Thứ sáu, 22/11/2024 22:52 (GMT+7)
Thứ ba, 21/07/2020 16:28 (GMT+7)

Bất động sản Hà Nội: Doanh nghiệp 'neo giá', giao dịch gặp khó

Theo dõi KTMT trên

6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản chịu tác động của dịch Covid-19 khiến giao dịch “đóng băng”, doanh nghiệp buộc phải tạm dừng triển khai dự án và hoạt động bán hàng. Mặc dù, chịu nhiều áp lực nhưng các chủ đầu tư vẫn chấp nhận “neo giá”.

Giá nhà khó giảm sâu

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, quý II/2020, lượng tiêu thụ nhà ở thương mại chỉ đạt 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Giá bán bất động sản so với năm 2019 đã tăng từ 4 - 10% tùy từng phân khúc. Điểm đáng chú ý, nguồn cung bất động sản sụt giảm mạnh đặc biệt tại trung tâm TP.Hà Nội hiện không còn dự án chung cư mới nào ra hàng, căn hộ bình dân dường như vắng bóng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, dịch Covid-19 khiến lượng người mua nhà sụt giảm mạnh. Thông thường, khi thị trường “đóng băng”, các chủ đầu tư sẽ mạnh tay giảm giá để kích cầu. Tuy vậy, trái ngược lại, nhiều dự án vẫn giữ mức giá bán cao do nguồn cung khan hiếm trầm trọng.

Bất động sản Hà Nội: Doanh nghiệp 'neo giá', giao dịch gặp khó - Ảnh 1
6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản chịu tác động của dịch Covid khiến giao dịch “đóng băng”. (Ảnh: Hoàng Minh)

“Trước đây, nhà chung cư dưới 15 triệu đồng/m2 là thu nhập thấp, bình dân nhưng bây giờ mức giá đã chạm ngưỡng 22 - 25 triệu đồng/m2. Giá nhà ở cao cấp trước đây 25 - 30 triệu đồng/m2 thì giá là 40 - 50 triệu đồng/m2, thậm chí tại TP.HCM có dự án chung cư giá bán hàng trăm triệu đồng một mét vuông. Rõ ràng nguồn cung có vấn đề, nguồn cung thiếu thì giá nhà mới tăng lên”, ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, việc khan hiếm nguồn cung không phải do không còn dư địa phát triển mà là tạm thời ngưng phát triển từ các cơ quan quản lý Nhà nước khi tiến hành rà soát, thanh kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai… tại các dự án đã khiến việc triển khai dự án bị ách lại. Thêm vào đó, các chi phí đầu vào của dự án bất động sản như tiền sử dụng đất, chi phí vật liệu xây dựng, nhân công cao vì vậy giá bán nhà không thể hạ được.

Ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản MB Land đánh giá, thị trường bất động sản đang trong nhịp hồi phục sau đại dịch, Nhà nước đang có nhiều chính sách tốt, các nhà đầu tư đang có cảm giác lạc quan…

Thêm nữa, do nguồn cung khan hiếm, giá đất tăng khiến doanh nghiệp khó chấp nhận giảm giá đặc biệt là đối với những dự án đã mở bán trước đó. Bởi, quan điểm của các chủ đầu tư là họ phải để những nhà đầu tư cũ có biên lợi nhuận. Do đó chủ đầu tư thường có xu hướng tăng giá theo lộ trình chứ không giảm. Cá biệt, chủ đầu tư sẽ chọn cách hỗ trợ khách hàng bằng các hình thức tặng quà, đưa ra các phương án thanh toán linh hoạt hơn….

Cần “phá băng” thủ tục pháp lý

Theo nhìn nhận của các doanh nghiệp bất động sản, năm 2020 nhìn chung thị trường sẽ tiếp tục có sự giảm tốc, nhưng thực chất hơn, không xuất hiện khủng hoảng thị trường ảo hay bong bóng. Nghịch lý duy nhất của thị trường bất động sản 2020 là dù nhu cầu mua vẫn ở mức cao mà không thể đẩy mạnh đầu tư phát triển.

Để cải thiện nguồn cung cho thị trường, việc cần làm ngay trong lúc này đó là "phá băng" các quy trình, thủ tục pháp lý vốn đang làm khó doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu quan điểm, hiện nay, hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 Luật khác nhau và rất nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành. Ngoài ra, còn có hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khâu xác định chủ trương đầu tư đến khi đưa dự án vào vận hành.

Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, gia tăng thời gian và chi phí tuân thủ, làm lỡ cơ hội đầu tư, tăng rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy, các doanh nghiệp bất động sản mong muốn thủ tục hành chính tiếp tục được cải cách theo hướng thuận lợi mà không ảnh hưởng tới hiệu lực quản lý Nhà nước. Khi thủ tục hành chính thông thoáng sẽ góp phần thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Bộ Xây dựng vừa có Văn bản yêu cầu, các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản đang thực hiện nhưng bị tạm dừng và xử lý dứt điểm ngay trong quý 4/2020 để sớm triển khai thực hiện lại dự án, bảo đảm kịp thời có nguồn cung hàng hóa cho thị trường.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho biết, trong quá trình hoạt động, FLC nhận thấy những khó khăn liên quan đến 3 vấn đề lớn là pháp lý, nguồn vốn, thủ tục hành chính. Trong 2 năm trở lại đây, các địa phương rất ngại vấn đề về phê duyệt dự án. Nếu tình trạng này không được khắc phục thì năm sau số dự án được phê duyệt xây dựng sẽ rất ít, làm giảm cơ hội đầu tư kinh tế địa phương…

“Điều các doanh nghiệp bất động sản mong muốn nhất đó là các cơ quan quản lý sớm “cởi trói” được tính pháp lý cho các dự án. Làm sao để đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục hành chính nhanh nhất giúp cho doanh nghiệp. Hiện tại, doanh nghiệp phải mất 3 năm mới làm xong được thủ tục để khởi công được dự án. Điều đó gây khó khăn và bỏ lỡ các cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp”, ông Quyết khẳng định.

Thuỳ Linh

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản Hà Nội: Doanh nghiệp 'neo giá', giao dịch gặp khó. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới