Bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam
Dự án Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam (WLP) sẽ hướng đến việc bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa đa dạng sinh học toàn cầu nhờ việc giảm các mối đe dọa từ khai thác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp thông qua cơ chế hợp tác đa bên.
Chiều ngày 24/3, chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về dự án WLP, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, dự án này có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong bối cảnh các loài nguy cấp tại Việt Nam đang bị suy giảm, thậm chí, có những loài đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
Cần bảo vệ các loài nguy cấp tại Việt Nam. |
Trình bày về dự án WLP, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết, dự án được Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng thế giới (WB), thực hiện từ năm 2019 – 2022. Dự án gồm 4 hợp phần, trong đó, Hợp phần 1 là hoàn thiện các quy định chính sách, pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Hợp phần 2 là tăng cường năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật quốc gia và các cơ quan quản lý bảo tồn để giảm thiểu các mối đe dọa đối với các loài nguy cấp. Hợp phần 3 là tăng cường mối quan hệ đối tác và mở rộng quy mô và thể chế hóa các chiến dịch đổi hành vi, làm giảm nhu cầu tiêu thụ các loài nguy cấp. Hợp phần 4 là quản lý, đánh giá và giám sát dự án Năm 2019 là năm đầu tiên dự án đi vào hoạt động.
Năm 2019 là năm đầu tiên triển khai dự án, vì vậy, Ban Quản lý dự án tập trung vào việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan như: thiết lập và hoàn thiện bộ máy tổ chức, cơ cấu và nhân lực, xây dựng và trình phê duyệt sổ tay hướng dẫn thực hiện và kế hoạch thực hiện dự án. Năm qua, dự án cũng tuyển dụng các vị trí cán bộ dự án, chuyên gia tư vấn toàn thời gian hỗ trợ Ban quản lý dự án và bắt đầu thực hiện một số hoạt động thuộc các hợp phần của dự án.
Bước sang năm 2020, theo dự kiến, đối với Hợp phần 1, sẽ thực hiện hoạt động “hỗ trợ xây dựng các quy định pháp luật về bảo vệ loài”, với việc nghiên cứu cách tiếp cận, yêu cầu của quốc tế bao gồm các công ước quốc tế, các tổ chức bảo tồn quốc tế và các quốc gia trên thế giới về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật. Phân tích, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát triển loài sinh vật ở Việt Nam. Khảo sát, đánh giá hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật về bảo tồn và phát triển bền vững các loài và việc tổ chức thực hiện các quy định, chính sách và khảo sát, đánh giá nguồn lực cho các hoạt động của cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và hoạt động cứu hộ, tái thả các loài nguy cấp.
Các đại biểu tham gia họp trực tuyến. |
Cùng với đó, các đơn vị và chuyên gia tiếp tục thực hiện hoạt động “Đánh giá hiện trạng các cơ sở gây nuôi, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp và đề xuất giải pháp quản lý”. Tiến hành thiết kế mẫu phiếu điều tra, thực hiện việc điều tra, khảo sát trên toàn quốc, tổng hợp số liệu và xây dựng báo cáo hoàn thiện. Tiếp tục thực hiện hoạt động “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các loại hình, việc thành lập, vận hành và quản lý đối với các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ và đề xuất áp dụng cho Việt Nam”.
“Dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hỗ trợ cho hoạt động xây dựng pháp luật về bảo tồn loài. Mục tiêu năm 2020 là dự án sẽ tuyển dụng và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn hỗ trợ rà soát, đánh giá hiện trạng hoạt động du lịch và tác động đối với công tác bảo tồn các loài hoang dã và tìm kiếm các bài học kinh nghiệm thực tiễn cũng như lồng ghép các quy định về quản lý bảo tồn loài trong quản lý hoạt động du lịch”, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn cho hay.
Cũng theo bà Nhàn, năm nay, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng và thực hiện lồng ghép nội dung bảo vệ động vật hoang dã trong chương trình hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia về đa dạng sinh học. Xây dựng chương trình bảo tồn các loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ và tham vấn các bên liên quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cứu hộ, chăm sóc và tái thả một số loài động vật hoang dã nguy cấp. Đánh giá nhu cầu tăng cường năng lực và xây dựng tài liệu tập huấn tăng cường năng lực thực hiện các quy định pháp luật về quản lý và bảo vệ đa sạng sinh học/động vật hoang dã cho các cơ quan liên quan ở cấp trung ương và địa phương. Xây dựng và tổ chức các chương trình tập huấn tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về bảo vệ loài nguy cấp…
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao sự nỗ lực của các cán bộ dự án khi đã xây dựng và thực hiện chương trình năm 2019 là nền tảng hoạt động cho các năm tiếp theo. Thứ trưởng yêu cầu Ban quản lý dự án cần rà soát, hoàn thiện kế hoạch năm 2020, có ý kiến chính thức của nhà tài trợ, thực hiện đúng các nội dung và đảm bảo nguồn kinh phí đối ứng theo đúng quy định của nhà tài trợ và pháp luật Việt Nam.
Thứ trưởng nhấn mạnh, đối với dự án này, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ các loài nguy cấp cần được coi là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình triển khai dự án. Chính điều này sẽ tạo nên tiếng nói thay đổi nhận thức, hành vi và cách ứng xử của con người đối với các loài hoang dã nguy cấp, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên.
Cũng từ dự án này, những nghiên cứu về hiện trạng và đề xuất chính sách pháp luật để bảo vệ các loài động thực vật hoang dã sẽ được xem xét khi sửa đổi Luật Đa đạng sinh học, tạo hành lang pháp lý về bảo tồn đa dạng sinh học chặt chẽ, dễ thực thi.
Tống Minh