Thứ ba, 26/11/2024 15:17 (GMT+7)
Thứ ba, 27/10/2020 10:48 (GMT+7)

Bão số 9 nguy hiểm thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 khi đổ bộ, bão Molave có sức tàn phá lớn, gây nguy cơ gió giật mạnh, nước biển dâng, mưa lớn và ngập lụt.

Tiến vào Biển Đông sau khi quét qua Philippines, bão số 9 (Molave) đang tăng cấp nhanh trước lúc đổ bộ vào Trung Bộ.

Theo chuyên gia ngành khí tượng, không hề quá khi nói rằng bão số 9 là một cơn cuồng phong (từ chuyên ngành trong tiếng Anh là "typhoon"), khi hình thái này có thể đạt sức gió mạnh nhất lên đến cấp 12 khi cập bờ.

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra xoay quanh mức độ ảnh hưởng của bão số 9. Nhất là thời điểm này, khi các tỉnh miền Trung chưa phục hồi hoàn toàn sau một đợt mưa lũ lịch sử.

Vì sao bão mạnh hơn, di chuyển nhanh?

Bão Molave được hình thành từ vùng biển ngoài khơi Philippines với xuất phát điểm là một cơn áp thấp nhiệt đới có sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Chỉ sau một ngày quần thảo trên biển, hình thái này mạnh thành bão hôm 25/10.

Sáng 26/10, bão quét qua đất liền Philippines với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 và tiến vào Biển Đông. Đến sáng 27/10, vùng tâm bão đã mạnh lên cấp 13, giật cấp 15.

So với các cơn bão khác, Molave có khả năng tăng cấp khá nhanh và còn tiếp tục mạnh lên cho đến khi áp sát đất liền Đà Nẵng - Phú Yên.

Bão số 9 nguy hiểm thế nào? - Ảnh 1
Bão số 9 có thể mạnh đến cấp 13, gió giật cấp 16 sáng 28/10. (Ảnh: VNDMS)

Lý giải về việc này, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão số 9 đang di chuyển trên vùng biển ấm, có nhiệt độ 28-29 độ C. Đây là điều kiện thuận lợi cho bão mạnh lên.

Trong khi đó, áp cao cận nhiệt đới lấn sâu vào phía tây nên bão có xu hướng đi thấp xuống phía dưới khiến không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống khó tiếp cận để gây suy yếu.

Ngoài ra, bão di chuyển hướng vào vùng biển giữa Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Khu vực này có đặc điểm khá thoáng, điều kiện địa hình ít chắn gió. Vì vậy, bão đang gặp nhiều điều kiện thuận lợi để giữ cường độ mạnh khi áp sát đất liền.

Những kịch bản đổ bộ của bão số 9

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các mô hình dự báo cho ra nhiều kết quả khác nhau về xu hướng đổ bộ của bão.

Một số mô hình thể hiện bão có thể đi vào Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, trong khi một số mô hình khác cho ra kết quả bão di chuyển hơi chếch Nam, đi thẳng vào Phú Yên.

Bão số 9 nguy hiểm thế nào? - Ảnh 2
Các mô hình dự báo cho ra các kịch bản khác nhau về vị trí đổ bộ của bão Molave. (Ảnh: NCHMF)

Dù vậy, dựa trên các đánh giá, phân tích, cơ quan khí tượng nhận định nhiều khả năng vùng đổ bộ trực tiếp của bão nằm ở Quảng Ngãi - Bình Định. Kịch bản này có 60-70% khả năng xảy ra.

Ông Lâm khuyến cáo người dân các địa phương không chủ quan do vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 rất rộng. Các khu vực mưa to và gió mạnh từ cấp 6 trở lên trải dọc từ Hà Tĩnh xuống đến Phú Yên, sang cả các tỉnh Bắc Tây Nguyên.

Bão tác động đến đất liền thế nào?

Nhận định về khả năng ảnh hưởng đến đất liền của bão số 9, ông Lâm cho biết đa phần các cơn bão vào Việt Nam tồn tại một khối mây phía trước gây nguy cơ gió giật. Bão số 9 cũng không ngoại lệ. Dù được dự báo ngày 28/10 mới đổ bộ đất liền, bão có thể gây gió giật và mưa lớn từ chiều 27/10.

Cơ quan khí tượng cảnh báo khoảng thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên là ngày 28/10. Ảnh hưởng của bão khiến khu vực này xuất hiện gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối.

Riêng đất liền ven biển các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Định, gió có thể mạnh đến cấp 11-12, giật cấp 15.

Bão số 9 nguy hiểm thế nào? - Ảnh 3
Với lượng mưa 500-700 mm trong những ngày tới, Hà Tĩnh - Quảng Bình đứng trước nguy cơ ngập lụt trở lại. (Ảnh: Phạm Ngôn)

Ngoài ra, hoàn lưu bão gây một đợt mưa lớn cho các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên trong các ngày 27-29/10. Tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt. Mưa còn mở rộng ra khu vực bắc Tây Nguyên với lượng 100-200 mm.

