Bệnh nhân thứ 17 khai báo y tế không trung thực tại sân bay
Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết bệnh nhân N.H.N. (bệnh nhân thứ 17) đã khai báo y tế không trung thực.
Bệnh nhân thứ 17 khai báo không trung thực
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 8/3, tại Việt Nam đã ghi nhận tổng số 30 trường hợp nhiễm Covid-19 tại 10 tỉnh, thành phố. Giai đoạn từ ngày 5/3 đến nay, đã ghi nhận 14 trường hợp mắc, trong đó có 12 người từ nước ngoài về (3 người Việt Nam, 9 người nước ngoài) và 2 trường hợp lây nhiễm thứ phát.
Đáng chú ý, có 11 trường hợp nhập cảnh nhập cảnh vào Việt Nam ngày 2/3 trên chuyến bay VN0054 của Vietnam Airlines; trong đó có bệnh nhân N.H.N, 26 tuổi (bệnh nhân 17) của Việt Nam.
Sức khỏe của bệnh nhân N.H.N. vẫn đang tiến triển tốt. |
Theo bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), bệnh nhân N.H.N. đã được yêu cầu khai báo y tế ngay khi xuống sân bay Nội Bài vào rạng sáng 2/3. Tuy nhiên, nữ hành khách đã khai báo không trung thực dẫn đến việc bỏ lọt một ca bệnh nguy hiểm.
"Khi hành khách khai xong, chúng tôi có phỏng vấn, điều tra thêm nhưng người này vẫn khẳng định chỉ đi từ Anh chứ không qua các nước khác", ông Tuấn khẳng định khi trao đổi với Zing news.
Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng cho biết cơ quan này chịu trách nhiệm kiểm tra tờ khai y tế tại sân bay, còn việc kiểm tra hộ chiếu của hành khách do An ninh cửa khẩu Nội Bài thực hiện.
"Qua kiểm tra hộ chiếu cũng không phát hiện dấu vết hành khách từng đến Italy, nếu phát hiện được chắn chắn chúng tôi đã yêu cầu cách ly ngay từ sân bay" - ông Tuấn cho hay.
Vì vậy, lãnh đạo CDC Hà Nội nhấn mạnh, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác, trung thực của bản thân người khai báo.
Khai báo sức khoẻ toàn dân từ ngày 10/3
Tại cuộc họp ngày 8/3 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ hơn hai ngày nay, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Việt Nam phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây.
Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh vào Việt Nam, tuy nhiên như vậy cũng chưa đủ mà cần triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam.
Các thông tin khai báo phải được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác.
Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Các thông tin khai báo phải được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác.
Khai báo y tế gian dối bị phạt thế nào? Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng. |
Mai Anh