Bệnh nhi nhập viện tăng đột biến do cúm A và ô nhiễm không khí
Trong thời điểm ô nhiễm không khí và mùa cúm A hiện nay, bệnh đường hô hấp nhất là ở trẻ nhỏ đang gia tăng, với nhiều trường hợp phải nhập viện.
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 17/12 tại các khoa khám bệnh của Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), số lượng bệnh nhân vào khám và nhập viện tăng cao giữa tiết trời giao mùa và ô nhiễm không khí vượt ngưỡng.
Tại Khoa nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, BS. Phạm Thị Như Hoa cho biết, ngày cao điểm nhất, khoa nhi tiếp nhận tới 200 bệnh nhân, trong đó có cả các trường hợp nhập viện và các ca nội trú cũng tăng nhiều. Trong đó, các ca bệnh về đường hô hấp gặp nhiều nhất. BS. Hoa khuyến cáo, các bậc phụ huynh lưu ý những biểu hiện về đường hô hấp để đưa trẻ đi khám kịp thời.
Bác sĩ Phạm Thị Như Hoa đang khám cho một bệnh nhi. |
Bác sĩ cũng lưu ý đang là mùa dịch cúm A, nên phụ huynh phải lưu ý khi trẻ bị sốt cao: “Trẻ lớn đi học, cần lưu ý vì đang mùa dịch cúm A. Nếu có biểu hiện sốt phải lưu ý để cách ly trẻ, tránh để bệnh lây lan. Đã có trường hợp phụ huynh đưa con đến khám cho biết, ở lớp trẻ có tới 10 bạn nghỉ học vì sốt. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là trẻ sốt, sốt cao. Đặc biệt, đang có dịch cúm A nên trẻ sốt thường lên tới 39-40 độ. Nhiều bố mẹ cho con uống hạ sốt ở nhà, nhưng không đỡ nên đã đưa trẻ vào khám. Những biến chứng sau đó có thể là trẻ ho nhiều hơn, bị viêm phế quản hoặc viêm phổi.“Thời điểm giao mùa, thay đổi thời tiết, bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ rất dễ gặp, nhất là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hay gặp viêm tiểu phế quản. Do vậy, bố mẹ cần giữ ấm cho con, cho uống đủ nước. Ô nhiễm không khí thời điểm này đang vượt ngưỡng, các bậc phụ huynh cần lưu ý trang bị khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài, hạn chế ra đường vào thời điểm ô nhiễm đỉnh điểm”, BS Hoa khuyến cáo.
Cũng theo BS Hoa, trong năm 2019, đợt dịch sốt xuất huyết và dịch cúm A bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhất, tới hàng trăm ca. Còn trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 50-60 ca.
Người già và trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết và cúm mùa. |
BS. Đoàn Thị Anh Đào, Phó Khoa Nội tổng hợp, BV Thanh Nhàn cho biết, khoa thường tiếp nhận những ca bệnh nặng. Các bệnh nhân ngoài bệnh lý viêm đường hô hấp dưới còn có nền bệnh lý mãn tính, như phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, suy thận, suy tim… Do vậy, các triệu chứng lâm sàng của bệnh không rõ ràng và bệnh cảnh nhiều khi không tương xứng với tình trạng lâm sàng bên ngoài, nên bệnh nhân rất dễ chủ quan và bỏ qua dẫn đến việc khi vào viện tình trạng đã rất nặng.Tại Khoa Nội tổng hợp, BV Thanh Nhàn, một tháng trở lại đây, bệnh nhân có bệnh lý hô hấp dưới, như viêm phế quản, viêm phổi… nhập viện tăng cao hơn so với các tháng trước, khoảng 20-30%.
BS. Đoàn Thị Anh Đào thăm khám cho bệnh nhân. |
Các bác sĩ lưu ý việc đề phòng các bệnh lý về viêm phế quản là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt với trẻ em và những người có bệnh lý mãn tính. Vào thời điểm giao mùa, chênh lệch nhiệt độ, đặc biệt phải giữ ấm cơ thể và giữ môi trường xung quanh xanh sạch càng được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Một số gia đình có con nhỏ đã đầu tư mua máy lọc không khí…“Một phần do đây là mùa dịch cúm, mùa của bệnh lý đường hô hấp dưới, đặc biệt thời gian gần đây, các vấn đề liên quan đến ô nhiễm, khói bụi cũng ảnh hưởng. Dù chúng tôi chưa có thống kê tỉ lệ thay đổi thế nào, ảnh hưởng của khói bụi ra sao. Nhưng rõ ràng, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện trong thời gian này có cao hơn. Các triệu chứng là người bệnh bị sốt, đau ngực, khó thở và ho. Người bệnh cần lưu ý các triệu chứng này để đi khám”, BS Đào nói.
Với các bệnh nhân có bệnh mãn tính, các bác sĩ khuyến cáo nên tiêm phòng vaccine cúm, để giảm tỉ lệ viêm phế quản, viêm phổi do các nguyên nhân do virus hoặc do phế cầu.