Ngày 28-31/10, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường khiến trọng tâm mưa dồn lên phía trên. Khu vực Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể ghi nhận lượng mưa 500-700 mm/đợt, có nơi mưa trên 700 mm.

Khu vực nào ảnh hưởng nặng nề?

Mặc dù đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, bão số 9 được nhận định sẽ quét qua rất nhanh đất liền khiến thời gian có gió mạnh sớm kết thúc. Bão bắt đầu gây mưa cho vùng đổ bộ từ đêm 27/10 đến ngày 29/10.

Dù vậy, đây chưa phải ảnh hưởng cực đoan nhất của bão đối với đất liền. Với sức gió đổ bộ lên đến cấp 11-12, giật cấp 15, đây được nhận định là cường độ gió có khả năng tàn phá lớn, đặc biệt đối với các khu vực chưa có kinh nghiệm ứng phó với bão mạnh như Nam Trung Bộ.

Ngoài ra, lượng mưa ghi nhận được từ nay đến ngày 31/10 ở Hà Tĩnh - Quảng Bình có thể lên đến 500-700 mm. Đây là kịch bản mưa cực đoan do khu vực này vừa trải qua một đợt mưa lũ dài ngày, khả năng chống chịu kém do đất đã ngấm nước và chịu tổn thương lớn.

Mưa 500 - 700 mm thậm chí tương đương với vũ lượng từng ghi nhận trong giai đoạn đầu (ngày 6-10/10) của đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. Lũ trên các sông khả năng lên báo động 2-3, có sông lên báo động 3. Ngập lụt diện rộng có nguy cơ quay trở lại Trung Bộ.

Gió cấp 12, giật cấp 14 mạnh ra sao?

Theo thang đo cấp độ sức gió Beauful, bão mạnh cấp 12, giật cấp 14 trên đất liền có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng về nhà cửa, công trình. Cường độ gió này có sức phá hủy lớn. Sóng biển rất mạnh, có thể đánh chìm tàu có trọng tải lớn.

Ông Nguyễn Bá Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão Molave gây ra gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng. Với cường độ rất mạnh nhất cấp 12-13, bão số 9 sẽ gây những đợt sóng cao tới 10 m trên Biển Đông.

Bão số 9 nguy hiểm thế nào? - Ảnh 4
Trước khi vào Biển Đông, bão Molave quét qua Philippines với sức gió mạnh cấp 12, gây ra những đợt mưa lớn và gió giật ở phía Nam Malina. (Ảnh: AP)

Khi bão đi sâu vào vùng biển Trung Bộ, độ cao sóng ít suy giảm bởi đây là khu vực biển thoáng, không bị che chắn, độ sâu của biển lớn và dốc. Những yếu tố này làm giảm cường độ ma sát, do đó sóng biển ít có khả năng giảm độ cao.

Thời điểm áp sát đất liền sáng 28/10, bão gây ra tình trạng nước biển dâng cao 0,5-1 m tại vùng biển ven bờ các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Kịch bản cực đoan hơn, nước biển có thể dâng tới 1,5 m.

Với các kịch bản này, chuyên gia đánh giá khu vực trũng, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh, thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi có nguy cơ ngập úng cao.

Người dân cần làm gì?

Trước diễn biến bão số 9 có thể cập bờ với sức gió mạnh đến cấp 12, các địa phương nằm trong vùng trọng tâm bão đổ bộ từ Đà Nẵng đến Phú Yên bắt đầu triển khai các công tác ứng phó, phòng chống bão bằng cách cấm biển, cho học sinh nghỉ học và sơ tán dân.

Đối với người dân, chuyên gia cho biết các hộ nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cần sớm thực hiện việc chằng chống, gia cố nhà cửa trong ngày 27/10.

Bão ảnh hưởng rất sớm đến đất liền, người dân có thể chịu thiệt hại nặng nề nếu như thực hiện các phương án ứng phó quá chậm trễ.

Bão số 9 nguy hiểm thế nào? - Ảnh 5
Người dân được khuyến cáo gia cố nhà cửa và tích trữ lương thực trong ngày 27/10, trước khi bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. (Ảnh: Phạm Ngôn)

Đồng thời, nguy cơ nước biển dâng khiến vùng trũng thấp, ven biển các tỉnh, thành từ Hà Tĩnh đến Phú Yên xảy ra ngập lụt. Thời điểm bão bắt đầu gây gió mạnh từ chiều nay, người dân tuyệt đối không ở trên các lồng bè mà cần đến ngay khu vực an toàn.

Ngoài ra, trước tình hình mưa, lũ lớn, ngập lụt và chia cắt có thể kéo dài nhiều ngày, người dân cần chủ động tích trữ nước ngọt, lương thực, nhu yếu phẩm để thực hiện ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".

Phương châm "4 tại chỗ" được đánh giá là đã phát huy hiệu quả trong đợt ứng phó với mưa lũ lịch sử những ngày qua ở miền Trung. Phương châm này gồm 4 nội dung: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Mỹ Hà

Bạn đang đọc bài viết Bão số 9 nguy hiểm thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới