Thứ ba, 02/07/2024 13:49 (GMT+7)
Thứ năm, 13/06/2024 15:28 (GMT+7)

Bất cập về thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đề xuất hướng sửa đổi trong giai đoạn hiện nay

Theo dõi KTMT trên

Với các quy định hiện hành của Luật Phá sản và Công văn 199 của Tòa án nhân dân Tối cao cho thấy cần thiết phải sửa đổi và bổ sung thêm văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

1-Phá sản là gì?

Theo từ điển Black Law của nhà xuất bản West Group, phá sản (bankruptcy) là “một thủ tục pháp lý, bắt nguồn từ tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ, qua đó con nợ được giải phóng khỏi các khoản nợ và phải trải qua một quá trình tổ chức lại có giám sát tư pháp hoặc thanh lý [tài sản hoặc DN] vì lợi ích của các chủ nợ”. Còn từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ hoc năm 2003 (trang 762), “phá sản là lâm vào tình trạng tài sản chẳng còn gì và thường là vỡ nợ, do kinh doanh bị thua lỗ, thất bại liên tiếp trong kinh doanh, phải bán hết tài sản mà vẫn không đủ trả nợ”.

Dưới góc độ điều chỉnh của pháp luật Việt nam, tại Khoản 2, Điều 4 Luật Phá sản 2014 thì phá sản được hiểu là “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”.

Bất cập về thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đề xuất hướng sửa đổi trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Đối chiếu hai khái niệm về phá sản của 02 cuốn từ điển có uy tín tại Nước ngoài và Việt nam với cách hiểu mà các nhà làm luật Việt Nam quy định trong Luật Phá sản, thì về cơ bản, phá sản đều bắt nguồn từ tình trạng mất khả năng thanh toán, tức lâm vào tình trạng không còn tài sản do kinh doanh thua lỗ, thu không đủ chi trong suốt một khoảng thời gian nhất định.

Tại Việt Nam, tính từ năm 1993 cho đến thời điểm hiện tại, Luật Phá sản đã 02 lần thay đổi, cụ thể, từ Luật Phá sản doanh nghiệp 1993 được thay thế bằng Luật Phá sản 2004 và từ Luật Phá sản 2004 được thay thế bằng Luật Phá sản 2014.

Tuy nhiên, kể từ khi Luật Phá sản 2014 có hiệu lực và được áp dụng trong thực tiễn trong suốt 10 năm qua, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn tồn tại rất nhiều những bất cập, hạn chế trong các qui định từ chủ thể được phép nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, điều kiện mở thủ tục phá sản, đối tượng bị yêu cầu mở thủ tục phá sản...chưa có sự đồng nhất giữa các khái niệm có liên quan dẫn đến việc gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan có liên quan cũng như chính bản thân chủ thể nộp Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cũng như chính doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi cung là doanh nghiệp) bị yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Trong phạm vi bài viết này, dưới quan điểm và góc nhìn của tác giả khi tham gia tư vấn giải quyết nhiều đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, tác giả xin được chia sẻ và trao đổi một số bất cập liên quan đến việc không ít các chủ nợ và hoặc chưa có căn cứ là chủ nợ lạm dụng việc đòi nợ bằng cách nộp Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, qua đó đề xuất một số kiến nghị, đề xuất góp phần hạn chế những khó khăn, vướng mắc và những bật cập trong quá trình giải quyết tại cơ quan tố tụng.

2-Pháp luật quy định một doanh nghiệp thế nào được coi là mất khả năng thanh toán và phá sản?

Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 định nghĩa rằng: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

So với Luật phá sản 2003 thì Luật phá sản năm 2014 đã có sự khác biệt khi Luật phá sản 2014 phân biệt rõ ràng giữa 02 khái niệm “mất khả năng thanh toán” và “phá sản”. Theo qui định của Luật phá sản 2014 thì doanh nghiệp được coi là mất khả năng thanh toán “khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”(1) trong khi đó phá sản là “tình trạng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra Quyết định tuyên bố phá sản”(2). Thế nhưng, Luật phá sản 2014 lại không có qui định cụ thể về khái niệm thế nào là “mất khả năng thanh toán” và “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” dẫn tới việc không ít cơ quan tiến hành tố tụng khó xác định tình trạng “mất khả năng thanh toán” tại các vụ án khi chủ nợ yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với một doanh nghiệp mà họ coi là “con nợ” của họ.

