Bão Yagi chỉ trong 48 tiếng đã đạt cấp siêu bão
Bão YAGI khiến cơ quan chức năng phải phải ban hành rủi ro thiên tai cấp độ 4 trên Vịnh Bắc Bộ và là lần thứ ba Việt Nam ghi nhận mức rủi ro này trong lịch sử.
Siêu bão Yagi sẽ đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ vào sáng 7/9 khiến gần 13.000 hộ dân tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình phải sơ tán khẩn cấp. Gần 6,5 triệu học sinh tại 14 tỉnh, thành được cho nghỉ học để tránh bão. Các sân bay đóng cửa, giao thông gián đoạn. Nguy cơ lũ lụt, sạt lở và lũ quét đe dọa nhiều khu vực.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, YAGI đang là cơn bão duy nhất mạnh lên thành siêu bão và đổ bộ trực tiếp nước ta.
Ban đầu Bão YAGI hình thành từ áp thấp nhiệt đới ngoài khơi ở Philippines, sau đó đạt đỉnh với sức gió duy trì tối đa lên tới 150 mph (khoảng 240 km/h, tương đương bão cấp 4).
Tối ngày 1/9, bão Yagi hình thành trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Philippin. Đến sáng 2/9, bão Yagi vượt qua khu vực phía Bắc đảo Luzon (Philippin) đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông trở thành cơn bão số 3 năm 2024. Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão.
Các Trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.
Siêu bão Yagi được ghi nhận là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ 2 thế giới trong năm nay (chỉ xếp sau cơn bão cấp 5 Beryl ở Đại Tây Dương).
Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, đây cũng là cơn bão có nhiều "cột mốc". Yagi có tốc độ tăng cấp độ nhanh chưa từng có trong lịch sử khí tượng Việt Nam, chỉ trong 48 tiếng đã đạt cấp siêu bão. Đây cũng là lần thứ 3 trong lịch sử, cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 (màu đỏ) được ban hành và cũng lần đầu tiên trong lịch sử, cấp độ 4 được sử dụng ở Vịnh Bắc Bộ.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong quá khứ có rất nhiều cơn bão mạnh hoạt động trên Biển Đông, có thể liệt kê như cơn cơn bão (ELLEN), đổ bộ Trung Quốc mạnh cấp 15; cơn bão (DOT) năm 1985; cơn bão BETTY năm 1985, cơn bão ANGELA năm 1995, cơn bão MEGI năm 2010; cơn bão USAGI năm 2013, cơn bão HAIYAN là cơn bão siêu mạnh, cường độ mạnh nhất lên tới cấp 17, tuy vậy cường độ mạnh nhất ở khu vực phía Đông của Philippin, còn khi vào Biển Đông, bão HAIYAN cường độ giảm còn cấp 14, cấp 15; gần đây vào năm 2018 cơn bão MANGKHUT cấp 15, đổ bộ Trung Quốc. Như vậy có thể thấy đây là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông.
Tháng 6/2016, bão Mirinae đi vào Nam Định - Ninh Bình với sức gió 12, giật cấp 13 khiến 3 người chết, 4 người mất tích, 30 nhà sập hoàn toàn, 1.400 nhà bị tốc mái, 12 tàu chìm, hơn 196.000 ha lúa bị ngập, 44.000 cây gãy đổ.
Lần này khu vực bão ảnh hưởng chính có đặc điểm địa hình, kinh tế - xã hội khác với cơn bão trên, nhưng với cường độ như dự báo hiện tại, nếu không chủ động trong công tác phòng chống thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Theo thống kê của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, trung bình mỗi năm nước ta chịu ảnh hưởng của trên 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Vùng từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, bao gồm cả đồng bằng Bắc Bộ, có cường độ gió bão lớn nhất cả nước, trung bình đạt cấp 14, giật cấp 15-16, thường xảy ra trong khoảng tháng 7 đến tháng 9. Thống kê giai đoạn 1961-2014 có 116 cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng đến vùng này với cường độ gió mạnh ở ngưỡng cao phổ biến là cấp 14.
Với siêu bão YAGI, lần đầu tiên cơ quan khí tượng phải ban hành rủi ro thiên tai cấp độ 4 trên Vịnh Bắc Bộ và là lần thứ ba Việt Nam ghi nhận mức rủi ro này trong lịch sử.
Các cơn bão, lốc xoáy hay siêu bão đều bắt đầu từ những rối loạn khí quyển, ví dụ như sóng nhiệt đới hoặc khu vực áp suất thấp, nơi mây và giông bão phát triển. Khi không khí ẩm ấm bốc lên từ bề mặt đại dương, gió trong đám mây bão bắt đầu xoáy. Quá trình này có liên quan đến sự xoay của Trái đất, ảnh hưởng đến gió ở các vùng nhiệt đới gần xích đạo.
Để một cơn bão phát triển thì bề mặt biển cần đạt ít nhất 27 độ C để cung cấp đủ năng lượng. Cùng với đó, gió không thay đổi nhiều theo độ cao. Khi các yếu tố này hội tụ, một cơn bão mạnh có thể hình thành, mặc dù nguyên nhân cụ thể của từng cơn bão rất phức tạp.
Để một cơn bão duy trì sức mạnh lâu dài, cần có những điều kiện như nước biển ấm và gió nhẹ trong khí quyển. Nếu có quá nhiều gió xoáy mạnh, nó có thể làm yếu hoặc tiêu diệt các đám mây giông trong bão, khiến cơn bão suy yếu trước khi nó có thể phát triển hoàn toàn. Vì thế, cơn bão cần duy trì sự cân bằng về năng lượng và điều kiện môi trường.
Theo bản đồ dự báo bão của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, tối ngày 8/9, sau khi đi sâu vào đất liền Việt Nam, bão sẽ dần suy yếu trên biên giới Việt - Lào.
BN