Bất động sản sẽ bật tăng trở lại trong 3 tháng cuối năm 2021
Yếu tố vĩ mô như mặt bằng lãi suất thấp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công là những động lực giúp ngành bất động sản bứt tốc sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế. Bất động sản vẫn là kênh đầu tư phù hợp với khẩu vị của đại đa số nhà đầu tư Việt Nam.
BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất
Theo báo cáo ngành của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), mặt bằng lãi suất vẫn đang được duy trì thấp nhất trong những năm gần đây với lãi suất cho vay mua nhà đang quanh mức 8% - 9%.
Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, rất có thể các chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa vẫn sẽ được duy trì trong giai đoạn tới để hỗ trợ nền kinh tế. Dự báo lãi suất tiếp tục ở mức thấp và có thể giảm nhẹ. Đây chính là nhân tố quan trọng giúp thị trường BĐS sôi động. Về dài hạn, kênh BĐS luôn chứng tỏ là kênh đầu tư hấp dẫn với tỉ suất sinh lời khá tốt so với các kênh khác.
Bên cạnh đó, việc nới lỏng pháp lý và đẩy mạnh đầu tư công là chất xúc tác trong trung và dài hạn. Đầu tư công là phương án khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn viêc làm khi các "đầu kéo" khác là tiêu dùng đang chịu ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh, tình trạng nhập siêu tiếp tục diễn ra các tháng gần đây.
Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải đều đã ra chỉ thị đẩy nhanh tiến độ giải ngân với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án với mục tiêu hoàn thành tối thiểu đạt 90-95% kế hoạch cho tới cuối năm. Quá trình này tác động mạnh tới thị trường BĐS khi thông tin về quy hoạch vùng hoặc kế hoạch triển khai một dự án hạ tầng giao thông có thể làm gia tăng nhu cầu mua nhà đất tại các khu vực hưởng lợi lân cận, thị trường ngày càng có xu hướng li tâm khỏi lõi trung tâm ra các vùng ven.
Các tỉnh thành hưởng lợi đã chứng kiến giá đất tăng ít nhất 3% - 6% so với đầu năm như Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai. Các dự án nổi bật thời gian tới bao gồm: Vinhomes Cổ Loa nhờ dự án Cầu Tứ Liên - Hà Nội, Vinhomes Grand Park và Khang Điền Clarita nhờ quy hoạch TP. Thủ Đức, tổ hợp Aqua của Novaland nhờ sân bay Long Thành và cao tốc Dầu Giây, các dự án tại Vũng Tàu của HDC và tại Đồng Nai của DIG.
Triển vọng cuối năm
Số dư Người mua trả tiền trước (thể hiện doanh thu tiềm năng của doanh nghiệp và sẽ được hạch toán vào kết quả kinh doanh sau khi bàn giao sản phẩm) duy trì gần 1.000 nghìn tỉ đồng, ngang với các quý trước.
Hiện có nhiều doanh nghiệp ghi nhận khoản mục này tăng trưởng rất tốt như Novaland, Công ty Cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp), Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt, Becamex IJC...
Thị trường BĐS đang gặp khó khăn tạm thời trong quý III/2021 do yếu tố dịch bệnh, giãn cách xã hội, gây ảnh hưởng chung tới tiến độ triển khải dự án và bán hàng của toàn ngành. Nhưng thị trường sẽ bước vào giai đoạn thuận lợi từ quý IV/2021 khi đại dịch giảm dần. Một số nhóm có thể ảnh hưởng ít hơn và sẽ sớm hồi phục sau khi mở cửa trở lại như các doanh nghiệp có lợi thế bán hàng trực tuyến hoặc bán buôn.
Thị trường nhà ở tại TP HCM được dự báo sẽ ấm lên trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022. Sau khi một số quy định mới được ban hành trong 2020 như Nghị định 148 và Luật Xây dựng sửa đổi 2020, nguồn cung căn hộ mới tại TP. HCM có thể sớm phục hồi, cụ thể tăng 26,2% so với cùng kỳ trong 2022 và 55,7% so với cùng kỳ trong 2023. Phân khúc trung cấp sẽ đóng góp 30-50% vào tổng nguồn cung.
Ở bên này đầu cầu Hà Nội, nguồn cung căn hộ mới dự báo sẽ tăng 40% so với cùng kỳ đạt khoảng 25.000 căn trong 2021, nhờ đóng góp ổn định từ các đại dự án của Vinhomes, theo đó là Sunshine Empire (2.200 căn) và Gamuda City (2.000 căn).
Đối với thị trường nhà liền thổ, các tỉnh lân cận Hà Nội như Hưng Yên sẽ là điểm sáng của thị trường trong 2021-2022. Vinhomes cũng dự kiến mở bán một khu đô thị 460ha tại Hưng Yên trong nửa cuối 2021.
Đánh giá triển vọng chung của ngành, Agriseco nhận định, BĐS sẽ được duy trì tích cực trong trung và dài hạn, vẫn là kênh đầu tư phù hợp với khẩu vị của đại đa số nhà đầu tư Việt Nam.