Chủ nhật, 06/04/2025 22:59 (GMT+7)
Chủ nhật, 02/08/2020 08:00 (GMT+7)

Bão số 2 có diễn biến khó lường về cường độ và hướng di chuyển

Theo dõi KTMT trên

Chính áp thấp nhiệt đới này sẽ có tác động đến cường độ và hướng di chuyển của cơn bão số 2 ở gần Việt Nam.

Bão số 2 có diễn biến khó lường về cường độ và hướng di chuyển - Ảnh 1
Hình ảnh vị trí và đường đi của bão số 2. (Nguồn: nchmf.gov)

Ngày 1/8, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết theo số liệu thu thập được, hiện nay ngoài cơn bão số 2 (bão Sinlaku) đang hướng về Việt Nam ở khu vực phía Đông của Philippines còn xuất hiện thêm một áp thấp nhiệt đới nữa.

Chính áp thấp nhiệt đới này sẽ có tác động đến cường độ và hướng di chuyển của cơn bão số 2 ở gần Việt Nam.

Áp thấp nhiệt đới ở phía ngoài Philippines sẽ ngăn cản áp cao cận nhiệt đới tiếp cận với bão ở gần Việt Nam.

Khi không có yếu tố dẫn đường của áp cao cận nhiệt đới thì cơn bão ở gần Việt Nam sẽ di chuyển chủ yếu theo nội lực, do đó bão sẽ di chuyển lúc nhanh, lúc chậm, có khả năng thay đổi cường độ do đang tồn tại trên vùng biển nóng. Điều này khiến cho diễn biến về cường độ và đường di chuyển của bão sẽ rất khó lường.

Hiện nay Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo khả năng cao do ảnh hưởng của cơn bão số 2 sẽ xảy ra một đợt mưa rất lớn ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ cũng như khu vực Tây Nguyên. Do vậy, các cơ quan chức năng và các địa phương cần lưu ý tới các hồ thủy lợi xuống cấp, đang nâng cấp, các thủy điện nhỏ có nguy cơ cao; các khu khai thác khoáng sản cần rà soát và đánh giá hiện trạng các công trình, có phương án sẵn sàng ứng phó khi tình huống mưa rất to xảy ra.

Người dân ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, khu vực vùng núi miền Trung cần hết sức cảnh giác với dông, lốc và gió giật mạnh ở rìa ngoài hoàn lưu bão. Khi mưa lớn xảy ra sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất; người dân vùng đô thị ở các khu vực trên cần lưu ý tới hiện tượng ngập úng đô thị.

Ở vùng ven biển tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão cần đề phòng sóng lớn và nước biển dâng, đặc biệt là nếu bão đổ bộ vào thời điểm thủy triều cao, cụ thể là vào buổi chiều các ngày đầu tháng Tám này.

Về tình hình mưa bão tiếp tục xuất hiện trên biển Đông, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm cho rằng tháng Tám này là thời gian bắt đầu có những cơn bão ảnh hưởng tới miền Bắc, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là cao điểm của mùa bão. Tháng Chín và tháng 10 tới mới là cao điểm của mùa bão trên Biển Đông.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, từ nay tới cuối năm còn khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, do đó không loại trừ khả năng sẽ có nhiều cơn bão cùng hoạt động hoặc liên tiếp xuất hiện trên Biển Đông trong những tháng tới.

Từ những nhận định trên, ngay từ đầu năm, trong các bản tin dự báo hạn dài, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã cảnh báo, năm 2020 sẽ là một năm có thời tiết phức tạp, áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ dồn dập vào cuối năm, có những điểm mưa lớn cực trị (lượng mưa 347mm ở Hà Giang vào ngày 21/7 vừa qua là một minh chứng).

"Do thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp như vậy nên điều đầu tiên chúng tôi khuyến cáo là người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khi có hiện tượng bão, lũ, mưa lớn thì cần thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của các cơ quan chức năng," Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh.

Thắng Trung

Bạn đang đọc bài viết Bão số 2 có diễn biến khó lường về cường độ và hướng di chuyển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Kiên định với mục tiêu phát triển xanh
Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn thể hiện rõ quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, tận dụng tối đa tiềm năng lợi thế nhưng gắn chặt với phát triển bền vững.
Thanh Hóa tích cực giảm thiểu, tái chế và xử lý chất thải nhựa
UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, trong đó có việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựạ.

Tin mới

Phiêu du “Thung Nham nơi chốn ngàn năm”
Đọc “Thung Nham nơi chốn ngàn năm” của tác giả Phạm Hồng Điệp người đọc như cảm thụ được những sắc thái, nhịp đò khi rong ruổi trên dòng sông lịch sử.