Bất động sản online mùa dịch (Kỳ 2): Lý giải điều trái ngược
Bất động sản (BĐS) cũng có thể coi là một sản phẩm trên thị trường như bao mặt hàng khác. Nhưng tại sao các nhà đầu tư ở Việt Nam vẫn chưa đặt niềm tin vào BĐS online, trong khi ở Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản... lại được người dân đón nhận?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về làn sóng phát triển BĐS online đang diễn ra, ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Khánh Hòa nhận định, công nghệ 4.0 đưa các hình thức giao dịch, tiếp cận khách hàng thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Vì vậy, việc các doanh nghiệp BĐS hoạt động tại Việt Nam đầu tư cho ứng dụng hướng tới phương thức mua bán sản phẩm thông qua các nền tảng công nghệ số là xu thế tất yếu.
Thậm chí, BĐS online phát triển mạnh ở Việt Nam còn được coi là tín hiệu đáng mừng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra như hiện nay thì chỉ có hướng đi này mới giúp cho các doanh nghiệp BĐS có thể trụ lại, phát triển hoặc mở ra một “kỉ nguyên BĐS mới” trong tương lai.
"BĐS online giúp cho một nhà đầu tư, môi giới BĐS có thể cùng lúc tiếp cận với nhiều khách hàng, rút ngắn cả thời gian, công sức. Nhưng BĐS online vẫn có điểm hạn chế so với tiếp xúc trực tiếp, khi mà việc truyền thông điệp phải trải qua kênh trung gian và rất dễ bị 'nhiễu'. BĐS online chỉ giải quyết được việc truyền thông tin, còn thông tin đó có được hiểu đúng, hiểu đủ hay không thì lại chưa thể khẳng định được", ông Quý phân tích.
Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Khánh Hòa lấy ví dụ, ngay trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, dù lãnh đạo Trung ương thường xuyên tổ chức các cuộc họp, trao đổi ý kiến bằng hình thức online nhưng vẫn phải trực tiếp đi tới vùng dịch thị sát, chỉ đạo. Điều đó cho thấy, tại Việt Nam, hình thức online vẫn chưa thể khỏa lấp được những vấn đề của giao tiếp trực tiếp như thể hiện ý chí, giá trị cốt lõi...
"BĐS online ở Việt Nam hiện nay chỉ mang tính chất 'chữa cháy' là chính. Các chủ đầu tư hay đơn vị môi giới BĐS trong điều kiện dịch bệnh đều khó hoạt động nên buộc phải tìm ra việc làm cho nhân viên, đồng thời cũng là hy vọng cứu lấy mình, có thể hoạt động dưới bất kỳ phương thức nào thì vẫn còn hơn không...", ông Quý bày tỏ.
BĐS online mới phát triển mạnh ở Việt Nam khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Nhưng, trên thế giới sớm đã xuất hiện phương thức này và hiện nay thực sự trở nên bùng nổ.
Tại Mỹ, khi đại dịch Covid-19 diễn ra khiến số người lần đầu mua nhà tăng lên nhanh chóng, nhiều người trong số đó đã lựa chọn hình thức mua nhà trực tuyến. Lượt xem nhà theo tour 3-D trên Redfin vào cuối năm ngoái đã tăng hơn 500% so với hồi đầu năm.
Theo tờ Thời báo New York, số lần chốt đơn BĐS trực tuyến của Công ty Rocket Mortgage trong tháng 9/2020 tăng gấp đôi so với năm trước đó. Còn số lượng đơn đăng ký của Better Mortgage cũng tăng 200% kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Điều này cũng xảy ra tương tự tại một số nước khác như Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản... Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay vẫn chỉ dừng ở mức các nhà đầu tư tìm hiểu sản phẩm BĐS thông qua ứng dụng trực tuyến chứ chưa thực sự sẵn sàng đi đến ký hợp đồng mua - bán.
Đại diện một trong những doanh nghiệp phân phối BĐS lớn nhất tại Việt Nam cũng thừa nhận, các khách hàng giao dịch BĐS online với đơn vị tại một số dự án chỉ dừng lại ở mức khách hàng “giữ chỗ” chứ chưa chuyển sang “đặt cọc”. Nghĩa là khách hàng vẫn chưa đủ niềm tin để quyết định mua khi chỉ xem dự án thông qua màn hình.
Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Khánh Hòa Trần Đình Quý cũng so sánh, BĐS về cơ bản cũng giống như một món hàng như bao món hàng khác ngoài thị trường. Có những cái túi xách, đôi giầy, bộ quần áo, đồng hồ, xe ô tô... có giá từ hàng trăm triệu đồng cho tới hàng tỉ đồng, nhưng người mua ở Việt Nam chẳng cần phải xem trực tiếp. Chỉ cần nắm được thông tin nhà sản xuất ở nước ngoài bao giờ bán sản phẩm là người mua sẵn sàng đặt hàng, trả tiền trước thông qua hình thức online.
Vậy tại sao, BĐS dù phát triển ngay trong nước nhưng lại chưa được khách hàng đón nhận thông qua hình thức online? Ông Quý lý giải, nghịch lý này xuất phát từ việc nền tảng phát triển BĐS của Việt Nam chưa chuyên nghiệp. Mà chưa chuyên nghiệp hóa thì chưa thể thành công khi áp dụng nền tảng ứng dụng công nghệ được.
Theo ông Quý, điều kiện để bán sản phẩm online cần phải có nền tảng khung sườn của cả xã hội. Từ khâu hệ thống pháp lý đầy đủ cho tới sự chuyên nghiệp, uy tín của chủ đầu tư, đơn vị môi giới... Rồi từ đó mới đầu tư vào các ứng dụng công nghệ để đưa sản phẩm lên đó giới thiệu với khách hàng.
Đối với BĐS ở Việt Nam thì điều này chưa được đáp ứng. Có nhiều người chung nhận định, 100% doanh nghiệp BĐS ở Việt Nam tại thời điểm mở bán sản phẩm đều chưa thể đủ các quy định pháp lý. Có điều, với những doanh nghiệp lớn, thực sự làm việc có tâm, làm vì uy tín thương hiệu của mình, thì cũng sau này mới bổ sung thêm pháp lý còn thiếu.
Đó là chưa kể còn có nhiều doanh nghiệp làm sai, làm "bất chấp"..., sau này dù có muốn cũng không thể khắc phục được về mặt pháp lý cho BĐS. Các trường hợp về dự án “ma”, dự án xây không đúng quy hoạch... từng có rất nhiều, người mua có thể tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi giao dịch. Vì vậy, khi xảy ra sự cố, người mua nhà chính là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Hay như nhiều trường hợp, chẳng hạn, dự án có tổng vốn đầu tư là 1.000 tỉ đồng, thì chủ đầu tư chỉ bỏ ra cùng lắm là 200 tỉ đồng tiền vốn. Số còn lại phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau như thế chấp dự án vay ngân hàng, tìm mọi cách mở bán để huy động vốn từ khách hàng... Từ đó, dẫn đến những điều sai trái khôn lường khác nữa.
"Ở nước ngoài, hệ thống cơ quan quản lý mua bán BĐS rất chặt chẽ. Họ không để kẽ hở cho các doanh nghiệp BĐS có thể làm như thế, hoặc nếu bị phát hiện sai phạm thì xử lý rất nghiêm khắc, quyền lợi người mua nhà phần nào được đảm bảo. Chính vì vậy, khi sản phẩm của họ đưa lên sàn giao dịch online luôn chiếm được lòng tin của khách hàng", ông Trần Đình Quý nhấn mạnh.
Đông Tẩu