Qua 10 năm (từ năm 2014 - 2024), Luật phá sản 2014 được đưa vào thực tiễn thi hành, bên cạnh những điểm tiến bộ, tích cực của các qui định trong Luật phá sản 2014 thì vẫn tồn tại một số những hạn chế, những bất cập nhất định, đặc biệt là việc xác định thế nào là “tình trạng của Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán”. Để giải đáp các vướng mắc này, ngày 18/12/2020, TANDTC đã ban hành Văn bản số 199/TANDTC - PC (“Văn bản số 199”) về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết phá sản. Theo đó thì, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán phải có đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, có khoản nợ cụ thể, rõ ràng do các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại, hoặc được xác định trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền và các bên không có tranh chấp về khoản nợ này;

Thứ hai, Khoản nợ đến hạn thanh toán là khoản nợ được xác định rõ thời hạn thanh toán, mà đến hạn trả nợ đó doanh nghiệp, hợp tác xã phải có nghĩa vụ trả nợ. Thời hạn thanh toán này được các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại hoặc trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

Thứ ba, Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán bao gồm 2 trường hợp:

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã không có tài sản để thanh toán các khoản nợ.

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.

Tại Mục 1, Văn bản 199 cũng nhận định rằng, việc “mất khả năng thanh toán không có nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản để trả nợ, mặc dù doanh nghiệp, hợp tác xã còn tài sản để trả nợ nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn cho chủ nợ thì vẫn coi là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và còn lưu ý rằng Pháp luật hiện hành không quy định một mức khoản nợ cụ thể nào để xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà chỉ cần có đủ các điều kiện nêu trên”.

Nhưng tại Mục 24 Văn bản 199 lại cho rằng “Việc doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tốt, có lợi nhuận không có nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã đó không mất khả năng thanh toán vì theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”.

Vẫn biết dù pháp luật hiện hành không quy định một cách cụ thể và trực tiếp một mức khoản nợ cụ thể nào để xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, nhưng để đánh giá một doanh nghiệp, hợp tác xã có mất khả năng thanh toán hay không thì người ta thường tham vấn vào Báo cáo tài chính được thực hiện theo các chuẩn mực kế toán nộp và được xác nhận bởi cơ quan thuế.

Khoản 1 Điều 3 Luật Kế toán 2015 quy định “Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán”. Đối tượng áp dụng bao gồm cả doanh nghiệp, hợp tác xã được quy định tại Luật Phá sản 2014.

Ngoài ra, Thông tư số 200/2014/TT-BTC (“Thông tư 200”) ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp. Cụ thể là Thông tư 200 hướng dẫn việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính cho doanh nghiệp. 

Tại Biểu mẫu số 01-DN ban hành kèm theo Thông tư 200 về Bảng cân đối kế toán quy định Tổng tài sản của doanh nghiệp = Tài sản ngắn hạn + Tài sản dài hạn; Còn nợ phải trả của doanh nghiệp = Nợ ngắn hạn + Nợ dài dài hạn. Do đó, Hệ số khả năng thanh toán tổng quát của doanh nghiệp = Tổng tài sản/Nợ phải trả.

3-Khả năng thanh toán của doanh nghiệp được thể hiện trong Báo cáo tài chính như thế nào? Tại sao cần đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp?

Khả năng thanh toán của doanh nghiệp là năng lực về tài chính mà doanh nghiệp có được để đáp ứng nhu cầu thanh toán tất cả các khoản nợ ngắn và dài hạn cho các cá nhân, tổ chức có quan hệ cho doanh nghiệp vay hoặc nợ. Một doanh nghiệp có khả năng thanh toán cao, chứng tỏ doanh nghiệp đó có năng lực tài chính tốt, đảm bảo khả năng chi trả tốt các khoản nợ của doanh nghiệp. Tất cả các thông tin trên đều được thể hiện trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp được lập tuân thủ đúng quy định của Thông tư 200 và Luật Kế toán.

Bất cập về thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đề xuất hướng sửa đổi trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 2

Nếu khả năng thanh toán thấp, điều đó cho thấy doanh nghiệp gặp vấn đề về tài chính và có nhiều rủi ro dẫn đến mất khả năng thanh toán trong tương lai. Về lâu dài, nếu doanh nghiệp không thể thanh toán các khoản nợ, có thể dẫn đến việc phá sản.

Đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp giúp các đối tượng quan tâm biết được tình hình tài chính của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các phương án quản trị hay đầu tư, cho vay thích hợp:

  • Tình trạng tài chính tốt:Chứng tỏ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ, năng lực tài chính cao giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển.
  • Tình trạng tài chính xấu:Cho thấy doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, các khoản nợ có thể không được đảm bảo chi trả đúng hạn. Từ đó làm giảm uy tín doanh nghiệp và có thể dẫn đến phá sản nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Việc đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán của một doanh nghiệp là rất quan trọng. Từ những đánh giá đó, các giải pháp sẽ được đưa ra nhằm cải thiện tình hình:

  • Với nội tại doanh nghiệp:Thấy được tiềm năng cũng như nguy cơ trong quá trình thanh toán những khoản nợ của doanh nghiệp để từ đó có những biện pháp cải thiện dòng tiền, xử lý kịp thời các vấn đề khi khả năng thanh toán thấp.
  • Với nhà đầu tư, nhà cung cấp, ngân hàng:Đánh giá doanh nghiệp đó có khả năng trả các món nợ khi tới hạn không. Từ đó, xem xét đưa ra các quyết định đầu tư, hợp tác, cho vay để tránh rủi ro cao nhất.

Các chỉ số đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp

Một doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại nếu nó đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán đến hạn, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn. Nhóm chỉ số dùng để đánh giá khả năng thanh toán của một doanh nghiệp thường gồm có 06 chỉ số chính. Dựa vào kết quả của các chỉ số, chúng ta mới có thể nhìn ra năng lực tài chính của doanh nghiệp đó có đang tốt hay không?

Chỉ số thứ nhất: Hệ số khả năng thanh toán tổng quát

Để đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp, chúng ta cần chú ý đến hệ số khả năng thanh toán tổng quát. Hay còn gọi là hệ số khả năng thanh toán hiện hành. Chỉ số này phản ánh tổng quát nhất năng lực thanh toán của doanh nghiệp trong ngắn và dài hạn.

Công thức tính: Hệ số khả năng thanh toán tổng quát = Tổng tài sản/Nợ phải trả. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (Htq) thể hiện:

  • Htq >2:Phản ánh khả năng thanh toán của doanh nghiệp rất tốt, tuy nhiên hiệu quả sử dụng vốn có thể không cao và đòn bẩy tài chính thấp. Doanh nghiệp sẽ khó có bước tăng trưởng vượt bậc.
  • 1≤ Htq <2:Phản ánh về cơ bản, với lượng tổng tài sản hiện có, doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng được các khoản nợ tới hạn.
  • 0 ≤ Htq<1:Thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp thấp, khi chỉ số càng tiến dần về 0, doanh nghiệp sẽ mất dần khả năng thanh toán, việc phá sản có thể xảy ra nếu doanh nghiệp không có giải pháp thực sự phù hợp.

Chỉ số thứ hai: Hệ số khả năng thanh toán hiện thời

Hay còn gọi là hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn, Tỷ lệ thanh khoản hiện thời, Hệ số thanh toán hiện hành… .

Công thức tính: Hệ số khả năng thanh toán hiện thời = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn

Hệ số này cần được đánh giá dựa vào tỷ số trung bình của các doanh nghiệp trong cùng ngành. Ngoài ra, căn cứ quan trọng để đánh giá là so sánh với hệ số khả năng thanh toán hiện thời ở các thời điểm trước đó của doanh nghiệp. Hệ số khả năng thanh toán hiện thời (Hht) thể hiện:

  • Hht thấp, đặc biệt <1: Thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi Hht càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
  • Hht cao (>1):  Cho thấy doanh nghiệp có khả năng cao trong việc sẵn sàng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Tỷ số càng cao càng đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp, tính thanh khoản ở mức cao. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tỷ số quá cao chưa chắc phản ánh khả năng thanh khoản của doanh nghiệp là tốt. Bởi có thể nguồn tài chính không được sử dụng hợp lý, hay hàng tồn kho quá lớn dẫn đến việc khi có biến động trên thị trường, lượng hàng tồn kho không thể bán ra để chuyển hoá thành tiền.

