. Việc rào kín để thi công khiến tuyến đường bị chia cắt khiến việc sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh cũng bị giảm sút khoảng 50 - 70% so với những ngày thường.
"Trước đó, thông qua các phương tiện truyền thông chúng tôi được biết đến sau Tết nguyên đán 2024 thì đoạn rạch qua đường Thích Quảng Đức mới tiến hành thi công và cũng đã chuẩn bị tinh thần. Thế nhưng, sau khi việc thi công ở cầu Bà Hên tạm ổn thì những đơn vị có liên quan bất ngờ thông tin sẽ thi công ngay đoạn rạch qua đường Thích Quảng Đức. Việc thay đổi kế hoạch khiến người dân vô cùng bất ngờ và trở tay không kịp, bởi đây là tuyến đường đông đúc, nhiều người qua lại. Đặc biệt là dịp Tết nguyên đán 2024 đã cận kề, người kinh doanh đã chuẩn bị hàng hóa để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuyến đường bị ngăn lại như thế này thì không thể làm ăn kinh doanh gì được nữa", chị P. chia sẻ.
Tương tự, một hộ dân khác sống ngay cạnh lô cốt mới được đơn vị thi công dựng lên cho hay, từ khi lô cốt dựng lên, tiếng khoan nhồi cọc đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc sinh hoạt của gia đình. Không chỉ vậy, do độ rung của các thiết bị máy móc trong quá trình thi công cũng đã làm cho căn nhà đứng trước nguy cơ mất an toàn. Nhiều vị trí tường nhà bị nứt kéo hàng chục centimet và mỗi ngày một nghiêm trọng hơn. Trước tình trạng trên, hộ gia đình này cũng đã kiến nghị với đơn vị thi công và địa phương để có những phương án thi công đảm bảo an toàn hơn, đồng thời phải có những phương án khắc phục ngay để người dân an tâm hơn.
"Tôi lớn tuổi rồi, có đêm vừa đặt lưng xuống ngủ thì nghe thấy nhiều tiếng động lớn rồi cảm nhận thấy căn nhà mình rung như bị động đất. Mỗi lần như vậy tôi lại nằm nép sát vào phía trong tường vì sợ nhà bị sập. Nhà tôi có cháu nhỏ, lúc trước đi học về thương hay xuống phía dưới để chơi, nhưng giờ tương bị nứt, phần ban công không còn an toàn nên không dám cho xuống để ngồi chơi nữa. Chỉ mong việc thi công sớm hoàn thiện để cuộc sống trở lại bình thường", ông N. lo lắng.
Đi dọc tuyến rạch Thầy Năng, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường ghi nhận hàng chục căn nhà của các hộ dân khác cũng gặp tình trạng nứt toác, một số bức tường ngăn, bậc tam cấp bị nứt toác với khoảng hở hàng chục cm, nhiều vị trí cửa nhà, cửa hàng rào không thể đóng kín vì bị xô lệch.
Không chỉ nhà bị nứt tiềm ẩn nguy cơ đổ sập, việc tuyến rạch bị đào sâu và sát với công nhà dân làm cho việc đi lại trở nên vô cùng khó khăn. Mặc dù đơn vị thi công đã tiến hành rào chắn để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho việc thi công, thế nhưng nhiều người dân cho rằng những phương án này vẫn còn sơ xài, không đảm bảo an toàn.
"Chúng tôi rất ủng hộ những chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Thế nhưng, cũng phải căn cứ vào thực tế để có những biện pháp thi công, xây dựng đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực để cuộc sống sinh hoạt, kinh doanh của bà con. Việc thi công kéo dài nhiều tháng chứ không phải một hai ngày, vậy nên đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công dự án và địa phương phải có những giải pháp tức thời để người dân yên tâm làm ăn", anh S. mong mỏi.
Nếu không làm nhanh thì bà con sẽ thiệt hại nhiều hơn
Trước những phản ánh của người dân KP3, P. Phú Cường về việc thi công dự án chống ngập làm ảnh hưởng tới đời sống bà con, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ với Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ đầu tư dự án) để có những thông tin khách quan.
Phản hồi về những câu hỏi của phóng viên, ông Vũ Tiến Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết, có báo cáo tiến độ dự án và giải pháp khắc phục, sửa chữa nhà dân bị nứt, sụt lún do quá trình thi công dự án cải tạo tuyến rạch Thầy Năng xử lý điểm ngập đường Thích Quảng Đức, đoạn từ ngã ba Cống đến cầu Bà Hên.
Theo ông Sơn, ngay sau khi nhận được thông tin, chủ đầu tư, đơn vị thi công đã phối hợp với địa phương để tổ chức buổi họp để ghi nhận ý kiến của người dân. Đồng thời, chủ đầu tư và các bên có liên quan đã nhanh chóng tổ chức ghi nhận các trường hợp bị ảnh hưởng, lập biên bản từng trường hợp để làm cơ sở cho đơn vị Bảo hiểm công trình thực hiện đánh giá ghi nhận và thông báo tổn thất.
Căn cứ vào kết quả đánh giá của bên Bảo hiểm công trình, trong thời gian từ 15-19/01/2024, chủ đầu tư sẽ chủ trì phối hợp với nhà thầu thi công, chính quyền địa phương đến các hộ dân (có nhà, kiến trúc) bị ảnh hưởng để thông nhất phương án khắc phục. Và việc sửa chữa khắc phục sẽ hoàn thành trước Tết nguyên đán 2024 để người dân ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, trong thời gian tới chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan sẽ thường xuyên cử cán bộ giám sát, chỉ huy công trình để kiểm tra, giám sát, theo dõi mức độ ảnh hưởng để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của người dân trong suốt quá trình thi công.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân gây ra sự cố, chủ đầu tư dự án cho hay, do yếu tố địa chất rất mềm, hố móng sâu, nhiều nhà ở và công trình phụ của người dân nằm sát ranh giải phóng mặt bằng, có nền móng yếu, mật độ xây dựng cao,... Và những việc này cũng đã được chủ đầu tư và các bên có liên quan tiến hành đánh giá, dự liệu trước khi tiến hành thi công.
Với sự chủ động, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu thi công sử dụng các máy móc hiện đại và áp dụng các giải pháp thi công tối ưu nhất nhằm giảm thiểu thấp nhất việc ảnh hưởng đến nhà dân. Đồng thời, chủ đầu tư cũng lựa chọn nhà thầu Bảo hiểm công trình và đề nghị nhà thầu thi công mua thêm gói bảo hiểm tăng cường cho các bên thứ 3 tại công trình để hỗ trợ giải quyết những phát sinh thiệt hại (nếu có) trong quá trình thi công.
"Chúng tôi rất mong người dân thông cảm, chia sẻ cùng chủ đầu tư, đơn vị thi công để dự án sớm hoàn thiện đi vào hoạt động. Dự liệu trước những khó khăn, chúng tôi đã mua các gói bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho người dân, thuê vị trí để bà con gửi xe,.... luôn ghi nhận là giải quyết kịp thời những khúc mắc của người dân.
Đây là một trong những điểm đen về ngập lụt của TP trong nhiều năm qua và đã gây nhiều thiệt hại, nếu tiếp tục kéo dài thì mức độ thiệt hại đối với bà con sẽ lớn hơn nữa. Trước thực tế đó, chủ đầu tư và các bên có liên quan đã thống nhất đẩy nhanh tiến độ dự án, làm liên tục 3 ca/ngày, chúng tôi cố gắng khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo hoàn thành mục tiêu của dự án.
Dự án hoàn thiện, sẽ không còn cảnh ngập úng, sẽ không còn thiệt hại, người dân không phải lo lắng mỗi khi mùa mưa đến, đời sống sinh hoạt, tình hình kinh doanh, cảnh quan môi trường được đảm bảo hơn.
Chúng tôi ghi nhận và cảm ơn những phản ánh của người dân, của báo chí, đối với những điều còn thiếu sót, chúng tôi sẽ yêu cầu nhà thầu khắc phục ngay và sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ quá trình thi công để giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến đời sống của bà con", ông Vũ Tiến Sơn nhấn mạnh.
Dự án cải tạo tuyến rạch Thầy Năng xử lý điểm ngập đường Thích Quảng Đức, đoạn từ ngã ba Cống đến cầu Bà Hên do Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư và được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại Quyết định số 2235/QĐ-UBND ngày 11/08/2020.
Tiếp đó, vào tháng 8/2021 chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công với mục tiêu là tiêu thoát nước cho diện tích lưu vực của dự án khoảng 435 ha; Đảm bảo việc lưu thông, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong vùng; Tạo cảnh quan khu vực, góp phần bảo vệ môi trường và chính trang độ thị phù hợp với quy hoạch của TP. Thủ Dầu Một.
Dự án có tổng dài khoảng 370m và có tổng mức đầu tư hơn 172 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 16 tỷ. Dự án khởi công từ ngày 19/5/2023 và dự kiến hoàn thành tháng 12/2024.
Sau khi cải tạo, mở rộng rạch Thầy Năng đoạn từ ngã ba Cống (đường Thích Quảng Đức) đến cầu bà Hên (đường Cách Mạng Tháng Tám) sẽ có quy mô thoát nước rộng hơn (kênh, cống, cầu) hiện hữu từ 2 đến 6,2 lần.
Thanh Tùng