Chỉ số thứ ba: Hệ số khả năng thanh toán nhanh

Để đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp, các nhà quản trị cũng cần biết được hệ số thanh toán nhanh của doanh nghiệp đó. Hệ số này còn được gọi là tỷ lệ thanh toán nhanh... . Trong tỷ số này, hàng tồn kho sẽ bị loại bỏ, bởi lẽ trong tài sản lưu động, hàng tồn kho được coi là loại tài sản có tính thanh khoản thấp hơn. Tỷ số thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp mà không cần thực hiện thanh lý gấp hàng tồn kho.

Công thức tính: Hệ số thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn - Hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn. Tỷ số thanh khoản nhanh (Hnh) thể hiện:

  • Hnh < 0,5: Phản ánh doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả, tính thanh khoản thấp.
  • 0,5<Hnh<1: Phản ánh doanh nghiệp có khả năng thanh toán tốt, tính thanh khoản cao.

Chỉ số thứ tư: Hệ số khả năng thanh toán tức thời

Hay còn gọi là tỷ lệ thanh toán bằng tiền, chỉ số thanh toán tiền mặt,... Tỷ số này nhằm đánh giá sát hơn tình hình thanh toán của doanh nghiệp

Công thức tính: Tỷ số khả năng thanh toán tức thời = (Tiền + các khoản tương đương tiền) / Nợ ngắn hạn

Tiền và các khoản tương đương tiền ở đây bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển, các khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn và các khoản đầu tư ngắn hạn khác có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền trong thời hạn 3 tháng mà không gặp rủi ro lớn. Hệ số này đặc biệt hữu ích khi đánh giá tính thanh khoản của một doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khủng hoảng (khi mà hàng tồn kho không tiêu thụ được, các khoản phải thu khó thu hồi). Tuy nhiên, trong nền kinh tế ổn định, dùng tỷ số khả năng thanh toán tức thời đánh giá tính thanh khoản của một doanh nghiệp có thể xảy ra sai sót. Bởi lẽ, một doanh nghiệp có một lượng lớn nguồn tài chính không được sử dụng đồng nghĩa do doanh nghiệp đó sử dụng không hiệu quả nguồn vốn.

Chỉ số thứ năm: Hệ số khả năng thanh toán lãi vay

Hay còn gọi là Tỷ lệ thanh toán lãi vay hay Hệ số thanh toán lãi nợ vay. Hệ số phản ánh khả năng thanh toán lãi tiền vay của doanh nghiệp cũng như mức độ rủi ro có thể gặp phải của các chủ nợ.

Công thức tính: Hệ số khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước lãi vay và thuế / Lãi vay phải trả trong kỳ

Hệ số khả năng thanh toán lãi vay là một trong những chỉ tiêu mà bên cho vay (ngân hàng) rất quan tâm khi thẩm định vay vốn của khách hàng. Do đó, chỉ số này ảnh hưởng rất lớn đến xếp hạng tín nhiệm và lãi suất vay vốn của doanh nghiệp. Việc đảm bảo trả lãi các khoản vay đúng hạn cũng thể hiện hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt và ngược lại.

Chỉ số thứ sáu: Hệ số khả năng chi trả ngắn hạn

Hay còn gọi là hệ số khả năng chi trả bằng tiền, hệ số tạo tiền,...

Công thức tính: Hệ số khả năng chi trả bằng tiền = Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh / Nợ ngắn hạn bình quân

Hệ số khả năng chi trả ngắn hạn phản ánh khả năng thanh toán của doanh nghiệp ở trạng thái động, do dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh được tạo ra trong kỳ mà không phải số dư tại một thời điểm. Hệ số này sẽ giúp các nhà quản trị đánh giá khả năng hoàn trả nợ vay đến hạn từ bản thân hoạt động kinh doanh mà không có thêm các nguồn tài trợ khác của doanh nghiệp.

Từ các dẫn chứng trên cho thấy, việc đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với không chỉ bản thân doanh nghiệp đó, mà còn giúp các nhà đầu tư, nhà cung cấp, ngân hàng,... đưa ra được các quyết định đầu tư, cho vay phù hợp. Còn với cơ quan tiến hành tố tụng sẽ dùng để đánh giá xem doanh nghiệp đang hoạt động bình thường hay đã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Do đó, cần thu thập, xác minh hồ sơ, chứng cứ một cách cẩn trọng và thậm chí cần tham vấn các cơ quan thuế, đơn vị kiểm toán để xác định một doanh nghiệp có mất khả năng thanh toán hay không trước khi quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản.

4-Chủ nợ nào được quyền gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp?

Khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014 quy định “Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.

Theo Mục 1 Công văn 199 thì chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thục tục phá sản chỉ khi có một trong các điều kiện tiên quyết là phải có khoản nợ cụ thể, rõ ràng do các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại, hoặc được xác định trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền và các bên không có tranh chấp về khoản nợ này.

Về khoản nợ cụ thể, rõ ràng do các bên thừa nhận thường xuất phát từ các biên bản đối chiếu công nợ hoặc các hình thức thỏa thuận khác có xác định rõ lộ trình trả nợ được các bên đồng ý lập ghi nhận các số liệu công nợ hợp pháp. Trên thực tế chủ nợ ở dạng này thường nộp đơn khởi kiện tại tòa án để yêu cầu thanh toán chứ ít ai nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp bởi tính pháp lý của biên bản tự thỏa thuận với nhau sẽ thường không dựa trên một chuẩn mực nào nên mỗi bên có thể hiểu theo một cách khác nhau dẫn đến việc tòa án khó chấp nhận để thụ lý.

Điều đáng bàn ở đây là một khoản nợ được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án và chủ nợ đã có đơn yêu cầu thi hành án theo yêu cầu và cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định thi hành án theo yêu cầu của chủ nợ thì chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp nữa không?

Trong quá trình hành nghề tư vấn, chúng tôi gặp 1 vụ việc cụ thể như sau:

Ngày 25/9/2020, Tòa án nhân dân huyện V ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, theo đó Công ty A phải thanh toán cho Công ty B 8 tỷ đồng với lộ trình thanh toán lần lượt như sau: ngày 30/10/2020 thanh toán 2 tỷ đồng; ngày 30/11/2020 thanh toán 2 tỷ đồng; ngày 30/12/2020 thanh toán 2 tỷ đồng, Ngày 30/01/2021 thanh toán 1 tỷ đồng và ngày 15/2/2021 thanh toán nốt 1 tỷ đồng còn lại. Do tình hình kinh doanh gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 và đà suy thoái của thị trường bất động sản nên Công ty A không thanh toán đúng hạn của đợt thanh toán đầu tiên. Ngay sau đó Công ty B có đơn yêu cầu thi hành án và ngày 04/12/2020 (mới chỉ 2 tháng 9 ngày tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán đầu tiên theo quyết định công nhận sự thỏa thuận), Cơ quan thi hành án dân sự huyện V ban hành quyết định hành án theo yêu cầu và tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của Công ty A. Trong quá trình tổ chức thi hành án, ngày 21/6/2021 chấp hành viên đã ban hành quyết định yêu cầu dừng đăng ký, chuyển quyền sử dụng 03 lô đất đã được cấp QCNQSD đất (tạm thời và có thời hạn sử dụng trong thời gian thực hiện dự án) thuộc dự án BĐS của Công ty A. Tuy nhiên, do dự án phải điều chỉnh quy hoạch 1/500 theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Sau đó Chi cục thi hành án dân sự có văn bản gửi Sở TNMT tỉnh về tình trạng 03 lô đất trên,  Sở TMNT tỉnh có văn bản trả lời là 03 lô đất trên theo quy hoạch cũ hiện bị chồng lấn tên đường giao thông nội bộ nên diện tích còn không nhiều và hiện dự án đang điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất. Căn cứ nội dung trả lời của Sở TNMT tỉnh, chấp hành viên đã ban hành quyết định đình chỉ quyết định ngăn chặn nêu trên và ngày 29/9/2023, chấp hành viên lập biên bản xác minh về việc tài sản của Công ty A chưa đủ điều kiện để thi hành án. Quyết định thi hành án theo yêu cầu vẫn đang còn hiệu lực.

Tuy nhiên, ngày 22/5/2023, Công ty B đã gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty A đến Tòa án nhân dân tỉnh Q với lập luận là căn cứ khoản 1 Điều 4; Khoản 1 Điều 5 Luật Thi hành án 2014 và Mục 1 Công văn 199 để cho rằng Công ty A đã mất khả năng thanh toán, đã không thực hiện nghĩa vụ nghĩa vụ thanh toán trong vòng 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và đề nghị Tòa án mở thủ tục phá sản với Công ty A theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Phá sản.

Ngày 12/7/2023, Tòa án tỉnh Q ban hành thông báo trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty B với lý do “ Xét thấy, với khoản nợ của Công ty A với Công ty B đã được giải quyết bằng Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và đã được yêu cầu thi hành án theo thủ tục thi hành án dân sự  vì vậy Công ty B không được quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty A theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014. Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 35, Điều 36 Luật Phá sản, Tòa án tỉnh Q đã trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và thông báo cho người yêu cầu được biết”.

Sau đó Công ty B có đơn đề nghị xem xét lại và ngày  03/11/2023 Tòa án tỉnh Q ban hành thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sán của Công ty B.

Về vụ việc trên, chúng tôi nhận được nhiều quan điểm trái chiều nhau, cụ thể là:

Quan điểm thứ nhất cho rằng việc Tòa án nhân dân tỉnh Q thụ lý vụ án là có căn cứ để mở thủ tục phá sản đối với Công ty A bởi họ cho rằng khoản nợ trên đã được xác định thông qua quyết định có hiệu lực của tòa án và thời hạn thanh toán theo quyết định đã quá 03 tháng kể từ ngày đến hạn, do đó chiểu theo khoản 1 Điều 4; Khoản 1 Điều 5 Luật Thi hành án 2014 và Mục 1 Công văn 199  thì Tòa án phải mở thủ tục phá sản với Công ty A theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Phá sản.

Quan điểm thứ hai thì cho rằng Tòa án tỉnh Q thông báo không thu lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ngày 12/7/2023 của Công ty B là đúng bản chất vụ việc vì mặc dù là khoản nợ được xác định tại quyết định có hiệu lực của tòa án nhưng Công ty B đã có đơn yêu cầu thi hành án và được cơ quan thi hành án dân sự huyện V ban hành quyết định thi hành án theo yêu cầu trước thời điểm 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Điều này cho thấy Công ty B đã lựa chọn phương án yêu cầu Công ty A thanh toán thông qua thủ tục thi hành án dân sự được nêu tại Điều 4 của Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Tại thời điểm cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định thi hành án thì đồng nghĩa với việc không còn xác định khoản nợ đã quá 03 tháng vì kết quả thi hành án phụ thuộc vào quá trình xác minh, định giá, tổ chức bán đấu giá và cưỡng chế việc bàn giao tài sản….. Do đó, Công ty B đã có đầy đủ quyền năng về việc định đoạt khoản nợ theo quy định tại Điều 7 Luật Thi hành án dân sự nên không được quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty A theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014. Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 35, Điều 36 Luật Phá sản, Tòa án tỉnh Q đã trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Quan điểm thứ ba cho rằng kể cả việc Tòa án tỉnh Q đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì thẩm phán cũng không có căn cứ để ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty A bởi các lý do sau:

Thứ nhất, dù khoản nợ chưa đến hạn thanh toán (quá 03 tháng) theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nhưng Công ty B đã có đơn yêu cầu thi hành án và Cơ quan thi hành án đã ban hành quyết định và tổ chức thi hành án quyết định trên của tòa án. Kể từ thời điểm có quyết định thi hành án (dù khoản nợ trễ hạn thanh toán có 2 tháng 09 ngày) thì không được tính vào thời hạn khoản nợ đã quá hạn quá 03 tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản và Mục 1 Văn bản số 199 để cho rằng Công ty A mất khả năng thanh toán nữa;

Thứ hai, trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên đã  ban hành quyết định yêu cầu dừng đăng ký, chuyển quyền sử dụng 03 lô đất đã được cấp QCNQSD đất (tạm thời và có thời hạn sử dụng trong thời gian thực hiện dự án) thuộc dự án BĐS của Công ty A. Tuy nhiên, do dự án phải điều chỉnh quy hoạch 1/500 theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Sau đó Chi cục thi hành án dân sự có văn bản gửi Sở TNMT tỉnh về tình trạng 03 lô đất trên,  Sở TMNT tỉnh có văn bản trả lời là 03 lô đất trên theo quy hoạch cũ hiện bị chồng lấn tên đường giao thông nội bộ nên diện tích còn không nhiều và hiện dự án đang điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất. Căn cứ nội dung trả lời của Sở TNMT tỉnh, chấp hành viên đã ban hành quyết định đình chỉ quyết định ngăn chặn nêu trên và ngày 29/9/2023, chấp hành viên lập biên bản xác minhvề việctài sản củaCông tyAchưađủđiều kiện để thi hành án. Xét thấy trường hợp này của Công ty A không thuộc 02 trường hợp về mất khả năng thanh toán quy định tại Mục 1 Công văn 199 là Công ty A có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ và không có tài sản để thanh toán các khoản nợ mà Công ty A thuộc vào trường hợp có tài sản nhưng chưa đủ điều kiện để thanh toán khoản nợ. Hiện Quyết định thi hành án vẫn đang còn hiệu lực thi hành;

Thứ ba, Công ty A cũng chưa lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán theo quy định tại Thông tư 200 và Luật Kế toán, bởi theo Báo cáo tài chính có xác nhận của cơ quan thuế trong 03 năm gần đây thì Tổng tài sản của Công ty A vẫn lớn hơn rất nhiều so với nợ phải trả. Ngoài ra, công ty A còn đang sở hữu rất nhiều dự án đang trong thời gian xin gia hạn chủ trương đầu tư và hoặc đang triển khai xây dựng dở dang;

Thứ tư, việc Công ty B khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đã nộp kèm Giấy xác nhận kết quả thi hành án của Cơ quan thi hành án huyện V ngày 25/4/2023 với nội dung vẻn vẹn chỉ ghi là kết quả đã thi hành là 0 đồng mà không khái quát quá trình tổ chức thi hành án như việc chấp hành viên đã ban hành 02 quyết định yêu cầu dừng đăng ký, chuyển quyền sử dụng 03 lô đất đã được cấp QCNQSD đất  thuộc dự án BĐS của Công ty A từ 21/6/2021 và tại thời điểm xác nhận kết quả thi hành án thì 02 quyết định ngăn chặn trên của chấp hành viên vẫn đang còn hiệu lực. Việc xác nhận một chiều như vậy phải chăng là có sự câu kết để phục vụ cho mục đích không trong sáng nhằm cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng để có lợi cho mình và gây bất lợi cho Công ty A?;

Thứ năm, Công ty A là một công ty đa ngành nghề, là chủ đầu tư nhiều dự án lớn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động. Nhận thức được sứ mệnh của mình trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 và sự suy thoái của thị trường bất động sản nên tại các buổi thương lượng do Tòa án tỉnh Q tổ chức, mặc dù gặp quá nhiều khó khăn do các nguyên nhân khách quan gây ra nhưng công ty A vẫn cố gắng đưa ra lộ trình trả nợ cho Công ty B. Ngoài ra, theo Báo cáo tài chính của Công ty A thì tổng tài sản là rất lớn so với khoản nợ phải trả cho Công ty B.

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm thứ ba, bởi nó phản ánh một cách đầy đủ, toàn diện để thẩm phán có đầy đủ căn cứ không ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty A. Việc thu thập toàn bộ chứng cứ và đánh giá khách quan vụ án là điều rất cần thiết, bởi vô hình chung nếu quyết định mở thủ tục phá sản một doanh nghiệp mang tính cứng nhắc sẽ rất dễ gây ra một hệ lụy cho nền tư pháp và nó có thể tạo ra một tiền lệ cho nhiều chủ nợ lợi dụng những khoảng trống pháp lý để biến việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản làm công cụ gây sức ép hòng đòi nợ bằng mọi giá. Công ty A là một công ty lớn nên nếu mở thủ tục phá sản sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn đến thương hiệu của mình, gây ra sự hoang mang cho nhiều khách hàng, đối tác theo hiệu ứng domino, gây ra những những xáo trộn trong việc quản lý, giám sát các dự án của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi giao cho công ty A làm chủ đầu tư và nhất là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ăn việc làm của hàng trăm người lao động tại địa phương. 

5-Giải pháp đề xuất:

Như chúng ta biết, thủ tục phá sản là một thủ tục pháp lý có tính chất tổng hợp và khá phức tạp. Điều này thể hiện ở việc tòa án phải tham gia vào hầu hết các thủ tục giải quyết phá sản, từ ra quyết định mở thủ tục phá sản đến giám sát hoạt động của các Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, rà soát, xem xét phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, xử lý tài sản của DN có tranh chấp…Do tính chất đặc biệt phức tạp của mình, tố tụng phá sản đòi hỏi phải có luật riêng và luôn là một thủ tục tố tụng tư pháp đặc biệt.

Trong phạm vi bài viết, tác giả cho rằng: Việc một doanh nghiệp có những khoản nợ được xác định bởi Quyết định đã có hiệu lực của Tòa án mà đã và đang được thi hành theo thủ tục thi hành án, chấp hành viên đã phong tỏa tài sane nhưng được xác định là chưa đủ điều kiện thi hành án, thì không thể coi là doanh nghiệp “có khoản nợ đến hạn thanh toán trong thời hạn 03 tháng” bởi trên thực tế, các doanh nghiệp này vẫn đang cố gắng phục hồi sản xuất kinh doanh, vẫn có khả năng thanh toán, nhưng vì một số nguyên nhân khách quan nào đó mà chưa đủ điều kiện thi hành án để hoàn thành “nghĩa vụ trả nợ” được.  Còn đối với những doanh nghiệp đã được xác định bởi Cơ quan thi hành án dân sự rằng họ đủ điều kiện để thi hành án, nhưng doanh nghiệp không hợp tác và cố tình không thực hiện thi hành án thì đã có chế tài cưỡng chế buộc phải thi hành án theo luật định.

Với các quy định hiện hành của Luật Phá sản và Công văn 199 của Tòa án nhân dân Tối cao cho thấy cần thiết phải sửa đổi và bổ sung thêm văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để xác định rõ khái niệm “mất khả năng thanh toán” của doanh nghiệp là như thế nào và phải đặt vào từng bối cảnh, từng trường hợp cụ thể khi có sự kiện Kất Khả Kháng, sự kiện bất ngờ và trở lại khách quan thì sẽ giải quyết ra sao? Qui định rõ đối với các vụ việc có khoản nợ đến hạn phải thanh toán thuộc trường hợp “đang được thi hành án, nhưng chưa đủ điều kiện thi hành án” khác với trường hợp không yêu cầu theo thủ tục thi hành án dân sự để làm căn cứ tiếp nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản hay không.

Cần có thêm những qui định rõ ràng, cụ thể giá trị khoản nợ đối với tài sản hiện có của doanh nghiệp, để so sánh, đối chiếu làm căn cứ đánh giá khả năng thanh toán nợ của Doanh nghiệp được yêu cầu mở thủ tục phá sản. Qui định rõ khoản nợ chiếm bao nhiêu % giá trị tài sản hiện có của Doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản thì chủ nợ đủ điều kiện nộp Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Dưới bao nhiêu % thì Tòa án có thẩm quyền cần trả lại đơn. Như vậy mới tránh được sự khơi mào cho các các chủ nợ dù có những khoản nợ rất nhỏ, nhưng lợi dụng qui định không rõ ràng và không đầy đủ của luật phá sản mà Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp một cách tràn lan, mất kiểm soát, gây ra sự quá tải cho cơ quan tiến hành tố tụng. Không những thế, vô hình chung nó còn làm giảm đi những phương án khác trong quá trình giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, không đề cao được vai trò hòa giải của cơ các cơ quan khác như trọng tài thương mại...

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật phá sản 2014;
  2. Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP ngày 26/8/2014 của HĐTP Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phá sản;
  3. Công văn số 199/TANDTC-PC ngày 18/12/2020 của Tòa án nhân dân Tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết phá sản;
  4. Luật thi hành án dân sự 2014;
  5. Black’s Law Dictionary, 9th Edition, West Group Publisher;
  6. Từ điển tiếng Việt 2003, Viện ngôn ngữ học;
  7. Thông báo rút kinh nghiệm số 08/TB-VC2-V4 ngày 10/01/2024 của Viện kiểm sat nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

Luật sư Phan Khắc Nghiêm - Nguyễn Thị Điển
Công ty Luật TNHH NPK Quốc tế

Bạn đang đọc bài viết Bất cập về thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đề xuất hướng sửa đổi trong giai đoạn hiện nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lãi suất ngân hàng Agribank tháng 7/2024
Tháng 7/2024, lãi suất Ngân hàng Agribank vẫn duy trì như tháng trước chưa có sự thay đổi. Đối với khách hàng cá nhân mức lãi suất được áp dụng dao động trong khoảng 1,6 - 4,7%/năm.
Vincom Retail liên tiếp nhận 2 giải thưởng danh giá
Đánh dấu chặng đường 20 năm hình thành và phát triển với nhiều điểm sáng trong hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững, mới đây, Vincom Retail tiếp tục bổ sung vào “bộ sưu tập” giải thưởng 2 chứng nhận danh giá.